Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông tối đa lên 200 triệu đồng

ngangianggalaxy1st
Lê Nhã Linh
Phản hồi: 2

Lê Nhã Linh

Thành viên nổi tiếng
Quốc hội chiều nay thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là đề xuất mức phạt vi phạm hành chính.

Dự thảo luật đề xuất tăng mức phạt tối đa lên gấp đôi đối với TP Hà Nội, khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương. Các lĩnh vực áp dụng gồm giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm.

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân - Phó giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk - cho biết quy định về xử phạt trong lĩnh vực an ninh trật tự đã có từ 14 năm nên có bất cập, nhất là mức phạt tiền.

Bà Xuân dẫn chứng trong giao thông đường bộ, mức phạt tối đa hiện hành còn thấp (75 triệu đồng). Với tình trạng "nhờn luật", cố tình vi phạm luật thì mức phạt này chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe.

1747403410904.png

Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân, đại biểu tỉnh Đắk Lắk

"Có lái xe cố tình đi ngược chiều trên cao tốc. Trên cao tốc thì tốc độ và số lượng phương tiện rất cao, cường độ lớn, nếu xe đi ngược chiều xảy ra va chạm thì hậu quả rất nghiêm trọng. Mức phạt tiền tối đa kể cả theo Nghị định 168 như hiện hành vẫn chưa đủ sức răn đe" - đại biểu bày tỏ.

Bà Xuân đề nghị tăng mức phạt tối đa lên 150-200 triệu đồng ở lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy. Theo bà, nếu số tiền phạt nhỏ, không đủ sức răn đe thì người vi phạm sẵn sàng đóng phạt và tiếp tục cố tình vi phạm. Bà cũng đề nghị tăng tuyên truyền, giáo dục ý thức người tham gia giao thông, bởi đây là biện pháp mang tính bền vững.

Dự thảo luật cũng quy định mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực dữ liệu tối đa là 100 triệu đồng.

Bà Xuân phân tích việc kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu trái quy định sẽ gây ảnh hưởng xấu đến tất cả lĩnh vực như an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội; tác động đến quyền con người, quyền công dân. Nếu chỉ quy định mức phạt tiền tối đa 100 triệu đồng là chưa đủ mạnh. Do đó, nữ đại biểu đề nghị tăng lên khoảng 500 triệu đồng để đảm bảo tính răn đe.

Với lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin mạng, bà đề xuất tăng lên mức 200-250 triệu đồng. Bên cạnh đó, lĩnh vực tài nguyên khoáng sản có thể nâng lên 2 tỷ đồng với hành vi vi phạm khai thác tài nguyên, khoáng sản hoặc làm ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, đại biểu Lê Hữu Trí (Khánh Hòa) đề nghị tăng mức phạt tối đa một số lĩnh vực ở tất cả các đô thị trên cả nước, chứ không chỉ tại Hà Nội và nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương.

“Vi phạm về quảng cáo, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là an toàn thực phẩm... ngày càng phổ biến, có tính chất và mức độ nghiêm trọng hơn. Tôi cho rằng mức phạt hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe” - ông Trí nói. Theo ông, phải tăng mạnh mức phạt hơn nữa thì mới đưa nhận thức, hành vi của người dân đi vào trật tự.

Theo ông Trí, tại kỳ họp này, nếu Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa kịp rà soát hết các mức phạt ở tất cả lĩnh vực thì thời gian tới cũng phải làm. Ông dẫn chứng thêm ở nhiều nước, ngay cả hành vi vứt rác không đúng quy định cũng bị phạt rất nặng.

"Thấy tài xế bỏ xe luôn mà đau lòng"

Có quan điểm khác, đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) lại cho rằng mức tiền phạt hành chính tối đa như hiện nay đã cao và đủ sức răn đe. Khi người dân đã "thấm nhuần rồi, nhận thức được nâng cao rồi", mức phạt cần được điều chỉnh để phù hợp với thu nhập cũng như tài sản của người sử dụng trong hành vi vi phạm hành chính.

Không đồng tình với đề xuất tăng mức tiền phạt vi phạm giao thông đường bộ lên 150-200 triệu như đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề xuất, bà Vân phân tích "một chiếc ô tô điện hiện nay cũng chỉ có giá hơn 200 triệu đồng, lương cán bộ, công chức thì có mười mấy triệu".

“Nhiều khi đang nghĩ công việc, hay không nhìn đèn đỏ mà cứ đi theo xe phía trước thôi, người dân cũng có thể vô tình sai luật. Mức phạt cao quá thì người dân cũng rất băn khoăn" - đại biểu Vân nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng nếu tăng mức phạt vi phạm giao thông đường bộ từ 75 triệu lên 150 triệu đồng thì trong nhiều trường hợp, tài xế “bán xe mới có tiền nộp phạt”.

"Tôi đồng ý mức phạt nghiêm để trừng trị, phòng ngừa, răn đe nhưng phải tính đến điều kiện cụ thể và thu nhập của mỗi người dân” - ông Hòa lưu ý. Theo ông, có những trường hợp “tiền phạt cao quá, cao hơn cả giá trị xe nên tài xế bỏ xe luôn thấy mà đau lòng".

Đại biểu Hòa cho rằng có những trường hợp xe là phương tiện lao động, kế sinh nhai của gia đình. Vì vậy, việc tăng mức phạt tối đa cần được cân nhắc.

“Xử phạt phải nghiêm minh, răn đe, phòng ngừa, cảnh tỉnh người vi phạm để họ không dám, không muốn, không gây ra vi phạm. Tuy nhiên, việc này cũng phải tính tới túi tiền của người dân” - ông Hòa nêu quan điểm.

Nguồn: vietnamnet
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top