Dở khóc dở cười vợ chồng ngoài 80 tuổi đi đăng ký kết hôn

CecileTran
Cecile Trần
Phản hồi: 3

Cecile Trần

Thành viên nổi tiếng
Ở cái tuổi ngoài 80, đáng lẽ bố mẹ tôi đã có thể an nhàn tận hưởng tuổi già bên con cháu. Thế nhưng, họ lại phải dắt nhau đến UBND phường để làm một việc tưởng chừng như… không còn cần thiết nữa: đăng ký kết hôn.

Bố mẹ tôi sống với nhau hơn nửa thế kỷ, có con cháu đầy đàn, hộ khẩu ghi rõ là vợ chồng, ứng dụng VNeID cũng xác nhận mối quan hệ ấy. Thời hai người kết hôn chỉ làm đám cưới, không đăng ký kết hôn. Cũng chẳng nghĩ việc kết hôn cho đến bây giờ, khi ông bà bắt đầu tính đến việc lập di chúc, giao lại nhà cửa cho con cháu khi còn minh mẫn đi làm thủ tục. Lúc này, cán bộ công chứng yêu cầu phải có giấy đăng ký kết hôn hai ông bà mới dở khóc dở cười.

Chuyện tưởng đơn giản nhưng hóa rắc rối

Lúc đầu, bố mẹ tôi nghĩ đơn giản: “Mình là vợ chồng bấy lâu nay, nhà nước quản lý đầy đủ, giấy tờ hộ khẩu có tên cả hai, VNeID cũng công nhận, vậy chỉ cần điền đơn đăng ký kết hôn là xong.” Nhưng khi làm thủ tục, cán bộ hộ tịch yêu cầu phải có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Mọi chuyện bắt đầu từ đây. Để có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, bố mẹ tôi phải chứng minh rằng từ trước đến nay, họ chưa từng kết hôn với ai khác. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải xin xác nhận từ tất cả các địa phương nơi từng cư trú – một hành trình đầy gian nan.

Hành trình tìm lại quá khứ trên giấy tờ

Bố mẹ tôi quê ở hai tỉnh khác nhau. Sau khi về chung sống vào những năm 1960, họ chuyển qua nhiều nơi sinh sống, từ quê lên thành phố, rồi từ thành phố này sang thành phố khác theo công việc và con cái.

Giờ muốn đăng ký kết hôn, họ phải quay lại từng địa phương xin xác nhận tình trạng hôn nhân. Nhưng có nơi đã thay đổi địa giới hành chính, có nơi không còn lưu trữ hồ sơ cũ, có nơi yêu cầu phải có chứng cứ xác minh... Một chặng đường dài từ quê lên tỉnh, rồi từ tỉnh về lại quê, ở tuổi ngoài 80, nghĩ đến thôi là muốn... nằm thở luôn cho rồi :cry:.
Trước những khó khăn này, bố tôi thắc mắc "Hộ khẩu bao nhiêu năm ghi rõ là vợ chồng, chẳng lẽ không có giá trị gì?”, hay "Ứng dụng VNeID cũng ghi nhận quan hệ hôn nhân, vậy tại sao vẫn phải chứng minh từ đầu?”. “Nhà nước đã quản lý thông tin của chúng tôi cả đời, sao đến khi đăng ký kết hôn vẫn phải đi xác nhận từ từng địa phương như người lạ?”
Câu trả lời của cán bộ hộ tịch là: “Đây là quy định pháp luật.”
Tôi công nhận mọi thứ phải đúng quy định. Tuy nhiên, quy định cũng nên phân biệt cho từng loại đối tượng, chẳng hạn quy định trên có thể hợp lý với người trẻ lần đầu kết hôn, nhưng với những cặp vợ chồng già đã chung sống cả đời, con cái đầy đủ ghi rõ tên bố, mẹ trong khai sinh, cần có quy định riêng cho phù hợp. Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề lịch sử, có thể nhiều trường hợp như vậy, chỉ thêm một dòng quy định cũng tháo gỡ khó khăn cho bao nhiêu người.
Bên cạnh đó, nếu có một cơ chế linh hoạt hơn – chẳng hạn như công nhận tình trạng hôn nhân dựa trên hộ khẩu lâu năm hoặc thông tin từ VNeID – thì những cặp vợ chồng già như bố mẹ tôi đã không phải lặn lội khắp nơi để “tìm lại quá khứ” trên giấy tờ.
Ở tuổi này, họ chỉ mong có thể hợp thức hóa quan hệ vợ chồng để đảm bảo quyền lợi pháp lý cho con cháu mà thôi!
(Ảnh chỉ mang tính minh họa)
Ôi, trong lúc viết bài này tôi tìm thấy bài viết của báo Tuổi trẻ năm 2023 nói về vấn đề này. Cụ thể, bài viết thuật lời đại biểu Quốc hội Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên):

Ông dẫn lại việc trên báo chí và tiếp xúc hằng ngày, rất nhiều người dân phàn nàn về các thủ tục công vụ và không ít cán bộ hiện nay đang cố gắng làm những quy định cũ kỹ trở nên cũ kỹ hơn nhằm mục đích cá nhân.

Ông dẫn ví dụ bán một căn hộ tập thể để dưỡng già, nhưng các cụ già 80 tuổi phải trình giấy đăng ký kết hôn.

"Không có giấy tờ nào thay thế được giấy tờ đó và các cụ lấy nhau từ cách đây mấy chục năm rồi chiến tranh hay cũng lúc giận lúc hờn, có khi cất đi nhưng mất.

Bây giờ muốn làm được thủ tục cũng bẽn lẽn, run rẩy, dắt nhau đi để đăng ký kết hôn lại, không có đường nào khác cả", ông Nghĩa chia sẻ và cho rằng cần chấn chỉnh kịp thời, bởi đôi khi coi đó là chuyện thường tình nhưng đây là sự xói mòn niềm tin từ hành vi công vụ rất cụ thể.
1739515783709.png
 

Đính kèm

  • 1739515488756.png
    1739515488756.png
    368.4 KB · Lượt xem: 49


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top