Giới trẻ đang thức khuya vì chuyện gì?

Cindy Nguyễn
Cindy Nguyễn
Phản hồi: 2

Cindy Nguyễn

Thành viên nổi tiếng
Thành viên BQT
Một bài viết rất hay mà tôi thấy chuẩn của MC, TS. Trịnh Lê Anh:
Một đêm cuối tháng 3, trong khi các nhà khoa học trẻ ở Hàn Quốc đang công bố công trình mới về AI, sinh viên Đức thảo luận trong diễn đàn về chính sách nhập cư, và bạn trẻ Singapore kêu gọi giảm tiêu dùng nhựa qua một chiến dịch xanh… thì tại Việt Nam, gần 4,8 triệu lượt người (đa phần là người trẻ) đã theo dõi một phiên livestream “đối chất tình cảm” giữa một streamer và một rapper (cao điểm có tới 1,6 triệu mắt xem cùng lúc) vào lúc 1h sáng.

Đúng vậy, chúng ta đang nói về hiện tượng ViruSsPháo. Một “cuộc trò chuyện” mang màu sắc đời tư, thiếu kiểm chứng, không học thuật, không giáo dục, không định hướng – lại trở thành trung tâm chú ý quốc gia trong suốt nhiều giờ đồng hồ. Điều gì đang diễn ra với thị hiếu của giới trẻ và thậm chí, của chính chúng ta?
1743354735187.jpeg

Gần 4,8 triệu lượt người (đa phần là người trẻ) theo dõi một phiên livestream 'đối chất tình cảm' giữa một streamer và một rapper
Không phải lỗi của mạng, đây là sự lựa chọn của xã hội

Câu chuyện “hóng biến” không mới, không chỉ ở Việt Nam. Nhưng cách người trẻ từng quốc gia phản ứng với một vấn đề xã hội - mới là điều đáng so sánh.

Người Nhật giữ khoảng cách. Họ ẩn danh, không bình luận, không biến đời tư thành trò giải trí.
Giới trẻ châu Âu có thể tranh luận gay gắt, nhưng thường ưu tiên các chủ đề nhân quyền, biến đổi khí hậu, giáo dục.

Người trẻ Việt Nam thì sao? Chúng ta đang cười, donate, và tiếp tay lan truyền những thứ vô bổ - trong khi bỏ qua những câu chuyện đổi mới sáng tạo, những cá nhân cống hiến, những tấm gương thầm lặng…
Đã đến lúc phải đặt câu hỏi lớn


Chúng ta đang dạy con em mình tiêu thụ nội dung như thế nào?
Ai đang dẫn dắt thị hiếu số đông? Mạng xã hội có đang giúp chúng ta phát triển tư duy phản biện - hay chỉ là nơi để ngồi hóng cuộc đời người khác?
Không một quốc gia nào có thể tiến xa nếu thế hệ trẻ tiêu tốn hàng giờ để theo dõi drama tình ái, thay vì đầu tư vào học tập, sáng tạo, và làm chủ tương lai.
Pháp luật đi kèm với giáo dục
Phiên livestream ViruSs – Pháo không chỉ gây phản cảm mà còn có dấu hiệu vi phạm Nghị định 147/2024/NĐ-CP về hoạt động livestream và xác thực tài khoản. Nhưng điều quan trọng hơn cả là: chúng ta không thể chỉ dùng quy định để thay đổi văn hóa tiêu dùng nội dung.
Chúng ta cần:
Các nền tảng công nghệ có trách nhiệm hơn.
Các nhà giáo dục và truyền thông lên tiếng mạnh mẽ hơn.
Và mỗi người dùng mạng xã hội biết chọn lọc, biết từ chối nội dung độc hại, biết nói không với trò tiêu khiển vô nghĩa.
Ngưng biến mình thành khán giả rẻ tiền cho những thứ tầm thường
Thế hệ trẻ Việt Nam xứng đáng với những mục tiêu lớn hơn. Không phải chỉ là một lượt “thả tim”, một tiếng cười vào lúc 1h sáng, một trận tranh cãi vô nghĩa. Mà là một tương lai đủ bản lĩnh để gánh vác đất nước - trong một thế giới biến đổi không ngừng.
Chọn nội dung để tiêu thụ cũng chính là chọn con người để trở thành.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top