Hà Tĩnh có quy mô thế nào mà không phải sáp nhập nữa?

D
Phuong Chi
Phản hồi: 3

Phuong Chi

Thành viên nổi tiếng
Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, có địa hình đa dạng, từ vùng đồi núi, trung du, đồng bằng đến biển. Địa phương sản sinh ra nhiều danh nhân, nhà yêu nước nổi tiếng.

1743772965715.png


Hà Tĩnh là tỉnh ven biển phía Bắc của vùng Bắc Trung Bộ, có diện tích đất tự nhiên gần 6.000km2. Phía Bắc, Hà Tĩnh giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Tây giáp Lào, phía Đông giáp biển.

Nhiều lần thay đổi địa giới, tên gọi​

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Tĩnh, suốt chiều dài lịch sử, vùng đất Hà Tĩnh nhiều lần thay đổi tổ chức, địa giới hành chính và tên gọi. Thời Hùng Vương, Hà Tĩnh thuộc bộ Cửu Đức, một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Đầu thế kỷ VI, nhà Lương đổi tên Cửu Đức thành Đức Châu.

Cuối thế kỷ VI, nhà Tùy lại đổi tên Đức Châu thành Hoan Châu. Năm 607, Đức Châu nhập vào quận Nhật Nam (bắt đầu từ đèo Ngang, Quảng Bình đến đèo Cả, Phú Yên). Năm 622, nhà Đường đổi tên quận Nhật Nam thành châu Nam Đức, rồi Đức Châu, đến năm 627 lại thay đổi thành Hoan Châu. Tên Hoan Châu được giữ nguyên cho đến cuối thời kỳ Bắc thuộc. Thời kỳ Đại Việt cũng có nhiều thay đổi.

Đến năm 1831, vua Minh Mạng trên quy mô cuộc cải cách hành chính toàn quốc, tách hai phủ Hà Hoa và Đức Thọ của trấn Nghệ An thành lập tỉnh Hà Tĩnh. Đây là niên đại quan trọng trong tiến trình lịch sử Hà Tĩnh, chứng tỏ vùng đất này đã hội đủ các điều kiện để thành một đơn vị hành chính trực thuộc triều đình Trung ương.

Năm 1976, Hà Tĩnh sáp nhập với Nghệ An, lấy tên là Nghệ Tĩnh. Năm 1991, Quốc hội khóa VIII ra Nghị quyết chia tỉnh Nghệ Tĩnh, tái lập tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh.

1743773059867.png


Hiện nay, tỉnh này có 12 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 9 huyện, 2 thị xã và một thành phố.

Theo báo cáo mới đây của Hà Tĩnh gửi Bộ Nội vụ, đến ngày 1/3, quy mô dân số tỉnh này là 1.632.784 người, trong đó dân số thường trú 1.602.478 người, dân số tạm trú 30.306 người.

Nơi sản sinh ra nhiều danh nhân, nhà yêu nước nổi tiếng​

Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, nơi sinh ra và nuôi dưỡng bao lớp người kiên cường, anh dũng trong chiến đấu chống ngoại xâm; cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất.

Hà Tĩnh quê hương của nhiều danh nhân, nhà yêu nước nổi tiếng tiêu biểu như vua Mai Hắc Đế, Đặng Tất, Đặng Dung, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, nhà thơ - nhà quân sự - nhà kinh tế tài ba Nguyễn Công Trứ, Ngô Đức Kế, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận…

Đặc biệt, Hà Tĩnh là quê hương của hai cố Tổng Bí thư là Trần Phú và Hà Huy Tập.

Vùng đất này cũng là quê hương của 2 Danh nhân văn hóa thế giới do UNESCO vinh danh, đó là Đại thi hào Nguyễn Du và Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (quê nội Hưng Yên, phần lớn gắn bó cuộc đời, sự nghiệp với quê ngoại Hà Tĩnh).

Hương Khê là 1 trong 3 huyện nóng nhất cả nước​

Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, Hà Tĩnh là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của khí hậu chuyển tiếp của miền Bắc và miền Nam, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới điển hình của miền Nam và có một mùa đông giá lạnh của miền Bắc. Vì thế, khí hậu ở Hà Tĩnh rất khắc nghiệt với hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa hè, nhiệt độ trung bình năm là 23,7 độ C.

Nằm ở phía Tây Nam của Hà Tĩnh, huyện Hương Khê được ví như vùng "chảo lửa", "rốn nóng" của gió Lào bởi điều kiện thời tiết tự nhiên khắc nghiệt. Vùng đất này giữ kỷ lục là 1 trong 3 huyện nắng nóng nhất Việt Nam (cùng với Quan Hóa, Thanh Hóa và Tương Dương, Nghệ An).

Trong tháng 4/2019, tại Hương Khê từng xảy ra nắng nóng cao nhất trong lịch sử từ trước đến thời điểm đó ở nước ta, với nhiệt độ lên tới 43,4 độ C.

Cũng chính vì kỷ lục không mong muốn như vậy, vào mùa hè, người dân huyện này ngoài việc vất vả chống chọi với nắng nóng, còn thường lâm vào tình cảnh khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng, vật nuôi.

Diện tích vùng biển gấp 3 lần đất liền​

Hà Tĩnh có địa hình đa dạng, có đủ các vùng đồi núi, trung du, đồng bằng và biển.

Hà Tĩnh có bờ biển dài 137km với tổng diện tích vùng biển 18.400km2, gấp ba lần diện tích đất liền của tỉnh này. Biển Hà Tĩnh có tính đa dạng sinh học cao, vùng ven bờ thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản với diện tích trên 20.000ha; bờ cát dài, thoải, mịn cùng với làn nước trong xanh là điều kiện lý tưởng phát triển các khu du lịch biển như Thiên Cầm, Xuân Thành, Đèo Con.

Đặc biệt, cụm cảng nước sâu như Vũng Áng, Sơn Dương có công suất 82 triệu tấn/năm, có thể tiếp nhận tàu 350.000 tấn. Trong tương lai, cụm cảng này được đánh giá là cửa ngõ ra biển Đông và Thái Bình Dương của vùng Bắc Trung Bộ và các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan và Myanma.

1743773176630.png


Với bờ biển dài 137km từ Cửa Hội, huyện Nghi Xuân đến vùng biển Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh đã hình thành rất nhiều bãi tắm với vẻ đẹp hoang sơ như Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Xuân Thành.

Bãi tắm Thiên Cầm đã được quy hoạch với tổng diện tích trên 1.500ha bao gồm thị trấn Thiên Cầm, xã Cẩm Dương, Cẩm Lĩnh và toàn bộ diện tích đất tự nhiên xã Cẩm Nhượng của huyện Cẩm Xuyên. Khu du lịch Thiên Cầm được quy hoạch gồm khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu làng nghề truyền thống xã Cẩm Nhượng.

Dọc theo bờ biển từ huyện Nghi Xuân đến Kỳ Anh, Hà Tĩnh có cửa biển Cửa Hội, Cửa Sót, Cửa Nhượng, Cửa Khẩu với các vùng đầm phá rộng hàng trăm ha.

Hà Tĩnh có tới 14 dòng sông lớn nhỏ và nhiều hồ nước. Trong đó, sông lớn nhất là sông La và sông Lam, ngoài ra có sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, sông Ngàn Trươi, Rào Cái. Tổng chiều dài các dòng sông khoảng 400km với tổng sức chứa 13 tỷ m3 nước.

Hà Tĩnh có hồ Kẻ Gỗ, hồ Sông Rác, hồ Cửa Thờ Trại Tiểu, đập Đồng Quốc Cổ Đạm... ước khoảng 600 triệu m3 nước.

Hà Tĩnh hiện có 276.003ha rừng, gồm 199.847ha rừng tự nhiên và 76.156ha rừng trồng, với độ che phủ của rừng đạt 45%. Về khoáng sản, tỉnh này có trữ lượng khoáng sản nằm rải rác ở hầu khắp các huyện gồm than đá, sắt, thiếc, than bùn, cao lanh, cát thủy tinh, thạch anh.

Nằm tại vùng ven biển của Hà Tĩnh, mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng khoảng 544 triệu tấn, được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á.

Xếp thứ 3 trong các tỉnh có quốc lộ 1A đi qua​

Hà Tĩnh là tuyến giao thông huyết mạch, có quốc lộ 1A đi qua với chiều dài hơn 127km (xếp thứ 3 trong các tỉnh có quốc lộ 1A đi qua sau Bình Thuận, Khánh Hòa), 87km đường Hồ Chí Minh và tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc tỉnh với chiều dài 70km.

Tỉnh này còn có quốc lộ 8A chạy sang Lào qua cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo với chiều dài 85km, quốc lộ 12 dài 55km đi từ cảng Vũng Áng qua Quảng Bình đến cửa khẩu Cha Lo sang Lào và Đông Bắc Thái Lan.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn Hà Tĩnh có tổng chiều dài hơn 107km với 4 dự án thành phần, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc giai đoạn 2017-2020 và Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng thuộc giai đoạn 2021-2025.

Trong đó, cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt dài hơn 49km qua địa bàn 2 tỉnh Nghệ An (44,4km) và Hà Tĩnh (4,9km) đã đưa vào khai thác toàn tuyến từ 30/6/2024.

Việc cao tốc Bắc - Nam nối đến xã Thanh Bình Thịnh (huyện Đức Thọ) giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Nghệ An, Hà Tĩnh chỉ còn hơn 3,5 giờ.

Hai dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng dự kiến được thông xe vào dịp 30/4.

Hiện Hà Tĩnh là một trong 11 tỉnh thành được giữ nguyên địa giới, không sáp nhập với tỉnh thành khác.
Nguồn: Dân Trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top