Hàn Quốc: Khi "Chiếc thìa đất" trở thành biểu tượng của thế hệ mắc kẹt

N
Nhật Ánh
Phản hồi: 1

Nhật Ánh

Thành viên tích cực
"Chúng tôi sinh ra với chiếc thìa đất trong miệng" – Choi Kyung-min, 33 tuổi, thẳng thắn chia sẻ. Anh và vợ là hình ảnh tiêu biểu của một thế hệ trẻ Hàn Quốc không được thừa kế tài sản, phải gồng mình trả nợ vay sinh viên và thuê nhà ở tỉnh lẻ để tiết kiệm từng đồng gửi về cho bố mẹ.

Khái niệm "thìa đất" mà Choi đề cập đối lập với "thìa vàng" – ám chỉ những người sinh ra trong gia đình giàu có, đầy đủ điều kiện để vươn lên. Vợ chồng anh, vì không muốn tiếp tục truyền lại gánh nặng kinh tế, đã quyết định không sinh con.

Họ không đơn độc. Chỉ 30% người Hàn Quốc hiện tin rằng con cái họ sẽ có cuộc sống tốt hơn bố mẹ – theo khảo sát của Viện Phát triển Hàn Quốc.

Han-Quoc-1744130715-5911-1744130819.png
Hình ảnh mua sắm tại cửa hàng tiện lợi năm 2004 Hàn Quốc (Ảnh: Báo VnExpress)

Trong quá khứ, người Hàn tin rằng học giỏi là cách duy nhất để đổi đời. Nhưng hiện tại, bậc thang đầu tiên – cánh cửa vào các trường đại học hàng đầu – đã bị tài chính của gia đình chi phối.

Gần một nửa sinh viên tại ba đại học top đầu (SKY: Seoul National, Korea, Yonsei) đến từ gia đình thuộc nhóm 20% giàu nhất. Trong khi đó, năm 2023, chi tiêu cho giáo dục tư nhân của trẻ em Hàn Quốc chạm mốc kỷ lục: 27,1 nghìn tỷ won (19,5 tỷ USD).

Park Da-jung, 27 tuổi, có GPA 4.0, TOEIC 990, hàng loạt chứng chỉ, nhưng vẫn bị loại khỏi nhiều công ty lớn ngay từ vòng hồ sơ. “Bạn bè có bố mẹ giàu dễ tìm được thực tập, có nhiều cơ hội hơn. Họ nổi bật từ ngoại hình đến phong thái,” cô chia sẻ đầy cay đắng. Với nhiều người, đầu tư bất động sản vẫn là lối thoát duy nhất khỏi vòng luẩn quẩn thu nhập – chi tiêu – bế tắc.

Hong Ki-won, 35 tuổi, đã mua căn hộ tái định cư ở Seoul nhờ tài khoản tiết kiệm nhà ở và sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ. Chỉ sau hai năm, giá trị căn hộ tăng gấp đôi. “Tiền lời còn nhiều hơn cả thu nhập cả đời,” anh nói.

Nhưng cánh cửa này đang khép lại. Một căn hộ 59m² ở Gangnam hiện có giá gần 1,3 tỷ won, yêu cầu đặt cọc 10% và thanh toán phần còn lại trong vòng bốn tháng, không được thế chấp. Dù vậy, ba căn hộ mới mở bán vẫn thu hút hơn 1 triệu lượt đăng ký – bằng 1/9 dân số Seoul. Khi không thể tích luỹ bằng cách truyền thống, giới trẻ đổ xô vào đầu tư chứng khoán, tiền ảo – dù biết rủi ro.

Seo Min-jung, nhân viên tiếp thị, từng mất hàng chục triệu won vì tiền điện tử. “Tôi thấy người ta giàu lên nhờ đất, cổ phiếu, tiền ảo, còn công sức thì chẳng được ghi nhận,” cô nói.

“Không ai khó ba đời” – câu nói từng truyền cảm hứng, giờ đây trở nên xa lạ với thế hệ trẻ Hàn Quốc. Giáo sư Shin Kwang-yeong (ĐH Chung-Ang) nhận định: “Khi xã hội không mở ra cơ hội thăng tiến chính đáng, người ta sẽ tìm đường tắt. Trước kia là xổ số, giờ là coin và chứng khoán.”

Học hành chăm chỉ, làm việc cật lực – từng là công thức vươn lên trong xã hội Hàn Quốc. Nhưng hiện tại, với chiếc thìa đất trong tay, nhiều người trẻ đang tự hỏi: Liệu có còn con đường nào dành cho mình?

 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga

, 16/04/2025

Back
Top