Hiệu trưởng, hiệu phó có bị cắt giảm sau sáp nhập xã?

ngangianggalaxy1st
Lê Nhã Linh
Phản hồi: 1

Lê Nhã Linh

Thành viên nổi tiếng
Trong bối cảnh cả nước đang triển khai mạnh mẽ mô hình chính quyền địa phương hai cấp và tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, nhiều người không khỏi lo lắng về tương lai của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là các vị trí then chốt như hiệu trưởng và hiệu phó các trường học.

1748398747858.png


Liệu việc sáp nhập này có khiến nhiều nhà quản lý giáo dục phải rời ghế? Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) mới đây đã lên tiếng chính thức, giải tỏa mọi hoài nghi với công văn số 1581.

Theo nội dung công văn, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương giữ nguyên hệ thống các đơn vị sự nghiệp giáo dục hiện có. Nói cách khác, các trường học, từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở không nằm trong diện sáp nhập và vẫn tiếp tục hoạt động bình thường. Chính quyền cấp xã sẽ đảm nhiệm vai trò quản lý Nhà nước đối với các trường học trên địa bàn, trong khi các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và thường xuyên sẽ được chuyển giao cho Sở GD&ĐT cấp tỉnh để tổ chức lại thành các trung tâm dịch vụ giáo dục hoạt động theo mô hình liên xã, phường.

Điều này đồng nghĩa với việc vị trí hiệu trưởng và hiệu phó tại các trường học hiện tại vẫn được bảo toàn. Không có chuyện bị cắt giảm, luân chuyển ồ ạt hay sát nhập trường dẫn đến "dư thừa lãnh đạo", ít nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh việc giữ ổn định mô hình tổ chức tại các trường, một điểm nhấn đáng chú ý khác là sự phân quyền mạnh mẽ về cho Sở GD&ĐT, mở ra một thời kỳ mới cho công tác quản lý giáo dục tại địa phương. Trước đây, việc tuyển dụng giáo viên và quản lý nhân sự trong các trường công lập thường do ngành Nội vụ và chính quyền cấp huyện hoặc tỉnh đảm nhiệm. Tuy nhiên, theo hướng đổi mới, Sở GD&ĐT sẽ là đơn vị nắm quyền toàn diện hơn, từ khâu tuyển dụng, bổ nhiệm cho đến đánh giá và điều động cán bộ giáo dục.

Cụ thể, Sở GD&ĐT sẽ có quyền:

Tham mưu và trình UBND tỉnh quyết định về vị trí việc làm, biên chế công chức và tổng số người làm việc trong các trường công lập.

Tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm và thay đổi chức danh nghề nghiệp của giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó và nhân viên trường học.

Đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá năng lực và xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên một cách bài bản, chủ động.

Bảo đảm đủ biên chế theo đúng đề án phê duyệt, chịu trách nhiệm giải trình về chất lượng giáo dục, số lượng và chất lượng đội ngũ nhân sự.

Thực hiện công nhận, miễn nhiệm, điều động vị trí lãnh đạo tại các trường học một cách linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Cập nhật dữ liệu nhân sự vào hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, giúp việc giám sát, quản lý và báo cáo được chuẩn hóa và minh bạch hơn.

Riêng đối với cấp mầm non, quyền quyết định tuyển dụng giáo viên vẫn sẽ thuộc về chính quyền cấp xã. Tuy nhiên, với các cấp học còn lại, Sở GD&ĐT sẽ nắm toàn quyền. Đây được xem là một bước tiến đột phá trong cơ chế phân cấp, giúp ngành giáo dục chủ động giải quyết tình trạng thừa – thiếu giáo viên cục bộ ở nhiều địa phương. Đồng thời, đảm bảo sử dụng đúng người – đúng việc, tạo điều kiện phát triển chuyên môn sâu và nâng cao chất lượng dạy học.

Tóm lại, việc sáp nhập xã không hề kéo theo “cơn bão” cắt giảm chức danh hiệu trưởng hay hiệu phó như nhiều người từng lo lắng. Ngược lại, cơ cấu tổ chức trong ngành giáo dục đang được tinh gọn và vận hành theo hướng hiệu quả hơn, hiện đại hơn, với quyền hạn rõ ràng và trách nhiệm cụ thể. Đây là tín hiệu tích cực, thể hiện quyết tâm đổi mới của Bộ GD&ĐT nhằm xây dựng một hệ thống giáo dục chất lượng cao, bắt kịp yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Nguồn: doanhnghiep.vn
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top