Khu tự trị Việt Bắc ngày trước có những tỉnh nào, hiện giờ sắp xếp đơn vị hành chính ra sao?

maimaipress
Minh Phương
Phản hồi: 1

Minh Phương

Thành viên nổi tiếng
Theo Sắc lệnh số 268 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký năm 1956, khu tự trị Việt bắc bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang (trừ huyện Yên Bình), Thái Nguyên (trừ hai huyện Phổ Yên, Phú Bình) và huyện Hữu Lũng của tỉnh Bắc Giang.

Thành lập Khu tự trị Việt Bắc nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số tiến bộ mau chóng về mọi mặt

Liên khu Việt Bắc (tiền thân của Khu tự trị Việt Bắc) được hình thành từ tháng 11/1949 trên cơ sở thống nhất Liên khu 1 và Liên khu 10. Liên khu này đã cung cấp, vận chuyển khối lượng không nhỏ nhân lực, vật lực, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Thời gian đầu, Liên khu Việt Bắc bao gồm 17 tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Yên, Hải Ninh, Phúc Yên, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu; 1 đặc khu Hòn Gai và châu Mai Đà (tỉnh Hòa Bình).

Năm 1950, tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên hợp nhất thành Vĩnh Phúc. Năm 1952, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định "thành lập Khu Tây Bắc gồm 4 tỉnh: Yên Bái, Lào Kay, Lai Châu và Sơn La. 4 tỉnh đó từ nay sẽ đứng ngoài Liên khu Việt Bắc".

Ngày 1/7/1956, chiểu theo nghị quyết của Quốc hội trong khoá họp thứ 4 (tháng 3/1955) về chính sách lập Khu tự trị của các dân tộc thiểu số ở những vùng có điều kiện, nhằm tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc và tạo điều kiện cho các dân tộc thiểu số tiến bộ mau chóng về mọi mặt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 268/SL, lập Khu tự trị Việt Bắc.

Theo Sắc lệnh, Khu tự trị Việt Bắc là một bộ phận của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Chính quyền Khu tự trị là một cấp chính quyền địa phương, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ trung ương. Chính quyền và nhân dân Khu tự trị đều tuân theo đường lối chính sách và pháp luật chung của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà mà quản lý những việc trong Khu tự trị.

Hệ thống tổ chức chính quyền Khu tự trị Việt bắc có 4 cấp: Khu, Tỉnh, Châu, Xã. Xã là đơn vị hành chính cơ sở.

Chính quyền Khu tự trị tổ chức theo chế độ dân chủ tập trung, nghĩa là: cơ quan lãnh đạo các cấp đều do nhân dân bầu ra; cấp dưới phải tuân theo chỉ thị, nghị quyết của cấp trên; trong các cuộc hội nghị khi biểu quyết thì số phiếu ít phải phục tùng số phiếu nhiều.

1744105760394.png

Khu tự trị Việt Bắc lúc thành lập có 5 tỉnh và 1 huyện của tỉnh Bắc Giang. Ảnh Bản đồ Khu tự trị Việt Bắc (TTLTQG 1)

Dựa trên luật pháp chung của Nhà nước, và căn cứ vào tình hình đặc biệt ở địa phương, chính quyền Khu tự trị được quyền quy định những luật lệ riêng. Những luật lệ riêng này sau khi được Chính phủ Trung ương chuẩn y mới thi hành. Chính quyền Khu tự trị được tổ chức bộ đội địa phương, dân quân và công an Khu tự trị, để bảo vệ an toàn của Khu tự trị và giữ gìn trật tự trong khu.

Bộ đội địa phương và dân quân trong Khu tự trị là những bộ phận trong quân đội nhân dân Việt Nam, thuộc quyền chỉ huy tối cao của Bộ Quốc phòng Tổng Tư lệnh. Công an Khu tự trị là một bộ phận trong tổ chức công an toàn quốc thuộc quyền chỉ đạo chung của Bộ Công an.

Ngày 19/8/1956, Khu tự trị Việt Bắc chính thức hoạt động và Liên khu Việt Bắc ngừng hoạt động. Từ những nguồn tài nguyên như khoáng sản, nông, lâm sản, than trắng, Khu tự trị Việt Bắc đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công cuộc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa của đất nước.

Sau giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, ngày 27/12/1975, Khu tự trị Việt Bắc giải thể (cùng với Khu tự trị Tây Bắc). Những quy định trong Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 về cấp khu tự trị cũng được bãi bỏ theo Quyết định của Quốc hội khóa V, tại Kỳ họp thứ 2.

Sắp xếp đơn vị hành chính ngày nay của các tỉnh từng thuộc Khu tự trị Việt Bắc

Ở thời điểm hiện nay, về sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh xưa từng thuộc Khu tự trị Việt Bắc, đối với Cao Bằng, tỉnh này hiện có tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh khoảng 6,7 nghìn km2, dân số khoảng hơn 530 nghìn người.

Về đơn vị hành chính, năm 2020, Ủy ban Thường vụ quốc hội ra Nghị quyết số 864/NQ-UBTVQH14 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2020) về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng. Sau sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2019-2021, tỉnh Cao Bằng đã giảm 3 huyện, 38 xã.

Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cao Bằng được chia thành 10 đơn vị hành chính cấp quận huyện, bao gồm 1 thành phố và 9 huyện.

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cao Bằng là tỉnh không thuộc diện sáp nhập.

Với tỉnh Bắc Kạn, diện tích đất tự nhiên của Bắc Kạn là 485.996ha. Bắc Kạn có 8 đơn vị hành chính, trong đó có 1 thành phố (thành phố Bắc Kạn) và 7 huyện (Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn, Chợ Mới, Na Rì, Ngân Sơn, Pác Nặm) với 108 xã, phường, thị trấn.

1744105791018.png

Tỉnh Cao Bằng được chia thành 10 đơn vị hành chính cấp quận huyện, bao gồm 1 thành phố và 9 huyện. Tỉnh này từng thuộc Khu tự trị Việt Bắc được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập vào năm 1956. Ảnh: Dân Việt

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, ước tính dân số của tỉnh Bắc Kạn năm 2024 là 329.312 người (trong đó thành thị có 80.851 người; nông thôn có 248.461 người. Như vậy, Bắc Kạn là tỉnh có dân số ít nhất nước ta; tỉnh có dân số ít nhất thứ 2 là tỉnh Lai Châu với hơn 490 nghìn người. Về lịch sử thành lập, Bắc Kạn vốn là một phần đất của tỉnh Thái Nguyên, được toàn quyền Đông Dương ra Nghị định tách ra.

Với tỉnh Lạng Sơn, theo Nghị quyết số 1246/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023 – 2025 (Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2024), sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, tỉnh Lạng Sơn có 11 ĐVHC cấp huyện, gồm 10 huyện và 1 thành phố; 194 ĐVHC cấp xã, gồm 175 xã, 05 phường và 14 thị trấn; giảm 6 xã (từ 200 ĐVHC còn 194 ĐVHC).

Theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Lạng Sơn là tỉnh không thuộc diện sáp nhập.

Tỉnh Tuyên Quang, thời điểm thuộc Khu tự trị Việt Bắc thì huyện Yên Bình không thuộc Khu tự trị. Ngày nay, tỉnh Tuyên Quang đã thay đổi, phát triển rõ rệt. Về đơn vị hành chính, theo Nghị quyết số 1106/NQ-UBTVQH15 ngày 23/7/2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2024), sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Tuyên Quang có 7 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 01 thành phố và 06 huyện; 137 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 121 xã, 10 phường và 06 thị trấn.

Với tỉnh Thái Nguyên, thời điểm lập Khu tự trị Việt Bắc, hai huyện Phổ Yên, Phú Bình không thuộc Khu tự trị. Về sắp xếp đơn vị hành chính hiện nay, theo Nghị quyết số 1240/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2023 – 2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024), sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Thái Nguyên có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 6 huyện và 3 thành phố; 172 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 121 xã, 41 phường và 10 thị trấn.

Với tỉnh Bắc Giang, vào thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Khu tự trị Việt Bắc, huyện Hữu Lũng của tỉnh Bắc Giang thuộc Khu tự trị.

Tuy nhiên, sau khi thành lập, địa giới tỉnh Bắc Giang tiếp tục có những biến động. Đến trước cách mạng tháng Tám 1945, tỉnh Bắc Giang có 2 châu (Sơn Động, Hữu Lũng), 3 phủ (Lạng Giang, Yên Thế, Lục Ngạn và 3 huyện (Hiệp Hoà, Việt Yên, Yên Dũng).

Sau cách mạng tháng Tám thành công, địa giới tỉnh Bắc Giang tiếp tục có sự biến động. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, huyện Sơn Động và một phần huyện Lục Ngạn sáp nhập với huyện Hải Chi (Hải Ninh) lập thành huyện Lục - Sơn - Hải trực thuộc liên tỉnh Quảng Hồng. Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, huyện Sơn Động và một phần huyện Lục Ngạn trở lại tỉnh Bắc Giang; huyện Phú Bình (Thái Nguyên) cắt về Bắc Giang, sau một thời gian lại trở về Thái Nguyên; cắt huyện Hữu Lũng về tỉnh Lạng Sơn.

Theo Nghị quyết số 1246/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2023-2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024), sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc huyện Hữu Lũng như sau, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 6,05 km2, quy mô dân số là 5.172 người của xã Hà Sơn vào thị trấn Hữu Lũng. Sau khi nhập, thị trấn Hữu Lũng có diện tích tự nhiên là 10,87 km2 và quy mô dân số là 16.858 người.

Thị trấn Hữu Lũng giáp các xã Đồng Tân, Hồ Sơn, Minh Hòa, Minh Sơn và Nhật Tiến. Sau khi sắp xếp, huyện Hữu Lũng có 23 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 22 xã và 1 thị trấn.

Nguồn: Dân Việt
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top