David Dũng
Thành viên nổi tiếng
Trái tim và lá gan của chàng trai xứ Nghệ vượt quãng đường 300km để cứu sống người đàn ông xa lạ, viết nên kỳ tích "lần đầu tiên" tại Việt Nam.
Ngày 30/9, một người đàn ông 36 tuổi, sống tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An không may bị tai nạn giao thông nghiêm trọng do tự ngã. Bệnh nhân ngay lập tức được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để cấp cứu.
Mặc cho nỗ lực giành giật sự sống của các y bác sĩ, bệnh nhân vẫn không thể hồi phục do tổn thương não quá nặng và được chẩn đoán chết não. Trong nỗi đau không thể diễn tả, gia đình bệnh nhân đã đưa ra quyết định vô cùng dũng cảm: Đồng ý hiến tạng của người thân mình, với mong muốn sự sống của anh sẽ được tiếp tục qua những cuộc đời khác.
Cùng lúc đó, tại Hà Nội, anh Đ.V.H. (41 tuổi) đang cận kề cửa tử, sự sống được giữ lại nhờ máy tim phổi nhân tạo (ECMO) và hàng loạt các loại máy móc khác do tim và gan đã gần như mất hoàn toàn chức năng chính.
Ngày 30/9, một người đàn ông 36 tuổi, sống tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An không may bị tai nạn giao thông nghiêm trọng do tự ngã. Bệnh nhân ngay lập tức được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An để cấp cứu.
Mặc cho nỗ lực giành giật sự sống của các y bác sĩ, bệnh nhân vẫn không thể hồi phục do tổn thương não quá nặng và được chẩn đoán chết não. Trong nỗi đau không thể diễn tả, gia đình bệnh nhân đã đưa ra quyết định vô cùng dũng cảm: Đồng ý hiến tạng của người thân mình, với mong muốn sự sống của anh sẽ được tiếp tục qua những cuộc đời khác.
Cùng lúc đó, tại Hà Nội, anh Đ.V.H. (41 tuổi) đang cận kề cửa tử, sự sống được giữ lại nhờ máy tim phổi nhân tạo (ECMO) và hàng loạt các loại máy móc khác do tim và gan đã gần như mất hoàn toàn chức năng chính.
Cách đây 2 năm, cuộc sống của anh H. bị đảo ngược hoàn toàn khi phát hiện suy tim giai đoạn cuối (chức năng tim chỉ còn 23%), do bệnh cơ tim giãn - rung nhĩ.
Mỗi ngày trôi qua, cơ thể người đàn ông lại bị bào mòn dần vì bệnh tật. Cách thời điểm được đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 10 ngày, anh H. bắt đầu cảm thấy khó thở, tức ngực, bụng chướng và phù nề toàn thân.
Quá trình điều trị tại bệnh viện địa phương, anh H. không đáp ứng nên được chỉ định chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Tại đây, trong quá trình điều trị, anh H. phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc vận mạch và lợi tiểu tĩnh mạch.
Tình trạng của người bệnh ngày càng xấu đi. Đến ngày 30/9, anh H. diễn biến nguy kịch, huyết áp tụt xuống mức nguy hiểm 70/50 mmHg, da lạnh ẩm, tiểu ít.
Các y bác sĩ khoa Hồi sức tích cực Tim mạch - Lồng ngực buộc phải tiến hành can thiệp thở máy không xâm nhập để hỗ trợ hô hấp. Thế nhưng, tình trạng khó thở của anh H. vẫn không ngừng tăng lên. Nguy hiểm hơn khi người bệnh còn có tình trạng suy gan cấp và rối loạn đông máu nặng, men gan tăng cao.
Người bệnh được hội chẩn toàn trung tâm, chỉ định đặt ống nội khí quản cấp cứu và thiết lập ECMO cấp cứu. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp duy trì sự sống tạm thời. Các bác sĩ xác định chỉ còn một con đường duy nhất để đưa anh H. trở về từ cõi chết: Thực hiện ghép tạng đồng thời tim và gan.
Được sự đồng ý của gia đình, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiến hành các thủ tục đúng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, báo cáo lên Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia.
Ngay khi nhận được thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lập tức kích hoạt "báo động đỏ" triển khai kế hoạch lấy tạng và chuẩn bị cho một ca phẫu thuật chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam.
TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gọi việc "kích hoạt" ca ghép đồng thời cả tim và gan lần đầu tiên này là quyết định "đầy khó khăn".
"Ngay khi nhận được thông tin bệnh nhân đồng ý ghép tạng, Hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã họp khẩn. Dựa trên tất cả thông tin chuyên môn về tình trạng của bệnh nhân, chúng tôi nhận định đây là một trường hợp rất khó để đưa ra quyết định ghép.
Có 2 điều khiến chúng tôi phải thận trọng: Bệnh nhân quá nặng, nguy cơ cao và đây là ca ghép khó chưa từng được thực hiện", TS Hùng phân tích.
"Khó tại sao vẫn làm?", Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ ra hai nguyên nhân cốt lõi:
Thứ nhất, bệnh viện tự tin vào trình độ chuyên môn của các y bác sĩ và khả năng điều phối trong lĩnh vực ghép tạng, vốn đã được tôi rèn suốt hàng chục năm qua.
Thứ hai, TS Hùng nhấn mạnh, quyết định này thể hiện quan điểm xuyên suốt của các thế hệ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là còn nước còn tát. "Dù chỉ có một cơ hội nhỏ nhất để giữ lấy tính mạng người bệnh, chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ", TS Hùng nói.
Một cuộc chạy đua với thời gian bắt đầu. Ngay từ chiều đến đêm 30/9, bệnh viện đã liên tục cử 2 ekip vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An.
Sáng 1/10, ekip về hỗ trợ hồi sức chết não, chẩn đoán chết não của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cùng các ekip Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An triển khai lấy đa tạng (thận, gan, tim, giác mạc) từ bệnh nhân chết não.
Ngay sau khi lấy thành công các tạng, ekip Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia quân. Một bộ phận ở lại hỗ trợ Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An ghép tạng cho 2 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối.
Bộ phận còn lại cấp tập "hộ tống" lá gan và quả tim vượt qua quãng đường dài hơn 300km để kịp thời ghép cho người bệnh đang hấp hối.
Theo TS Hùng, tim và gan là hai tạng có thời gian bảo quản ngắn nhất. Đặc biệt là quả tim, nếu không được cấy ghép kịp thời, khả năng thành công sẽ giảm xuống đáng kể.
Xe cấp cứu lao vun vút thẳng hướng Hà Nội thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: Thắp lên cuộc đời mới.
Ca ghép đồng thời tim và gan là một thử thách đặc biệt khó khăn. Chúng ta đã từng có những ca ghép đồng thời 2 tạng nhưng mới chỉ dừng lại ở ghép tim - thận hoặc ghép gan - thận.
Trong các tài liệu y văn quốc tế, chỉ một số ít quốc gia phát triển với nền y học tiên tiến như Mỹ hay các nước châu Âu có thể thực hiện được ca ghép như vậy.
Theo TS.BS Dương Đức Hùng, ghép tạng là một cuộc đại phẫu vô cùng phức tạp, là đỉnh cao của y học, chỉ thực hiện khi các phương pháp điều trị khác không còn tác dụng.
"Chỉ ghép tim hay gan đã là rất khó. Thế nhưng khi ghép đồng thời hai cơ quan này cho một bệnh nhân đã rất yếu, độ phức tạp tăng lên không phải gấp đôi mà là gấp nhiều lần", TS Hùng chia sẻ.
Thách thức đến ngay từ bước vạch kế hoạch, khi phải tính toán rất kỹ từng bước đi để tối ưu hóa về mặt thời gian. Thậm chí, ngay cả khi tạng đã được ghép vào cơ thể nhưng chưa có máu vào tạng thì nguy cơ tổn thương tạng rất cao.
Hàng chục y bác sĩ đến từ rất nhiều khoa phòng tham gia vào ca đại phẫu được ví như "một trận đánh lớn", đòi hỏi sự hiệp đồng của rất nhiều binh chủng này.
"Riêng kíp xét nghiệm đã có gần 10 người để thực hiện đủ các loại xét nghiệm, bên cạnh đó ca phẫu thuật đòi hỏi nhiều chuyên khoa như: gây mê - hồi sức, gây mê gan, hồi sức tim, kíp ghép gan, kíp ghép tim...
Mỗi đơn vị như một "bánh răng" trong cỗ máy, chỉ cần có trục trặc ở bất kỳ khâu nào cũng có thể dẫn đến thất bại cả chiến dịch. Do đó, trận đánh này đòi hỏi công tác điều phối tổ chức của bệnh viện phải đạt đến độ nhuần nhuyễn rất cao. Điều này có được từ những kinh nghiệm tích lũy 2 thập kỷ về ghép tạng của chúng tôi", TS Hùng khẳng định.
14h30, 1/10, bên trong phòng mổ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, hệ thống máy móc được kết nối để theo dõi sát chỉ số sinh tồn của anh H.
Thiết bị, dụng cụ mổ được chuẩn bị và kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo điều kiện tốt nhất cho "trận đánh lớn" kéo dài nhiều giờ đồng hồ trước mắt.
Việc cấy ghép đồng thời tim và gan đòi hỏi sự tập trung cao độ của cả ekip. Các y bác sĩ phải lấy được gan và tim đã mất chức năng của bệnh nhân ra, hạn chế tối đa các thương tổn, đặc biệt là các mạch máu.
Sau đó, trái tim và lá gan mới được ghép vào. Quá trình này không chỉ đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối trong thao tác, mà còn phải thật nhanh.
Trong quá trình ghép, các y bác sĩ cũng phải liên tục theo dõi các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân. Chỉ một sai lầm nhỏ trong việc kiểm soát huyết áp, nhịp tim hoặc lưu lượng máu cũng có thể khiến ca ghép thất bại.
Bên cạnh đó, Gây mê - Hồi sức cũng là một trong những "mặt trận" được Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đánh giá là khó khăn nhất trong đại chiến dịch này.
"Các bác sĩ ngoại khoa có thể chỉ căng thẳng trong 8 tiếng phẫu thuật nhưng với ekip Gây mê - Hồi sức, trận chiến có thể kéo dài nhiều ngày", TS Hùng phân tích.
Theo PGS.TS.BS Lưu Quang Thùy, Giám đốc Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa; Trưởng khoa Hồi sức tích cực 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi ghép 2 tạng cùng lúc, mức độ thải ghép sẽ cao hơn.
"Nếu xảy ra tình trạng thải ghép, gan sẽ bị ảnh hưởng ngay và có thể suy gan ngay lập tức. Do đó, chúng ta phải điều chỉnh miễn dịch của bệnh nhân phù hợp để chống thải ghép.
Tuy nhiên, mức ức chế miễn dịch cao lại phát sinh một thách thức khác là nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Trong khi đó, đường mổ cho bệnh nhân cũng đã rất lớn, bệnh nhân phải can thiệp ECMO ngay sau ghép. Đó là một loạt khó khăn trong giai đoạn hồi sức", PGS Thùy nhấn mạnh.
Tối muộn 1/10, trái tim của chàng trai Nghệ An đập những nhịp đầu tiên trong lồng ngực lạ. Lá gan của anh cũng bắt đầu hoạt động, tiết mật giúp đưa các chỉ số đông máu, men gan và bilirubin của H. dần trở về bình thường.
Ca phẫu thuật cân não dài 8 giờ đồng hồ của các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã giúp một cuộc đời được tái sinh từ lá gan và quả tim của chàng trai sắp từ giã cõi trần.
Qua quá trình hồi sức sau ghép, chiều 5/10, anh Đ.V.H. đã được rút ống nội khí quản, bắt đầu tự tập thở. Ý thức dần trở lại, người đàn ông 41 tuổi mỉm cười, bày tỏ sự biết ơn với "người lạ" đã giúp anh viết tiếp những trang tiếp theo của cuộc đời.
Theo TS.BS Dương Đức Hùng, sự thành công của ca ghép đồng thời cả tim và gan cho một người bệnh là một mốc son mới đáng tự hào trong lĩnh vực ghép tạng của Việt Nam.
Chuyên gia này nhấn mạnh, thành công này không chỉ là niềm tự hào của riêng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mà còn khẳng định cho sự tiến bộ vượt trội của ngành y tế nước nhà, nhờ sự quan tâm đầu tư đúng đắn của Đảng, Nhà nước cũng như quyết tâm của các y bác sĩ.
"Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam sánh vai với các cường quốc y tế trên thế giới. Thậm chí, nhiều nước phát triển hơn, có nền y tế tiên tiến hơn Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện được kỹ thuật này", TS Hùng chia sẻ.
Về phía người bệnh, thành công này mở ra cơ hội sống cho rất nhiều bệnh nhân suy tim - suy gan đang cận kề cửa tử.
Với vai trò đầu tàu trong lĩnh vực ghép tạng, khi đã làm chủ kỹ thuật này, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có thể chuyển giao cho các cơ sở y tế khác trong cả nước, giúp nhân lên nhiều hơn nữa những ca đại phẫu hết sức nhân văn này.
"Tạng hiến của bệnh nhân là món quà vô giá. Chúng tôi là những người mang món quà này đến với người nhận. Nhiều năm qua, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vẫn luôn nỗ lực trong công tác chuyển giao kỹ thuật lấy - ghép tạng cho các cơ sở y tế khác để lan tỏa nghĩa cử cao đẹp này.
Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh sau khi được Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức "cầm tay, chỉ việc" đã có thể thực hiện ghép tạng như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn..., thắp lên nhiều cuộc đời", TS Hùng chia sẻ.