Củ lùn được trồng nhiều nhất là ở các tỉnh miền Tây như Long An, Sóc Trăng… Giá bán hiện nay khoảng 100k/ 3kg đã làm sạch đất.
Củ lùn luộc có mùi thơm, bùi, có vị ngọt chẳng lẫn vào đâu được của loại củ có nhiều tinh bột không giống như khoai lang, khoai tây, củ lùn ăn bớt ngán hơn nhiều nhờ thịt giòn, sần sật chứ không bở. Củ lùn còn có thể bào chế thành bột để pha nước uống.
Củ lùn rất hợp để ăn mùa nắng nóng, bởi bề ngoài trông bé nhỏ, nhưng củ lùn ngậm nước cực giỏi, luộc lên để nguội, cắn vào thì nước túa ra, mang theo vị ngọt bùi khó tả, ăn cũng như uống, giúp chống mất nước rất hiệu quả. Không ít người trong giới Đông y còn cho rằng củ lùn là thực phẩm nghèo calo nhưng lại giàu kali, đây là một thành phần quan trọng có thể giúp điều chỉnh nhịp tim, huyết áp và lợi tiểu, mát gan, mát phổi… có thể cải thiện được sức khỏe cho bản thân.
Củ lùn có tên khoa học là Calathea allouia, đây là một loài thực vật có hoa trong họ Marantaceae, có nguồn gốc từ Nam Mỹ và một số nước khác. Cây củ lùn thường mọc thành bụi cao đến 1m, lá có bẹ và cuống đứng cao 40-50cm, phiến lá dài 20-30cm, rễ củ lùn có hình trứng (hoặc tròn) cuống dài kết thành từng chùm, vỏ mỏng màu vàng nhạt, tua tủa nhiều rễ phụ. Thịt củ lùn màu trắng trong, phần nhân có màu trắng đục, củ lùn có nhiều tinh bột, không có chất xơ, đặc biệt là nhiều nước. Vì thế, ăn củ lùn cũng được xem như một vị thuốc mát gan, trị kiết lỵ, lợi tiểu, mát da, sần sùi, mụn nhọt giảm nhanh chóng.