Mới lớp 3 bộ sách giáo khoa có đến hơn 22 đầu sách, học gì mà lắm thế?

Nguyễn Thị Phương Thúy

Thành viên nổi tiếng
Tôi vừa nhận được thông báo đặt mua sách giáo khoa cho con chuẩn bị vào lớp 3. Cầm danh sách trên tay mà ngỡ ngàng: một học sinh lớp 3 – tức là chỉ mới bước sang tuổi thứ 9 – mà phải dùng đến 22 đầu sách giáo khoa. Đó là chưa kể ít nhất 2 cuốn tiếng Anh sẽ phải mua thêm, nâng tổng số lên 24 cuốn.
1746494641414.png


1746494650849.png


Năm ngoái, khi con học lớp 2, tôi đã thấy số lượng sách là quá tải: khoảng 20 cuốn, bao gồm cả sách mua ngoài gồm tiếng Anh toán, tiếng Anh khoa học, rồi sách bài tập cuối tuần. Vậy là mỗi năm học, ba mẹ lại ký giấy mua cả chồng sách, còn con trẻ thì như “chìm nghỉm” giữa một rừng kiến thức được đóng thành tập.

Tôi tự hỏi: các nhà làm chương trình, biên soạn sách có từng ngồi lại, nhìn vào danh sách sách giáo khoa dành cho học sinh tiểu học chưa? Ở cái độ tuổi phần lớn các cháu biết đọc trôi chảy, viết câu cú gãy gọn và làm toán cơ bản mà còn vật vã, thì việc dạy kiến thức truyền đạt qua thầy cô giáo là quan trọng nhất, chứ đọc sách lý thuyết có hiệu quả không?
Thực tế, vẫn là thầy cô đứng lớp truyền đạt kiến thức, còn sách thì để… trong rổ dưới ngăn bàn. Tôi ví dụ như cuốn “Hoạt động trải nghiệm” hay “Giáo dục thể chất”, "An toàn giao thông" – con tôi năm lớp 2 gần như chưa bao giờ mở đến lần thứ hai. Đơn giản là các hoạt động đó được tổ chức trực tiếp trên lớp, qua trò chơi, vận động, thảo luận, hướng dẫn của thầy cô chứ không thể để các cháu tự đọc sách rồi nghe cô giảng. Vậy những cuốn sách như thế có cần thiết không?

Chưa kể, số lượng sách quá nhiều cũng khiến việc học trở thành một gánh nặng nếu như bắt các cháu phải học hết. Trẻ thì căng thẳng, còn phụ huynh thì tốn kém và lãng phí lớn vì mua sách mà không dùng đến.


Chúng ta đang nói rất nhiều về đổi mới giáo dục, về giảm tải chương trình, tăng cường trải nghiệm thực tế, học qua hành. Nhưng nhìn vào danh sách sách giáo khoa cho học sinh tiểu học hiện nay, tôi tự hỏi như vậy có phải là giảm tải cho cả học sinh và phụ huynh không?


Giáo dục tiểu học, về bản chất, phải là nền tảng, là sự khơi gợi hứng thú và thói quen học tập. Một chương trình tốt không nằm ở số lượng sách nhiều hay ít, mà ở chỗ nó có phù hợp với tâm lý, khả năng và nhu cầu phát triển của trẻ nhỏ hay không. Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên rà soát lại toàn bộ cấu trúc chương trình, số lượng đầu sách giáo khoa, và đặc biệt là tính thực tiễn trong việc sử dụng từng cuốn. Đừng để lãng phí như vậy nữa ạ!
 

Đính kèm

  • 1746494631881.png
    1746494631881.png
    561.1 KB · Lượt xem: 5


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top