Nam giới chuộng 'dao kéo' thẩm mỹ

Dân
Thành Dân
Phản hồi: 0

Thành Dân

Thành viên tích cực

Vay tiền để thẩm mỹ, Hà Nhuận Nam, 36 tuổi mong muốn thoát ngoại hình "đen như bánh mật", xây dựng hình ảnh trẻ trung, nam tính, từ đó tăng thêm cơ hội trong cuộc sống.

"Tôi không thể nhớ hết số lần mình lên bàn mổ thẩm mỹ, song mục tiêu cuối cùng là để đẹp, trẻ, bất chấp rủi ro giảm tuổi thọ", Nam nói, ngày 2/12.
Trước đây, người đàn ông ở Hà Nội, tự ti vì làn da đen, nhiều mụn, "trông già hơn cả chục tuổi". Đôi lông mày rậm khiến anh dữ dằn và khó gần hơn. Anh thường xuyên lên mạng, tìm hiểu cơ sở, phương pháp làm đẹp, mong được "lột xác". Khi có thông tin đầy đủ, anh bọc răng sứ, sửa mũi, nhấn mí, cắt bọng mắt. Chưa hài lòng, Nam tiếp tục tìm hiểu phẫu thuật kéo ngắn trán để xử lý trán cao, dô, bị nói là "trán mất của".

"Cơn đau buốt óc dồn dập khiến tôi như mất cảm giác, song đâm lao phải theo lao", anh nói và cho rằng đây là quyết định đúng giúp khuôn mặt cân đối, nam tính hơn. Trải qua hơn 10 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ, cuối cùng Nam có ngoại hình trẻ đẹp như ý, sự nghiệp và cuộc sống cũng trở nên thuận lợi hơn.

Ngọc Minh, 40 tuổi, ở Đống Đa (Hà Nội), đang kinh doanh tự do tại nhà. Anh buôn bán quần áo, giày dép thể thao nên rất chú trọng ngoại hình. Nhiều lần gặp khách hàng, anh bị nhầm là nhân viên vì "bụng to, đầu hói, da ngăm đen". Nhiều người gọi anh là chú, bác vì trông già hơn so với tuổi, còn bạn bè trêu "không có tướng làm sếp".

Thời gian đầu, thay đổi cách ăn mặc để trẻ trung hơn nhưng vẫn không hiệu quả. Sau đó, vợ động viên anh đi spa hằng tuần chăm sóc da mặt, dưỡng trắng, bọc răng sứ để tự tin và ưa nhìn hơn. "Thật khó để đọ nhan sắc với thanh niên đôi mươi, song tôi vẫn cố gắng hàng ngày để bản thân trở nên tốt đẹp hơn", anh nói.
1733271429214.png

Hình ảnh của Nam sau khi nâng cấp bản thân nhờ thẩm mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bác sĩ Cao Ngọc Duy, Phó trưởng Khoa Hàm Mặt Thẩm mỹ, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, nói hiện xu hướng nam giới đi làm đẹp, thẩm mỹ ngày càng trở nên phổ biến. Đặc biệt, vào tháng 12 - thời điểm "vàng" dao kéo, lượng khách nam thẩm mỹ tăng lên với các dịch vụ như chăm sóc da, nâng cơ, căng da mặt, tiêm filler trẻ hóa...

Tại Bệnh viện Da Liễu Trung ương, hầu như ngày nào cũng tiếp nhận nam giới đến khám thẩm mỹ trong khi số ca rất hiếm trong vài năm trước. Bệnh viện Đại học Y Hà Nội ghi nhận tỷ lệ nam giới đi làm đẹp tăng trong những năm qua, khoảng 5% mỗi năm. Tương tự, bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược ( TP HCM), cũng cho biết nhu cầu thẩm mỹ ở nam giới ngày càng tăng. Gần đây, nơi này ghi nhận 20-25% bệnh nhân là nam giới.

Theo các bác sĩ, nhu cầu làm đẹp của quý ông tăng do nhiều yếu tố, trong đó ngày càng nhiều người thay đổi nhận thức về cái đẹp và nhu cầu được trẻ hóa. Họ mong muốn được bình thường hóa việc chăm sóc bản thân và nâng cao sự tự tin, dù vấp phải nhiều định kiến xã hội. Một số người khác ý thức việc thẩm mỹ giúp cải thiện ngoại hình, từ đó nắm được cơ hội vượt trội trong sự nghiệp cũng như tìm kiếm bạn đời. Mặt khác, mạng xã hội với các xu hướng về mỹ phẩm, hướng dẫn làm đẹp và lời khuyên về cách để trở nên có nhan sắc đã gây áp lực cho nhiều người, trong đó có cả nam giới.

Các thủ thuật/phẫu thuật được đa số người nam chọn là cải thiện khiếm khuyết về hình thể (mũi gồ, thái dương, má hóp, mắt sâu... ) hoặc thẩm mỹ vì dấu hiệu lão hóa. Một số khác lại muốn thay đổi cấu trúc gương mặt được cho là không tốt trong vận số, phong thủy.

Tuy nhiên, lượng nam giới làm đẹp so với nữ vẫn là số nhỏ, cứ 100 chị em thì có khoảng 2-5 nam giới, bác sĩ Duy cho hay. Bởi, quý ông không quá chuộng thẩm mỹ và coi dao kéo là nhu cầu "sống còn" như nữ giới. Mặt khác, phong cách thẩm mỹ người nam yêu cầu thường thiên về tính tự nhiên, đơn giản, nam tính. Chẳng hạn mũi cao nhưng vẫn có độ thô, thẳng chứ không thon, mềm, nhỏ, dài như nữ.
1733271444779.png

Bác sĩ Duy can thiệp thẩm mỹ nâng mũi cho khách hàng tại Bệnh viện. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Các bác sĩ cảnh báo hiện thị trường làm đẹp xuất hiện nhiều cơ sở thẩm mỹ chui, không uy tín, kém chuyên môn, bất chấp giá cả, kỹ thuật, chất lượng để kéo khách. Nhiều nam giới có nhu cầu thẩm mỹ nhưng mang tâm lý xấu hổ, sợ bị xã hội đánh giá, nên thường tìm đến các cơ sở này, dẫn đến các nguy cơ gặp biến chứng.

Do đó, mọi người cần lựa chọn cơ sở uy tín, tìm hiểu kỹ các phương pháp, chất liệu làm đẹp cũng như nguy cơ gặp phải. Theo quy định hiện nay, chỉ những cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ mới được phép dùng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể, làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận, hoặc xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Nhóm này gồm bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; bệnh viện đa khoa, chuyên khoa có khoa/đơn vị thẩm mỹ, da liễu; phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, hoặc da liễu.

Các đại phẫu như nâng ngực, hút mỡ, nâng mông... bắt buộc phải thực hiện tại bệnh viện. Hay, tiêm chất làm đầy (filler) tưởng đơn giản, song đòi hỏi người thực hiện phải là bác sĩ được đào tạo bài bản, nhiều kinh nghiệm về tiêm chất làm đầy để tránh gây tai biến như tắc mạch, hoại tử da, loét da...

Không can thiệp quá nhiều bộ phận trong thời gian ngắn. Mọi người nên tìm hiểu, chia nhỏ giai đoạn để an toàn cho sức khỏe. Không đổ xô hay lạm dụng dịch vụ kém chất lượng.
Nguồn: VnExpress
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top