Ngân sách quốc phòng Mỹ lần đầu tiên chạm mốc 1.000 tỷ USD: Sức mạnh hay gánh nặng?

vnrcraw5
Hue Hoang
Phản hồi: 0

Hue Hoang

Thành viên nổi tiếng
Khi gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng ngày 7/4/2025, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ngân sách quốc phòng của Mỹ cho năm tài chính tới sẽ lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD – một con số mà ông cho là "chưa từng có trong lịch sử". Nếu được Quốc hội thông qua, đây sẽ là mức chi tiêu quốc phòng thường niên cao nhất từ trước tới nay của Hoa Kỳ.


Tuyên bố này lập tức gây chấn động trong dư luận Mỹ. Một phần vì chính quyền Trump từng mạnh tay cắt giảm biên chế liên bang, giải thể nhiều cơ quan và chương trình, nhưng lại tiếp tục tăng mạnh chi tiêu quân sự. Một phần khác là do các chính sách thuế quan mà chính quyền Trump theo đuổi có nguy cơ làm tăng chi phí sinh hoạt của người dân lao động, trong khi ngân sách quốc phòng lại phình to đáng kể.


Giới quan sát quốc tế từ lâu đã dự đoán Mỹ sẽ sớm vượt ngưỡng chi tiêu 1.000 tỷ USD cho quốc phòng, cho rằng điều này phản ánh niềm tin có phần mê tín vào sức mạnh quân sự như giải pháp tối thượng cho mọi vấn đề, cũng như khát vọng duy trì vị thế bá chủ toàn cầu.


Theo ông Trump, mức chi tiêu này nhằm mục đích đầu tư vào các thiết bị và năng lực quân sự mới, bảo đảm sức mạnh vượt trội của Mỹ trong những năm tới. Bộ trưởng Quốc phòng Hegseth cũng xác nhận rằng Lầu Năm Góc sẽ đệ trình đề xuất ngân sách trị giá 1.000 tỷ USD, đồng thời khẳng định quân đội Mỹ đang được "tái thiết một cách thần tốc", và rằng mọi đồng đô la sẽ được chi tiêu "một cách khôn ngoan" để nâng cao "khả năng sát thương và sẵn sàng chiến đấu".


Nếu kế hoạch được Quốc hội phê duyệt, Mỹ sẽ bước vào "kỷ nguyên ngân sách quốc phòng nghìn tỷ USD" từ ngày 1/10 năm nay, thời điểm năm tài chính 2026 bắt đầu. Mức này cao hơn gần 12% so với con số 895 tỷ USD đã được thông qua cho năm tài chính 2025 dưới thời Tổng thống Joe Biden, và 886 tỷ USD của năm 2024.


Tuy nhiên, điều đáng chú ý là chỉ vài tuần trước, ông Hegseth từng yêu cầu các tướng lĩnh cấp cao xây dựng kế hoạch cắt giảm 8% ngân sách quốc phòng. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump thậm chí còn hứa sẽ giảm tới 40% chi tiêu. Nhưng theo kênh phân tích "Geopolitics Live", sự thay đổi lập trường này cho thấy chính quyền Trump hiện đang tập trung vào việc nâng cao hiệu quả chiến đấu thay vì tinh giản bộ máy và cắt giảm lãng phí.
1744253249301.png

Mỹ cũng muốn thông qua việc tăng chi tiêu quốc phòng để gây ảnh hưởng đến các đồng minh NATO, khuyến khích họ nâng tỷ lệ chi tiêu quốc phòng lên mức 5% GDP như ông Trump từng yêu cầu. Dù vậy, theo tuần báo Defense News, ngay cả khi Mỹ chi 1.000 tỷ USD thì mức này vẫn chưa đủ để đạt kỳ vọng mà Trump đặt ra cho các đồng minh, đặc biệt là châu Âu.

Tiền từ đâu ra?


Ông Trump cho biết ngân sách khổng lồ này sẽ được lấy từ phần tiết kiệm có được sau khi cắt giảm bộ máy chính phủ, nhưng không nêu chi tiết cụ thể. Được biết, Bộ Hiệu quả Chính phủ do tỷ phú Elon Musk làm chủ tịch đã cho thôi việc khoảng 280.000 nhân viên liên bang chỉ trong hai tháng gần đây.


Tuy nhiên, chưa rõ toàn bộ số tiền này có được phân bổ cho riêng Bộ Quốc phòng hay sẽ bao gồm cả các cơ quan khác chịu trách nhiệm về vũ khí hạt nhân và an ninh quốc gia. Trong khi đó, giới phân tích cảnh báo rằng nếu các khoản chi ngoài quốc phòng không bị cắt giảm mạnh, thì mức tăng này sẽ khiến thâm hụt ngân sách liên bang ngày càng nghiêm trọng.


Đảng Dân chủ hiện là thiểu số tại cả Hạ viện và Thượng viện nên khó có thể ngăn chặn đề xuất. Dù vậy, họ vẫn phản đối việc cắt giảm các chương trình phúc lợi, trong khi một số thành viên cũng ủng hộ việc tăng chi tiêu quốc phòng vì lý do địa chính trị.


Trên thực tế, Lầu Năm Góc lâu nay vẫn bị chỉ trích là thiếu minh bạch. Theo Defense News, cơ quan này đã không vượt qua kiểm toán trong suốt bảy năm liên tiếp, với hơn 150 tỷ USD chi tiêu không thể giải trình rõ ràng.


Chi tiêu vào đâu?


Một phần ngân sách mới sẽ được dùng để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân, phát triển tên lửa siêu thanh, hiện đại hóa tàu ngầm hạt nhân, tàu chiến và mua sắm trang bị mới. Một số chuyên gia quân sự cho rằng Mỹ cũng đang đẩy mạnh nghiên cứu các hệ thống phòng thủ tên lửa thế hệ mới – trong đó có "Vòm sắt" phiên bản Mỹ, một dự án đầy tham vọng được cho là mô phỏng chương trình "Chiến tranh giữa các vì sao" dưới thời Tổng thống Reagan.


Ngoài ra, ngân sách này sẽ được dùng để mở rộng năng lực sản xuất quốc phòng, hiện đại hóa ngành công nghiệp quân sự vốn bị đánh giá là tụt hậu, đồng thời loại bỏ các dự án cũ kỹ không còn phù hợp với yêu cầu chiến lược trong tương lai.


Mỹ mạnh hơn hay nguy hiểm hơn?


Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại. Nhà nghiên cứu William Hartung thuộc Viện Quincy cho rằng: “Chi 1.000 tỷ USD cho quân sự trong khi rút bớt đầu tư cho ngoại giao và kích hoạt các cuộc chiến thương mại toàn cầu là công thức dẫn tới xung đột và sự suy yếu của nước Mỹ.”


Trang Common Dreams cảnh báo việc tăng chi cho quốc phòng đi kèm với cắt giảm các chương trình an sinh như Medicare hay trợ cấp dinh dưỡng sẽ tạo thêm gánh nặng cho tầng lớp lao động, trong khi giới siêu giàu tiếp tục được giảm thuế.


Tạp chí Forbes cũng cho rằng đầu tư thêm vào vũ khí hạt nhân hay phòng thủ tên lửa đắt đỏ không chắc sẽ giúp Mỹ đối phó hiệu quả hơn với các mối đe dọa hiện nay, thậm chí còn có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang nguy hiểm.


Dự án Chi phí Chiến tranh của Đại học Brown từng ước tính rằng các cuộc chiến hậu 11/9 đã khiến Mỹ tiêu tốn 8.000 tỷ USD, gây thiệt hại nặng nề về nhân mạng và tâm lý cho binh sĩ, đồng thời góp phần làm bất ổn Trung Đông.


Giới phân tích cho rằng việc phụ thuộc quá mức vào sức mạnh quân sự không khiến nước Mỹ an toàn hơn. Trái lại, sự thiếu quan tâm đến các giải pháp phi quân sự có thể làm trầm trọng thêm các mối đe dọa phi truyền thống và đẩy thế giới vào tình trạng bất ổn hơn nữa.


“Với bản chất của các thách thức ngày nay – phần lớn không thể giải quyết bằng biện pháp quân sự – việc tăng ngân sách quốc phòng lên nghìn tỷ đô la là một sai lầm trị giá nghìn tỷ đô la”, báo cáo từ Dự án Chi phí Chiến tranh kết luận.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top