Sau Mr Pips này còn Pips khác

Cindy Nguyễn
Cindy Nguyễn
Phản hồi: 0

Cindy Nguyễn

Thành viên nổi tiếng
Thành viên BQT
Ông Ngô Trọng Thanh có kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực marketing, đồng thời là giám đốc điều hành công ty Mancom có nhiều bài viết chia sẻ sâu sắc về những vấn đề kinh doanh. Đây là bài viết mới nhất của ông nói về vụ Mr Pips:
Vài hôm trước, khi đang chạy thể dục buổi sáng, tôi nhận được cuộc điện thoại từ số lạ.

Đang chờ đợi một bưu kiện, nên tôi bấm máy trả lời dù rất ít khi nghe số lạ. Bằng giọng nói đầy uy quyền, người gọi cho biết cuộc gọi xuất phát từ cơ quan chức năng nơi tôi cư ngụ, yêu cầu tôi hợp tác.

Vài ngày sau đó, đường dây lừa đảo của Mr Pips bị phanh phui, với quy mô hơn 5.200 tỷ đồng và 2.660 người bị hại. Số tiền trung bình mỗi nạn nhân là khoảng 2 tỷ đồng - một khoản lớn với cả tầng lớp trung lưu Việt Nam - khiến nhiều người thắc mắc "sao họ dễ bị lừa tới vậy, nhất là những người có tiền".

Thật dễ dàng phán xét khi mọi sự đã sáng tỏ. Nhưng lại cũng dễ dàng nhận ra sự phi lý khi một người không quen biết lại hứa giúp ta lượm được cả đống tiền trên mạng. Ẩn sâu trong câu chuyện của Mr Pips, là khả năng khơi gợi cảm xúc kiếm tiền mãnh liệt từ những kẻ đi săn ranh mãnh, vượt qua mọi tính toán logic nhất của con mồi.

Năm 2003, giáo sư Gerald Zaltman của Trường Kinh doanh thuộc Đại học Harvard có nghiên cứu sâu về "hộp đen" của khách hàng, để tìm hiểu động lực sâu xa thúc đẩy mỗi khi người tiêu dùng quyết định chi tiền. Ông kết luận, 95% quyết định mua hàng đến từ sự thôi thúc vô thức. Xa hơn nữa, ông khẳng định "chúng ta mua hàng dựa vào cảm xúc, và dùng lý trí để biện minh cho quyết định của mình".

Tôi từng nghi ngờ về kết luận này, cho tới khi tự mình có trải nghiệm. Thật vậy, nếu đầu tư một món hàng đắt tiền như mua một căn nhà, bạn sẽ dành nhiều thời gian để tìm hiểu thông tin thị trường, so sánh giữa các lựa chọn, nhưng quyết định rất nhanh khi gặp căn nhà ưa thích. Rồi, sau khi đã mua, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa tìm hiểu các thông tin liên quan, nhằm tự vấn an và cố hài lòng với quyết định của mình.

Chuyện lừa đảo vốn xưa như Trái đất. Phi vụ sớm nhất trong lịch sử kinh doanh của loài người được ghi nhận từ những năm 300 trước Công nguyên, khi thương gia người Hy Lạp Hegestratos tự làm chìm tàu sau khi đã bán sạch chuyến hàng, để chiếm trọn khoản tiền giống như bảo hiểm thời nay. Rồi, có những chuyện tưởng như không thể, như năm 1925, "quý ông" Victor Lustig người Áo còn rao bán cả tòa tháp Eiffel giữa lòng Paris để lấy được 70.000 USD (tương đương 1.300.000 USD theo thời giá hiện tại) tiền lót tay.
1734917462148.png

Những phi vụ lừa đảo như có cơ hội phát sinh mạnh mẽ hơn trong thời gian gần đây, song hành cùng sự phát triển của mạng xã hội. Có nhiều nguyên nhân lý giải cho hiện tượng này. Nguyên nhân đầu tiên, việc nhẹ lương cao vẫn còn là ước vọng của nhiều người, theo kiểu "một khi mà cô đã thương, muốn làm người thường cô cũng không cho". Những cơn sốt nóng bất động sản hay "lan đột biến" làm nhiều người trở thành phú ông trong tích tắc càng làm cho tâm lý đó phát triển, khuyến khích nguồn lực xã hội đổ dồn cho đầu cơ ngắn hạn. Mối lợi như trên trời rơi xuống càng có sức thu hút trong sự tương phản với đồng lương công chức, hay thu nhập của những người làm ăn chân chỉ hạt bột. Thật khó cầm lòng, khi một doanh nghiệp nội địa cỡ vừa, với doanh thu 50-100 tỷ đồng cùng hàng trăm người lao động cặm cụi làm ăn, cả năm cũng chỉ kiếm được lợi nhuận vài tỷ đồng, vừa bằng một người lướt sóng một căn nhà hay căn chung cư trong mùa sốt nóng, hay số tiền lời mà Pips hứa hẹn kiếm được.

Mạng xã hội lên ngôi, kết nối chúng ta gần nhau hơn, nhưng cũng mang lại cho mỗi người những nguồn thông tin ngồn ngộn thiếu kiểm chứng. Những hạt cát đời thường bỗng trở lên lấp lánh như vàng trên mạng. Chuyện làm giàu không khó trong cộng đồng, với những lớp học làm giàu, những ngôi sao mạng ngày ngày rao giảng cách kiếm tiền càng thôi thúc mọi người mơ tưởng một ngày "cô" mở lòng thương.

Xa hơn nữa, nền giáo dục thiếu chú trọng vào việc phát huy khả năng đặt câu hỏi phản biện (critical thinking) đã hạn chế tư duy đa chiều, và thái độ dám tin vào suy nghĩ ngược dòng của cá nhân.

Tâm thức mong muốn làm giàu sau một đêm, lại thiếu đi bản năng suy nghĩ độc lập như những đám cỏ khô, chỉ đợi mồi lửa từ Mr Pips để bùng cháy. Những phán đoán logic ban đầu nhanh chóng bị phá vỡ, để tâm lý bị thao túng, cảm xúc bị dẫn dụ và con mồi dễ bị hút vào vòng xoáy ngày một sâu của Pips.

Thời gian qua, tôi có tham gia một dự án tư vấn phát triển thị trường cho một doanh nghiệp lớn với vai trò tư vấn trưởng. Trong nội dung công việc có phần nghiên cứu tâm lý và hành vi của những người tham gia trò chơi may rủi. Một kết quả nghiên cứu thị trường ấn tượng nhất với tôi, hiệu ứng "one step to wining - suýt nữa thì trúng giải" là động lực mạnh mẽ nhất níu kéo người chơi tham gia lâu dài. Cho dù rất khác về bản chất, tôi tin rằng tâm lý này cũng là sức hút khó cưỡng, để nạn nhân của Pips mất tiền tỷ có thể chỉ do bắt đầu bằng ý nghĩ "thử chút xem sao" với số tiền nhỏ ban đầu.

Sau Pips này, sẽ còn nhiều Pips khác, với những hình thái mới lạ đến không tưởng. Sự thao túng tâm lý theo đó cũng sẽ ngày thêm nặng nề. Không có cách nào khác, ngoài việc tự trang bị cho chúng ta sự phản kháng tự thân, không tin vào những ảo mộng lượm tiền trên mạng, và tâm thế cảnh giác thoát ra khỏi sự dẫn dụ của kẻ xấu từ những giây phút đầu tiên.

Quay lại cuộc gọi từ "cơ quan công quyền" đầu câu chuyện, tôi đã nhanh chóng tắt máy trước khi người gọi có cơ hội nói thêm, ngay khi liếc nhìn đồng hồ. Lúc đó là 7h45 sáng. Chẳng có viên chức nào gọi điện bàn công việc ở thời điểm quá sớm như vậy.
#VụlừađảoTikTokerMrPips

 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top