Tinh gọn bộ máy gắn với đơn giản hóa hệ thống pháp luật

B
Ánh Bình Minh
Phản hồi: 0

Ánh Bình Minh

Thành viên nổi tiếng
Bài phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, đăng trên báo Pháp luật TPHCM:

Cồng kềnh, chồng chéo, thiếu hiệu quả nên cần một cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và điều này cần gắn liền với việc loại trừ các căn nguyên, trong đó có tình trạng lạm dụng điều chỉnh bằng pháp luật.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được triển khai một cách quyết liệt trong toàn bộ hệ thống chính trị và trên phạm vi cả nước. Không chỉ các cơ quan, tổ chức thuộc diện sáp nhập, giải thể mà bất cứ tổ chức nào cũng phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của mình.

Quá trình ấy đòi hỏi việc rà soát, đánh giá diện rộng hệ thống pháp luật, không chỉ ở khía cạnh văn bản mà cả ở công tác tổ chức thi hành. Đây là cơ hội để tiếp tục nhận thức về vai trò của pháp luật, công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong nhiệm vụ chung xây dựng nhà nước pháp quyền.

1734105454265.png

Hoạt động biểu quyết thông qua luật của Quốc hội. Ảnh: QH

Pháp luật phải khơi thông nguồn lực trong dân

Nhà nước pháp quyền là nhà nước của pháp luật nhưng không có nghĩa là phải ban hành thật nhiều pháp luật.

Tổng Bí thư Tô Lâm khi nhấn mạnh thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn” đã có nhận xét rất xác đáng là chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi. Các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực. Chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, khơi thông nguồn lực trong dân.

Một nguyên nhân có lẽ là tình trạng lạm dụng điều chỉnh.

Pháp luật điều chỉnh hành vi và chúng ta đã “ngấm” quan điểm: Muốn xây dựng Nhà nước pháp quyền thì phải có đầy đủ pháp luật. Vì vậy, một thời gian dài, chúng ta đã cố gắng kế hoạch hóa hoạt động xây dựng pháp luật, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Hơn thế nữa, mỗi khi đối mặt với những vướng mắc, khó khăn trong quản lý, trong vận hành xã hội thì ý kiến, phát biểu đầu tiên ở nhiều cấp, nhiều ngành đều là cần phải ban hành pháp luật để xử lý.

Hậu quả là các quy phạm khi được ban hành theo cách đó bộc lộ nhiều hạn chế, cản trở sự phát triển. Điều này có thể thấy qua việc nhiều dự án đầu tư công bị ách tắc, chậm giải ngân do những ràng buộc của các quy định.

Không chỉ vậy, cán bộ công chức không dám quyết, không mặn mà thúc đẩy công việc… và Bộ Chính trị phải ban hành Kết luận 14-KL/TW bảo vệ những người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Chưa hết, việc lạm dụng điều chỉnh còn gây ra hệ quả là chi phí tuân thủ, chi phí thi hành… càng cao, có thể lên đến hai con số của GDP!

Hàn Quốc, một quốc gia có hệ thống luật thành văn như chúng ta, từng trải qua giai đoạn có đến 17.000 văn bản nhưng sau tổng rà soát đã giảm còn 5.000.

Chỉ đạo ở cấp cao nhất…

Tổng Bí thư Tô Lâm khi phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 21-10 và tiếp đó là trong dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 đã nhấn mạnh việc đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp.

Theo đó, cần chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, không luật hóa các quy định của nghị định và thông tư.

Vậy để khắc phục tình trạng lạm dụng điều chỉnh, có lẽ chúng ta phải thấy được tầm quan trọng của tự do và trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị này, cần minh định lại sứ mệnh của các thiết chế có liên quan.

Chẳng hạn, trong quy trình lập pháp, cần thấy rõ Chính phủ là cơ quan thúc đẩy việc ban hành pháp luật, còn Quốc hội phải là cơ quan kiểm soát việc ban hành pháp luật, chứ không phải ngược lại.

1734105532682.png

TS Nguyễn Sĩ Dũng

… Đến cân đối động giữa tự do và điều chỉnh

Chúng ta cũng cần cân đối giữa tự do và điều chỉnh, để sửa đổi hệ thống pháp luật phù hợp với các chuẩn mực của Nhà nước pháp quyền.

Tự do là điều kiện cho sáng tạo và phát triển nhưng tuyệt đối hóa tự do có thể dẫn tới tình trạng vô chính phủ và bất ổn. Điều chỉnh giúp đảm bảo trật tự và ổn định nhưng lạm dụng điều chỉnh sẽ gây tốn kém và trói buộc sự phát triển. Đây là một phép cân đối động.

Chúng ta phải xây dựng năng lực thể chế bao gồm hệ thống các thiết chế, các quy trình, mà pháp luật dù rất quan trọng cũng chỉ là một bộ phận, một công cụ điều chỉnh, nhằm đảm bảo sự cân đối này.

Cuộc tổng rà soát hệ thống pháp luật nhằm phục vụ cho mục tiêu tinh gọn bộ máy thiết nghĩ cần đặt phi điều chỉnh hóa là yêu cầu trọng tâm.

Hơn hai năm trước, khi cùng thảo luận, góp ý để Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền ****, một cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp khi đó cũng đã đề nghị phải tiến hành một công cuộc đơn giản hóa hệ thống pháp luật.

Ở nước ta, kể cả các luật gia, luật sư cũng khó có thể cập nhật được hết các loại văn bản quy phạm pháp luật. Vậy nên ưu tiên thực hiện tổng rà soát và bãi bỏ các văn bản do cơ quan không có thẩm quyền ban hành hoặc các văn bản không còn cần thiết, không còn phù hợp. Việc này có thể tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc, một quốc gia Đông Bắc Á có hệ thống luật thành văn như chúng ta, từng trải qua giai đoạn có đến 17.000 văn bản nhưng sau tổng rà soát đã giảm còn 5.000.

Nhưng kể cả đã thanh lọc được rừng luật ấy, quan trọng hơn cả, chúng ta phải trang bị cho mình sự hiểu biết và vận dụng lý thuyết lập pháp, kỹ thuật lập pháp và quy trình lập pháp thật sự khoa học. Thiếu đầu tư vật lực, nhân lực chất lượng cao cho công tác hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, thiếu kiến thức và kỹ năng chuyên sâu thì cố gắng mấy, làm kỹ mấy cũng khó cải thiện được tình hình.

Tất cả chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu vận động, sáng tạo, phát triển của đất nước, của dân tộc…

Nguồn: plo.vn
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top