Tình huống pháp lý vụ xe kéo cán chết 2 người trú mưa dưới gầm xe

maimaipress
Minh Phương
Phản hồi: 0

Minh Phương

Thành viên nổi tiếng
Theo luật sư, ông Đ. có thể bị xử lý về tội Vô ý làm chết người hoặc Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, tùy thuộc kết quả xác minh của cơ quan công an.

Như Dân trí thông tin, Công an huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) đang tạm giữ hình sự ông Hồ Văn Đ. (340 tuổi, người địa phương) để điều tra vụ việc xe máy kéo cán chết 2 người trú mưa dưới gầm.

Theo công an, chiều tối 5/11, ông Đ. thuê người tới rẫy để nhổ sắn. Khi đang bốc củ sắn lên thùng, trời đổ mưa to khiến mọi người phải chui xuống gầm xe để trú mưa. Phát hiện thùng xe có nước mưa chảy xuống làm ướt người trú dưới gầm, ông Đ. đi lên nổ máy nhằm nâng thùng xe lên, ngăn nước mưa chảy xuống phía sau làm ướt người.

Tuy nhiên, do xe đang còn sẵn số và cài cầu nên khi ông Đ. khởi động, xe lập tức di chuyển về phía trước, cán qua làm 2 người tử vong là anh K. (28 tuổi) và chị H. (27 tuổi, cùng ở huyện Ea Súp).

Với diễn biến sự việc như trên, ông Đ. có thể chịu trách nhiệm pháp lý ra sao?

1731121301687.png

Hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Uy Nguyễn).

Luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận đây là sự việc hết sức đau lòng, đáng tiếc. Xuất phát từ lòng tốt và mong muốn giúp đỡ người khác, song chỉ vì sự bất cẩn mà ông Đ. đã gây ra hậu quả đau lòng. Dù không phải lỗi cố ý nhưng với hành vi cẩu thả nêu trên, người đàn ông vẫn có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Phân tích dưới góc độ pháp lý, ông Thắng cho rằng trước tiên, cần làm rõ vị trí xảy ra tai nạn là ở đâu, và khu vực này có được coi là "đường bộ" theo quy định tại Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 hay không. Từ đó, có thể xảy ra 2 tình huống như sau:

Thứ nhất, nếu vị trí xảy ra tai nạn được xác định thuộc nhóm đường bộ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, việc tài xế bất cẩn, chủ quan trong việc khởi động, vận hành phương tiện được coi là hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Khi đó, ông Đ. có thể bị xử lý về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.

Với tình tiết định khung làm chết 2 người, khung hình phạt ông Đ. có thể bị truy tố là 3-10 năm tù.

Thứ hai, nếu vị trí xảy ra tai nạn không phải đường bộ, ông Đ. có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi Vô ý làm chết người. Với tình tiết định khung làm chết từ 2 người trở lên theo khoản 2, Điều 128 Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt có thể dùng để truy tố người này là 3-10 năm tù.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng cả 2 tội danh trên đều không thuộc nhóm tội chỉ khởi tố khi có yêu cầu của bị hại theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Do đó, dù các bị hại không có yêu cầu xử lý hình sự thì với diễn biến hành vi nêu trên, ông Đ. vẫn có thể phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu người này có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 như tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; phạm tội do lạc hậu hay được các bị hại có đơn xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, căn cứ Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015, ông Đ. có thể được áp dụng khung hình phạt thấp hơn khung hình phạt bị truy tố là 3-10 năm tù.

Nguồn: Dân Trí
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top