Ủng hộ Vin làm đường sắt tốc độ cao, nhưng đừng lập luận "không giao cho Vin thì giao cho ai?" nữa được không

lehanh502
Hưng Nghé
Phản hồi: 1

Hưng Nghé

Thành viên nổi tiếng
Việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một trong những quyết định hạ tầng quan trọng bậc nhất trong nhiều thập niên tới, với quy mô đầu tư hàng chục tỷ USD và ảnh hưởng sâu rộng đến cấu trúc vận tải, phát triển vùng và định hướng kinh tế đất nước. Trong cuộc tranh luận về việc nên giao dự án này cho doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân thực hiện, quan điểm của tôi là: ai làm cũng được, miễn là làm hiệu quả, minh bạch, và bảo vệ lợi ích quốc gia lâu dài.
1747315967338.png

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, tôi thấy trên mạng xuất hiện luận điểm khá nực cười, có lẽ Vin cũng không đồng tình, rằng: “Giờ không giao cho Vin thì giao cho ai?”, hay “Nhà nước làm kém thì để doanh nghiệp tư nhân làm tốt hơn”. Đây không chỉ là những lập luận thiếu cơ sở mà còn làm giảm, thậm chí phủ nhận vai trò của quản lý nhà nước trong các công trình mang tính chiến lược quốc gia. Xin thưa, nhà nước có rất nhiều người tài giỏi đấy. Vì vậy, tôi muốn kệ cho qua cũng không được.

Thứ nhất, tôi phải khẳng định ở bất kỳ quốc gia nào, không có doanh nghiệp nào là “duy nhất” để nhà nước phải giao vì không còn lựa chọn khác.

Tư duy “không giao cho Vin thì giao cho ai” phản ánh sự hạn hẹp trong cách nhìn nhận năng lực xã hội và đánh giá vai trò của nhà nước. Lịch sử phát triển hạ tầng Việt Nam đã chứng minh, những công trình vĩ đại như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, hay đường dây 500kV xuyên Bắc – Nam đều do nhà nước đầu tư, xây dựng và quản lý thành công. Nên nhớ, khi đó điều kiện kỹ thuật và nguồn lực còn hạn chế hơn nhiều so với hiện nay, nhưng với quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của nhà nước, Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể triển khai những dự án hạ tầng quan trọng. Vì vậy, tôi khẳng định việc không lựa chọn Vin không đồng nghĩa với việc không còn ai đủ năng lực để thực hiện dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Thứ hai, quan điểm “nhà nước làm kém thì để tư nhân làm” là phản cảm và đánh tráo bản chất vấn đề. Giao cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao – nếu thực sự hiệu quả và minh bạch – không có nghĩa là nhà nước buông bỏ vai trò. Ngược lại, đây là lúc nhà nước cần thể hiện rõ năng lực điều tiết, kiểm soát và giữ vai trò trung tâm trong việc giám sát, định hướng và bảo vệ lợi ích công cộng. Với một công trình hạ tầng của thế kỷ, việc quản lý nhà nước phải càng chặt chẽ, nghiêm ngặt và bài bản hơn bao giờ hết.

Do đó, lấy lý do có những dự án đầu tư chưa hiệu quả để biện minh cho việc “nhường hẳn sân chơi” cho tư nhân là không thuyết phục. Đó không phải là cách tiếp cận chính sách nghiêm túc, mà là một kiểu đánh tráo trách nhiệm. Cần cải thiện năng lực quản lý nhà nước chứ không phải đẩy mọi việc cho doanh nghiệp và đứng ngoài cuộc với hy vọng “ai đó sẽ làm tốt hơn”.

Thứ ba, dù giao cho doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân, vai trò quản lý của nhà nước là tuyệt đối cần thiết và không thể thay thế. Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là một công trình chiến lược quốc gia, vì vậy dù do ai đầu tư hay vận hành, nhà nước vẫn phải giữ vai trò quản lý, giám sát chặt chẽ và định hướng phát triển. Việc này đảm bảo dự án thực hiện đúng quy hoạch, tuân thủ pháp luật, minh bạch tài chính và bảo vệ lợi ích của nhân dân cũng như chủ quyền quốc gia.

Vai trò quản lý của nhà nước không chỉ là kiểm soát về mặt kỹ thuật hay tài chính mà còn là sự đảm bảo cân bằng giữa lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Không thể vì giao cho tư nhân mà lơi lỏng trách nhiệm, cũng không thể dùng lý do “nhà nước quản lý kém” để tước bỏ vị trí then chốt này. Trách nhiệm của nhà nước phải luôn được đặt lên hàng đầu, là nền tảng để dự án vận hành hiệu quả và bền vững trong tương lai.

Một đôi lời với những ai còn tư duy "không giao cho Vin thì giao cho ai?", nực cười lắm! #đườngsắttốcđộcaoBắcNam
 
Sửa lần cuối:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top