Upstream - "Ngược dòng đời": Xem phim mà khóc cho những phụ huynh ngày nay không may mất việc

haithanh6688
Thanh Hải Lucky
Phản hồi: 1
Dù rất bận, nhưng tôi vẫn cố gắng dành thời gian để xem bộ phim 'rất thời cuộc" của đạo diễn Từ Tranh, Trung Quốc. Và mỗi thước phim, tôi đều nhìn thấy chính mình cũng như bao người thân, bạn bè và đặc biệt là những phụ huynh quanh tôi trong đó. Có cảm giác như câu chuyện của một anh lập trình viên mất việc, đi làm shipper bên nước bạn y chang như những phụ huynh tôi gặp hàng ngày ở các lớp học tiếng Anh của các con với công cuộc mưu sinh vì gia đình, vì con cái nhưng nhiều khi quá sức chịu đựng khi bao điều ập đến sau Covid 19, sau những công cuộc tinh giản bị mất việc trong những ngày cận Tết.
Là cha mẹ, ở Trung Quốc hay ở Việt Nam hay bất cứ đâu, luôn cố gắng cho con cái mình có nhà rộng rãi một chút để ở, được đi học trường tốt với bao hoạt động văn thể mỹ. Và nhiều phụ huynh đã phải cố gắng hơn 100% để mua trả góp được căn chung cư nhiều phòng ngủ hơn cho con cái được thoải mái. Nhiều người cố gắng cho con học trường tư, trường quốc tế để con được "bằng bạn bằng bè", được giỏi tiếng Anh, có nhiều kỹ năng, kỳ vọng sau thi cử đỗ đạt. Và 2 vợ chồng cứ cố gắng, cố gắng, đôi khi hoang mang vì chi phí trả góp ngân hàng mua nhà chung cư và nộp học phí cho con tăng cao trong khi công việc sau đại dịch bỗng dưng khó khăn hơn nhiều sơ với trước. Người chồng trong bộ phim thất nghiệp đúng lúc bố mẹ già đến đoạn tai biến nhập viện. Dù từng là một nhân viên ngành công nghệ kiếm tiền tốt trong một công ty lớn ở thành phố nhưng đến tuổi trung niên, 45 tuổi, khi con cái đang học trường quốc tế chưa kịp lớn, bố mẹ đã già mà anh chưa kịp giàu thì cuộc sống lại rẽ sang những trang mà xám mà anh chưa bao giờ đối mặt trước đây.
1736486985014.png

Với tiết tấu nhịp điệu hối hả, mỗi cảnh phim cho mình thấy áp lực vô cùng khi khủng hoảng ập đến phơi bày sự bất an của cuộc sống thành thị. Mình còn nhớ, nhiều lần phụ huynh điện thoại, nhờ mình tư vấn chọn trường cho con, đa số bố mẹ đều mong con vào lớp 1 được học môi trường thật tốt, không áp lực, con được nâng niu, lớp thật ít học sinh không bị 40-50 cháu như các lớp trường công. Và những lần như thế, với kinh nghiệm của mình, mình thường nói với các mẹ, các bố rằng: "Học tập là cả một quá trình dài 12 năm, nếu thực sự tự tin rằng tiền có rất nhiều để chẳng may có những biến cố xảy ra như phá sản, thất nghiệp, li tán thậm chí nhiều tình huống "người tính không bằng trời tính" thì con cái vẫn có chỗ mà học, vẫn có tương lai. Còn nếu chỉ là công chức hoặc một phụ huynh có mức thu nhập khá, có chút dư dả chưa chắc nên cho con học trường tư, trường quốc tế đắt tiền vì cả hành trình dài, liệu có ổn định thu nhập để lo cho con? Thật may, trong số các phụ huynh mình tư vấn rất thật, nhiều người mà đa số các phụ huynh trẻ đã cân nhắc, tính toán kỹ trước khi ra quyết định chọn trường phù hợp cho con. Nhưng trong đó, có một phụ huynh làm chuyên gia công nghệ cho một công ty IT với mức lương gần trăm triệu dạo đó nhắn tin và hẹn mình cafe tư vấn về chuyện chọn trường cho con vào cấp 2. Phụ huynh đó cuối cùng vẫn quyết cho con học một trường quốc tế ở HN với tổng mức chi phí khoảng hơn 30 triệu đồng 1 tháng. Tình cờ, phụ huynh này tên cũng có họ là Cao. Mới đây, mình bất ngờ nhận được tin nhắn của cậu này, xin tư vấn chuyển trường cho con về trường công vì công việc có trục trặc, thu nhập giảm đi trông thấy trong khi đúng năm Covid 19 thì anh và vợ lại quyết tâm đổi chung cư cao cấp, mua trả góp ngân hàng mà giờ anh không gồng gánh trang trải nổi chi phí học hành của con cũng như mọi chi phí trong cuộc sống, đúng lúc mẹ anh bị tai biến nằm viện Bạch Mai cả mấy tháng nay. Tuần trước, khi mình gọi xe ra sân bay Nội Bài, tình cờ bắt đúng xe phụ huynh này, anh cũng bối rối và ngại ngùng và nói là mới chạy thêm grab car cho một nhóm chuyên chở khách đi sân bay để kiếm thêm thu nhập. Và mình thấy hình ảnh phụ huynh IT này một phần trong nhân vật Cao Chí Lũy của bộ phim Trung Quốc Upstream (Ngược dòng). Cao Chí Lũy cũng thất nghiệp đúng lúc đang phải trả nợ chung cư, con vẫn học trường quốc tế và bố nhập viện vì tai biến tuổi già...
Bộ phim Upstream (Ngược dòng) của đạo diễn kiêm diễn viên chính Từ Tranh mang đến một câu chuyện sâu sắc về khủng hoảng tuổi trung niên của Cao Chí Lũy, người đàn ông 45 tuổi tại đô thị lớn, giữa bối cảnh nền kinh tế hợp đồng ngắn hạn trong thời đại giao hàng nhanh. Cao Chí Lũy, người phải đối mặt với một loạt bất trắc cuộc đời: bị sa thải khỏi công ty lớn nơi anh làm lập trình viên cao cấp, mất sạch tiền tiết kiệm vì sụp đổ hệ thống cho vay, gặp khó khăn với khoản nợ ngân hàng, học phí của con, và gánh nợ y tế sau khi cha anh đột quỵ. Bên cạnh đó, anh còn mắc bệnh tiểu đường, phải sống chung với các cơn tiêm insulin.

Khủng hoảng đến với Cao Chí Lũy như một cú sốc, phản ánh sự bất an trong đời sống thành thị hậu đại dịch. Việc anh bị sa thải ở tuổi 45, từ chính hệ thống tối ưu hóa nhân sự mà anh đã từng tham gia thiết kế, khiến anh không còn cơ hội tìm kiếm công việc mới. Thực tế thẳng thừng là không công ty nào tuyển dụng nhân sự ở độ tuổi này. Một chi tiết trong phim thú vị khi Cao Chí Lũy được mời phỏng vấn nhưng bị từ chối ngay sau khi sếp biết tuổi thật của anh, nói rằng công ty không phải là "trại dưỡng lão."

Không thể đối mặt với sự thất nghiệp, Cao Chí Lũy phải giấu vợ mình suốt hai tháng về tình hình tài chính bi đát. Cuối cùng, anh chấp nhận công việc giao đồ ăn để duy trì sinh kế, dù công việc này đòi hỏi 14 giờ làm việc mỗi ngày và nguy hiểm trên từng con phố. Phim cũng mở ra một góc nhìn về cuộc sống của các shipper trong nền kinh tế hợp đồng ngắn hạn, khi thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ.

Một trong những nỗi ám ảnh lớn nhất của shipper không chỉ là hoàn thành đơn hàng nhanh chóng mà còn là bị đánh giá xấu trên các ứng dụng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của họ. Upstream khắc họa rõ nét điều này, khi Cao Chí Lũy gặp phải tai nạn xe, bị thương nặng nhưng vẫn chỉ nghĩ đến việc không để bị đánh giá thấp. Một cảnh đáng nhớ là khi anh, dù bị thương và đau đớn, vẫn nỗ lực hoàn thành đơn hàng, giơ tay ăn mừng khi nhận được sự công nhận từ khách hàng, khiến nước mắt hòa lẫn với bụi bẩn và máu. Mình đã bật khóc khi Cao Chí Lũy đi ship con cá cho khách không kịp ăn mỳ, bị tụt đường huyết ngã ra cầu mà vẫn cố với chiếc điện thoại để trả lời khách là con cá đã nhảy xuống sông, hủy đơn không phải trả tiền. Hình ảnh Cao Chí Lũy phản ảnh sự tuyệt vọng và hy sinh của người lao động trong nền kinh tế mới.
Những ngày cận Tết, nhiều viên chức bỗng dưng hoang mang vì có thể bị tinh giản, thi thoảng lại có phụ huynh nhắn tin chia sẻ khó khăn để con cái được học hành và mình lại tư vấn: "Liệu cơm gắp mắm", đừng quá hi sinh vì con khi cuộc sống công việc còn nhiều bấp bênh...
Có lẽ vì thế, một bộ phim chạm tới nỗi đau công cuộc mưu sinh thời nay như Upstream thực sự khiến cả đàn ông cũng phải bật khóc nức nở chứ nói gì phụ nữ như tôi.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top