Vì sao cha mẹ Việt ghẻ lạnh 'nam Văn, nữ Thị'?

Phoebe
Phoebe
Phản hồi: 1

Phoebe

Thành viên tích cực

Nhìn thấy dòng chữ Nguyễn Thị Hoàng Anh trong giấy khai sinh của con gái, chị Mai "tức đến phát khóc".

Người phụ nữ 32 tuổi ở Ninh Bình nói đã chuẩn bị sẵn tên cho con là Nguyễn Hoàng Anh. Trong lúc chị đang nằm trong phòng hậu sinh, chồng và mẹ chồng đã thêm chữ "Thị" vào giấy chứng sinh. Khi làm khai sinh, người chồng không bàn với vợ mà đưa chứng sinh để nhân viên hộ tịch viết tên bé như cũ.

"Thời buổi này còn ai dùng 'Thị' làm tên lót nữa, nghe vừa cũ kỹ vừa quê mùa", Mai bực bội nói với chồng.

Trước thái độ của con dâu, mẹ chồng chị giải thích "nam Văn, nữ Thị" là cách đặt tên truyền thống của người Việt. Hơn nữa, tên Hoàng Anh dễ nhầm là con trai nên thêm chữ "Thị" để phân biệt rõ ràng. Nghe vậy, Mai im lặng.

Sự khó chịu của Mai với chữ "Thị" xuất phát từ thời đi học thường bị trêu chọc bởi cái tên Phạm Thị Mai. Nhiều lần cô bị bạn bè gọi trống không là Thị Mai, thậm chí còn chệch thành Thị Mẹt với ý miệt thị.

Không dám cãi mẹ chồng, Mai dò hỏi việc đổi tên định âm thầm sửa giấy khai sinh của con nhưng thấy thủ tục khá phức tạp nên đành ngậm ngùi giữ tên hiện tại.

Phương Thanh sống tại Bắc Giang muốn đặt tên là Vũ Tuấn Tú. Khi hỏi ý kiến bố chồng, ông muốn thêm đệm "Văn" vào tên lót cháu đích tôn bởi chữ này mang ý nghĩa "người có học, công thành danh toại". Nhưng nếu thêm Tuấn Tú sau Vũ Văn khiến tên vừa dài, lại trúc trắc nên ông khuyên vợ chồng Thanh rút ngắn thành Vũ Văn Tuấn, mang ý nghĩa vừa đẹp trai, vừa tài giỏi.

Dù hiểu ý tốt của bố chồng nhưng Thanh phản đối ngay, cho rằng thời hiện đại không ai còn dùng "Văn" để làm tên đệm. Theo cô, tên Tuấn Tú đã đủ hay và ý nghĩa, không cần thêm tên lót bởi "nghe vừa lỗi thời, lại không sang".
1732233422366.png

Em bé chào đời đêm giao thừa Xuân Giáp Thìn 2024 tại Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM. Ảnh: Thi Quân

Theo chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vĩ, nguyên giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, việc đặt tên cho con trai với chữ lót "Văn" và "Thị" cho con gái từng là nét văn hóa mang tính đặc trưng trong truyền thống người Việt.

Ông Vĩ giải thích, chữ "Thị" nghĩa gốc là "họ" "gia tộc" dùng để xưng hô thời phong kiến. Chữ "Thị" thường đặt sau họ thay cho tên, ví dụ "Trần Thị" là người phụ nữ họ Trần (hoặc "thuộc về họ Trần" nếu đó là họ của nhà chồng).

Một nghĩa phái sinh khác là trong xưng hô, phụ nữ tự xưng mình là "thị". Từ đó thành tập quán xã hội, khi ghi họ tên người ta thường viết "Họ cha + Thị + Tên". "Thị" trở thành chữ đệm có giá trị xác định nữ giới.

"Khi Nho giáo phát triển trong xã hội Việt Nam, chữ đệm 'Thị' dần trở nên phổ biến trong đời sống thường nhật như một nét khu biệt tiện dụng", ông Vĩ nói.

Trong khi đó, ở thời đại phong kiến, chỉ có con trai mới được phép đến trường đi học và thi cử. Chính vì vậy khi đặt tên, nhiều gia đình lấy chữ "Văn" làm tên đệm mong con trai có đường công danh khoa cử thuận lợi. Theo thời gian, chữ "Văn" được ưa chuộng để hiện thực hóa ước mơ của cha mẹ.

Trong nghiên cứu "Vấn đề giới trong tên người Việt" của nhóm tác giả thuộc Đại học Mở Hà Nội, Đại học Lao động xã hội và Viện khoa học an toàn và vệ sinh lao động năm 2021 cho thấy, gần đây tên đệm nữ giới của người Việt có xu hướng lược bỏ "Thị".

Nguyên nhân chính có thể do từ "Thị" dùng trong văn học nghệ thuật thường chỉ những phụ nữ với hình ảnh không đẹp như Thị Màu (trong Quan âm Thị Kính) hay Thị Nở (trong truyện ngắn Chí Phèo). Ngoài ra, "Thị" còn dùng chỉ ngôi thứ ba với ý coi thường, khinh miệt hoặc trong khẩu ngữ dùng từ Thị Mẹt thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Tên đệm "Văn" cho nam giới cũng tương tự. Do sự phát triển ngày càng cao của xã hội nên nhu cầu về tính thẩm mỹ, phóng khoáng khi đặt tên cũng được nâng cao, phản ánh đúng nguyện vọng của cha mẹ mà không nhất thiết mặc định theo công thức cũ.

Từ truyền thống "nam Văn, nữ Thị" chiếm đa số, ngày nay số trẻ mang tên lót này ngày càng ít. Khảo sát của nhóm tác giả trên năm 2021 ghi nhận chỉ 18% tên nữ giới có chữ "Thị", 24% tên nam có chữ "Văn".

Trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều người cho rằng tên lót "Thị" và "Văn" đã biến mất. "Tôi sinh năm 2006, lớp cấp 2 và cấp 3 không bạn nào đệm 'Văn' và 'Thị'. Bên ngoại tôi, từ đời ông bà đã bỏ chữ 'Văn' và chữ 'Thị' khi đặt tên cho con cháu", một người trẻ viết.

Khảo sát độc giả gần đây của VnExpress với câu hỏi "Bạn có dự định đặt tên con với chữ lót "Văn" hoặc "Thị" hay không?" 88% câu trả lời chọn "Không".

Tuy nhiên, theo chuyên gia Hùng Vĩ, việc loại bỏ chữ "Thị" trong tên của phụ nữ không phải mới xuất hiện. Hơn 100 năm trước, phụ nữ quý tộc Huế có người dùng "Tôn Nữ" và bỏ "Thị", vì chữ "Nữ" đã bao hàm thông tin về giới. Thế hệ phụ nữ sinh sau năm 1940, có thể giấy khai sinh có chữ "Thị" nhưng khi viết thư hay nhật ký, họ thường bỏ từ lót này trong tên. Phong trào giải phóng phụ nữ trong vận động cách mạng cũng khuyến khích việc này.

Thu Lý sống tại Sóc Sơn, Hà Nội kể cô từng đòi cha mẹ đổi tên đệm từ Thị thành Thu thời còn đi học. "Những người có tên lót như tôi đều mặc cảm và tránh dùng khi giao tiếp với người ngoài. Một là sử dụng họ tên bỏ đệm, hai là tự thay tên đệm vì sợ bị chê quê mùa, không văn minh", Lý nói.

Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, đệm "Văn" hay "Thị" trong tên thực ra có cái hay riêng. Tuy nhiên xã hội hiện đại thường đề cao tính cá nhân nên nhiều gia đình không muốn đặt tên con bó buộc theo công thức, trùng lặp với người khác mà thay bằng những cái tên nhiều ý nghĩa và cá tính hơn.

"Không thể phán xét những người có đệm "Thị" hay "Văn" là lỗi thời hay không văn minh, bởi văn minh không nằm ở cách đặt tên", ông Hòa nói.

"Đó là một phần lịch sử, văn hóa dân tộc, chối bỏ cũng không khiến nó biến mất được", chuyên gia nói. Vị chuyên gia cho rằng, tên mỗi đứa trẻ đều được gửi gắm mong ước và kỳ vọng của bố mẹ, nên biết trân quý và tự hào sử dụng. Cái tên hay bất kỳ một trào lưu nào bị coi là lỗi thời vì nhiều người không còn cảm nhận được vẻ đẹp của nó.

Ông Hòa khẳng định, khi một cá nhân giỏi giang và thành công, cái tên tự khắc đẹp dù đó là bất kỳ tên gì. "Tên chỉ để gọi, giá trị người làm ra mới định hình được di sản và danh tiếng", vị chuyên gia nói.
Nguồn: VnExpress
 
Thời buổi mới dần rồi đám trẻ sẽ bỏ đi phần thờ cúng ông bà tổ tiên, bởi cho rằng phiền hà ăn uống bận bịu ra nhà hàng dăn ba triệu là xong lại có người hầu hạ...Tại sao ngày nay lại lắm tệ nạn đến vậy thậm chí cái gọi là lễ nghĩa còn có lúc bị bỏ đi ngay tại trường học mà người đề xướng hay cầm đầu là hiệu trưởng, bộ trưởng: Lộn đô lộn đáo, có thể thêm là mất dạy
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top