Vì sao cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng bị đề nghị truy tố?

Cindy Nguyễn
Cindy Nguyễn
Phản hồi: 0

Cindy Nguyễn

Active member
Theo CQĐT, hành vi của ông Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP) cùng với sai phạm của các bị can khác đã gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, cụ thể là giá trị toàn bộ dự án Đại Ninh.
1730561248513.png

CQĐT Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương liên quan.
CQĐT đề nghị truy tố 10 bị can về 3 tội danh. Trong đó, đề nghị truy tố ông Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) về tội Đưa hối lộ. Trước đó, liên quan đến vụ bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Vạn Thịnh Phát ), ông Trí đã phải nhận án 8 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Trong vụ án này, ông Mai Tiến Dũng (cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP); Nguyễn Hồng Giang (cựu Cục trưởng Cục II, Thanh tra Chính phủ (TTCP)) bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Có 6 bị can bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”. Trong đó có ông Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng); Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng); Lê Quốc Khanh (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra giải quyết khiếu nại, tố cáo khu vực 2 (Cục II), TTCP); Hoàng Văn Xuân, Nguyễn Nho Định (cựu Thanh Tra viên chính Cục II, TTCP); Nguyễn Ngọc Ánh (cựu Thanh tra viên chính, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng)…
Theo kết luận điều tra, quá trình gửi đơn kiến nghị của Công ty Sài Gòn Đại Ninh (SGĐN) tại VPCP, làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật của Công ty SGĐN từ bà Phan Thị Hoa sang Nguyễn Cao Trí; làm việc với các cơ quan chức năng liên quan đến dự án Đại Ninh, ông Trí đã đưa tiền cho các bị can tại Thanh tra Chính phủ và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng để các bị can thực hiện các hành vi sai phạm.
Việc này nhằm giúp ông Trí đạt được mục đích thay đổi Kết luận thanh tra số 929 từ chấm dứt hoạt động, thu hồi đất của dự án thành không thu hồi, cho giãn tiến độ và tiếp tục thực hiện dự án trái quy định của pháp luật. Từ đó, chuyển nhượng lại dự án Đại Ninh cho Tập đoàn Novaland, thu lợi số tiền 2.700 tỷ đồng.
CQĐT cho rằng, ông Mai Tiến Dũng với vai trò Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, không được phân công phụ trách lĩnh vực thanh tra, giải quyết đơn thư, nhưng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp trên và do có mối quan hệ quen biết với ông Nguyễn Cao Trí, ông Mai Tiến Dũng đã nhận đơn kiến nghị của Công ty SGĐN từ ông Trí.
Sau đó, bút phê giao cho Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I tham mưu, xin ý kiến và truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ về việc chuyển đơn và giao Thanh tra Chính phủ kiểm tra, rà soát, giải quyết phản ánh, kiến nghị của Công ty SGĐN qua các Văn bản, trái quy định pháp luật.
Kết quả điều tra cho thấy, ông Mai Tiến Dũng được ông Nguyễn Cao Trí đưa cảm ơn số tiền 200 triệu đồng.
Hành vi của bị can Mai Tiến Dũng cùng với sai phạm của các bị can khác đã gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước là giá trị toàn bộ dự án Đại Ninh, phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3 Điều 356 BLHS.
Ông Mai Tiến Dũng từng bị kỷ luật cảnh cáo

Ông Mai Tiến Dũng, 64 tuổi, quê huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam; trình độ tiến sĩ kinh tế, cử nhân luật.

Ông Mai Tiến Dũng là ủy viên Trung ương Đảng hai khóa XI, XII; từng làm chủ tịch UBND, bí thư Tỉnh ủy Hà Nam. Ông giữ vị trí ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, sau đó về nghỉ chế độ.

Tháng 3-2023, ông Mai Tiến Dũng bị Thủ tướng cảnh cáo do có vi phạm, khuyết điểm trong công tác. Quyết định kỷ luật hành chính do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký thay Thủ tướng ngày 9-3. Thời gian thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng tính từ 14-1-2023.

Trước đó, hồi giữa tháng 1, ông Dũng bị Ban Bí thư cảnh cáo do thiếu trách nhiệm trong vụ "chuyến bay giải cứu".

Ban Bí thư xác định ông Dũng với cương vị bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, đã thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch COVID-19, để một số cán bộ Văn phòng Chính phủ tham mưu, đề xuất không đúng kết luận của Thủ tướng, và để một số cán bộ cấp dưới nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Vi phạm của ông Mai Tiến Dũng "đã gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan hành chính nhà nước".

Trước đó ngày 24-1, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Trần Đức Quận (khi bị bắt là bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng).
Ông Trần Đức Quận bị điều tra về tội "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Cơ quan điều tra xác định ông Trần Đức Quận đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật khi tham gia chỉ đạo giải quyết các công việc liên quan đến dự án Đại Ninh.
Hành vi của ông Quận bị cáo buộc gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Ông Trần Văn Hiệp, cựu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cũng bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án này về tội nhận hối lộ.
Khi bị bắt, ông Hiệp giữ chức chủ tịch tỉnh.
Trước đó cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Nguyễn Ngọc Ánh, chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng, để điều tra về tội nhận hối lộ.
Riêng bà Trần Bích Ngọc, vụ trưởng Theo dõi công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Vụ I) của Văn phòng Chính phủ, bị điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top