Ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng tới 3 cường quốc hàng đầu Trung Đông

maimaipress
Minh Phương
Phản hồi: 0
Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới 3 nước Trung Đông góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư và các lĩnh vực mới.

Từ ngày 27/10 đến 1/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Các Tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Nhà nước Qatar; thăm và tham dự Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai lần thứ 8 tại Vương quốc Ả-rập Xê-út.

Chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Tổng thống UAE Mohamed bin Zayed Al Nahyan, Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani và Hoàng Thái tử, Thủ tướng Ả-rập Xê-út Mohammed Bin Salman.

Mở cánh cửa hợp tác mới với khu vực Vùng Vịnh

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm, chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Ả-rập Xê-út từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

1729953633238.png

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng (Ảnh: Báo Quốc tế).

Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng là khách mời chính và lãnh đạo cấp cao duy nhất của châu Á phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai lần thứ 8 do Ả-rập Xê-út tổ chức, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Hằng.

"Với những điểm đầu tiên đó, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, góp phần củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ, tạo đột phá trong quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư và các lĩnh vực mới; tạo động lực mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với ba nước cũng như với khu vực Vùng Vịnh", bà Hằng nhấn mạnh.

Theo bà, Vùng Vịnh là một trong những khu vực phát triển năng động hàng đầu thế giới, đứng đầu về trữ lượng dầu mỏ, có các trung tâm tài chính hàng đầu. Khu vực này cũng đang đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển mới theo hướng đa dạng hóa nền kinh tế và đón đầu xu thế mới về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

"UAE, Qatar và Ả-rập Xê-út nằm trong những nước có quy mô kinh tế và vai trò quan trọng nhất tại Trung Đông", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

1729953585153.png

Hoàng Thái tử, Thủ tướng Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman đón Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị ASEAN - GCC hồi tháng 10/2023 (Ảnh: ASEAN - GCC SUMMIT).

Hơn nữa, cả UAE, Qatar, Ả-rập Xê-út và khu vực Vùng Vịnh là những đối tác, những thị trường, những nhà đầu tư, những trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ mà tiềm năng, dư địa hợp tác với Việt Nam còn rất lớn.

Vì thế, theo nữ Thứ trưởng, chuyến thăm của Thủ tướng được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho những lĩnh vực hợp tác truyền thống, tạo đột phá mới thúc đẩy những lĩnh vực tiềm năng, tạo dựng một cách vững chắc sự tin cậy chính trị để mở đường cho một giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam và ba nước cũng như toàn khu vực.

Tiếp xúc với tất cả lãnh đạo cấp cao và tập đoàn lớn 3 nước Trung Đông

Đánh giá về quan hệ của Việt Nam với các nước, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, UAE, Ả-rập Xê-út và Qatar là những đối tác hợp tác hữu nghị quan trọng, lâu dài và toàn diện trên các lĩnh vực tại khu vực Trung Đông.

Ba nước cũng xác định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại Đông Nam Á, coi trọng quan hệ với Việt Nam trong chính sách "hướng Đông".

Cụ thể, UAE là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - châu Phi, kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD.

Trong 7 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang UAE 3,37 tỷ USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Hai nước đã khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) trong tháng 6/2023 và đang hướng tới hoàn tất đàm phán CEPA nhân chuyến thăm của Thủ tướng.

Tính đến tháng 6/2024, UAE có 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với lũy kế tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 71,6 triệu USD. Việt Nam hiện có khoảng 3.000 lao động tại UAE.

1729953609680.png

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng thống UAE Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan hồi tháng 12/2023, nhân dịp dự Hội nghị COP28 (Ảnh: Đoàn Bắc).

Ả-rập Xê-út là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 2,68 tỷ USD. Các tập đoàn kinh tế lớn của Ả-rập Xê-út đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến Việt Nam, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Việt Nam hiện có khoảng 4.000 lao động tại Ả-rập Xê-út.

Cũng theo bà Hằng, với tiềm lực mạnh về năng lượng, tài chính, Qatar là đối tác kinh tế, đầu tư tiềm năng lớn đối với Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 497,2 triệu USD (tăng 32% so với năm 2022).

Cơ quan Đầu tư Qatar (QIA) đã và đang nghiên cứu, đẩy mạnh các dự án đầu tư, nhất là trong lĩnh vực bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết trong chuyến thăm lần này, Thủ tướng sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến, gặp gỡ, trao đổi với tất cả lãnh đạo cao nhất, các Quỹ đầu tư và tập đoàn lớn của ba nước.

Đặc biệt, Thủ tướng sẽ có các bài phát biểu quan trọng chuyển tải thông điệp về định hướng phát triển, đường lối đối ngoại của Việt Nam, không chỉ với ba nước mà cũng là thông điệp chính sách với khu vực Trung Đông.

#hoạtđộngngoạigiao
 


Đăng nhập một lần thảo luận tẹt ga
Back
Top