Trong bối cảnh kinh tế xã hội đang gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao trong khi thu nhập của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều do thiếu việc làm, thì Dự thảo Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, đang được Bộ Y tế lấy ý kiến để trình cấp có thẩm quyền và dự kiến áp dụng từ ngày 1/1/2023, nhận được nhiều ý kiến phản hồi là quá cao, gấp đôi mức lương cơ sở.
Cụ thể, theo dự thảo Thông tư, dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu (chưa kể các dịch vụ chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm và các thủ thuật) ở bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một như: Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế..., tối đa 300.000 đồng/lần khám.
Các cơ sở y tế khác tối đa 200.000 đồng/lần khám. Trường hợp mời các chuyên gia trong và ngoài nước khám, tư vấn sức khỏe, giá theo thỏa thuận giữa cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ.
Một giường bệnh ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Hà Nội. Ảnh: Lê NgaĐáng chú ý, giá giường nằm tại phòng điều trị theo yêu cầu (chưa bao gồm tiền thuốc, các dịch vụ kỹ thuật y tế) lên tới 3 triệu đồng/ngày với bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một, mỗi phòng một giường. Cùng hạng bệnh viện này, nếu phòng có hai giường giá 2,5 triệu đồng/giường; phòng 3 giường giá 1,5 triệu đồng/giường, và phòng 4 giường giá 1,3 triệu đồng/giường.
Các cơ sở y tế khác tại Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, giá giường nằm tối đa 2 triệu đồng/ngày. Giá giảm còn 1,7 triệu đồng, 1,2 triệu đồng, và 900.000 đồng cho các loại phòng có 2, 3, 4 giường. Ở các địa phương còn lại, giá giường nằm tối đa 1,5 triệu đồng loại phòng một giường, giảm dần còn 1,2 triệu đồng, 800.000-600.000 đồng cho các loại phòng 2, 3, 4 giường.
Giá giường điều trị ban ngày do cơ sở y tế quyết định nhưng không quá 50% giá giường điều trị nội trú.
Do chưa có khung giá từ Bộ Y tế nên các cơ sở y tế công lập hiện áp dụng giá khám, tiền giường dịch vụ khác nhau. Ví dụ như Bệnh viện Bạch Mai, phòng hai giường giá 1 triệu đồng/giường, trong khi Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phòng một giường giá hơn 2 triệu đồng/ngày đêm. Như vậy, giá giường nằm trong Dự thảo cao hơn khoảng một triệu đồng so với mức cao nhất đang áp dụng tại các bệnh viện công lớn.
Trước đó, năm 2019, Bộ Y tế cũng xây dựng Dự thảo tương tự với giá giường bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng một tối đa 4 triệu đồng/ngày, giá khám cao nhất 500.000 đồng/lần; các cơ sở y tế khác giá không quá 400.000 đồng/lần. Tuy nhiên, mức tăng này ảnh hưởng tới giá chỉ số tiêu dùng, do đó Chính phủ không phê duyệt. Sau đó, khung giá tiếp tục bị hoãn ban hành do COVID-19 bùng phát và Chính phủ yêu cầu không tăng giá dịch vụ y tế.
Đến tháng 6/2022, Chính phủ cho phép tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế, gồm giá bảo hiểm và không bảo hiểm, giá khám theo yêu cầu. Bộ Y tế phối hợp Bộ Tài chính xây dựng phương án giá phù hợp với mức đóng và khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Về chi phí khám, có bệnh viện tại Hà Nội đang áp dụng 4 mức giá khám bệnh theo yêu cầu, cụ thể Giáo sư khám giá 550.000 đồng, Phó Giáo sư khám giá 450.000 đồng, Tiến sĩ khám giá 350.000 đồng, còn Thạc sĩ khám giá 250.000 đồng.
Theo Dự thảo, giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu được thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và có tích lũy để tái đầu tư, phát triển, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chi phí để xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu gồm: chi phí trực tiếp, tiền lương, quản lý, khấu hao tài sản, dự phòng rủi ro, tích lũy để tái đầu tư, và phát triển dịch vụ.
Ngoài ra, đối với dịch vụ khám bệnh, tư vấn, kiểm tra sức khỏe, cơ sở y tế công lập có thể xây dựng nhiều mức giá khác nhau theo chuyên khoa, theo thời gian khám bệnh, tư vấn và trình độ chuyên môn của người khám, tư vấn.
Đối với dịch vụ giường điều trị, cơ sở có thể xây dựng nhiều mức giá khác nhau theo mức độ cung cấp nhân lực chăm sóc, điều trị và điều kiện cơ sở vật chất.
Lo ngại "dịch vụ hóa" bệnh viện công
Thực tế, các bệnh viện đang thu giá khám chữa bệnh yêu cầu theo luật và nghị định nhưng chưa có hướng cụ thể, mỗi nơi thu một giá khác nhau. Bộ Y tế giải thích khung giá mới "nhằm siết chặt lại chứ không cho phép thực hiện ồ ạt". "Có những đơn vị hiện thu giá cao hơn so với khung trong dự thảo, cần phải khống chế xuống", người đại diện nói.
Một số ý kiến lo ngại áp dụng loại hình dịch vụ theo yêu cầu tại bệnh viện công có thể dẫn đến "dịch vụ hóa", "tư nhân hóa" viện công, dẫn đến bất bình đẳng giữa bệnh nhân nghèo và giàu. Như TS. Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, lo khi đưa ra hai loại hình y tế trong một bệnh viện công, tất cả nguồn lực sẽ bị kéo sang bên dịch vụ theo yêu cầu, kể cả máy móc và nhân lực bởi "những thứ tốt nhất thường sẽ dành cho người có khả năng chi trả". "Vậy việc khám chữa bệnh liệu có đảm bảo cho nhóm bệnh nhân còn lại?", bà Thu Anh đặt vấn đề.
Thừa nhận điểm ưu việt của Dự thảo lần này là mức giá kịch khung đã giảm so với lần dự thảo trước (giá giường bệnh tối đa 4 triệu đồng/ngày), bạn đọc Nguyễn Việt Hùng, sống tại thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho rằng giá giường bệnh 3 triệu đồng/ngày đã gấp đôi mức lương cơ sở, kể cả là giường “dịch vụ”, “theo yêu cầu” vẫn là rất cao so với bình quân thu nhập.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hoài Thu, sống tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nhấn mạnh quá tải bệnh viện với hình ảnh bệnh nhân nằm ghép, nằm trở đầu, thậm chí “xếp cá hộp” cả ở hành lang, lối đi, trên băng ca... đã tồn tại từ lâu nay. Điều người dân mong muốn là thêm bệnh viện, thêm giường để họ được thật sự là bệnh nhân, chứ không phải là quy định những đẳng cấp giường bệnh khác nhau, để lấy đi số ít ỏi giường bệnh ở bệnh viện công.
Báo VnExpress thực hiện khảo sát hôm 21/11 với 4.498 người tham gia, trong đó 64% ý kiến cho rằng giá giường dịch vụ 3 triệu đồng là cao, 4% đánh giá là thấp, 32% cho rằng giá không hợp lý. Nhiều ý kiến cũng cho rằng mức giá 3 triệu đồng một phòng bệnh là ngang giá khách sạn 4 sao.
Ngày 24/11, trả lời VnExpress, đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế, cho biết đây là dự thảo thông tư hướng dẫn khung giá, để các bệnh viện xây dựng giá không vượt khung, chứ không phải mức thu.
Một giám đốc Bệnh viện hạng 1 của Hà Nội lý giải "phòng khách sạn chỉ để ngủ, còn giường bệnh viện có rất nhiều máy móc, nhân lực phục vụ đi kèm". Theo bác sĩ này, giá ngày giường với một bệnh nhân phải điều trị tích cực, 3 triệu đồng/giường (mức tối đa) có thể còn thấp hơn giá thực tế nếu tính chi tiết - tức vấn đề tính đúng tính đủ. Vị giám đốc cho hay trên thế giới giường hồi sức tích cực (ICU) có nơi lên đến 10.000 USD, có tích hợp máy móc.
Tuy nhiên, nói như vị giám đốc trên là chưa chính xác, giá phòng bệnh là chỉ tính tiền phòng, còn các dịch vụ liên quan đến khám chữa bệnh khác đều được tính riêng, đến 1 cái kim tiêm cũng tính tiền riêng chứ đâu có gộp trong tiền phòng?