Ngày 10/4, ông Phạm Đức Cường, Nguyên Trưởng Phòng Kỹ thuật của (Vicem Việt Nam) giai đoạn 2019-2020 đã đến làm việc với Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Hải Dương tại trụ sở 106 đường Nguyễn Lương Bằng, TP. Hải Dương.
Gần 1 tháng trước đây, ngày 17/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã thi hành quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam 6 đối tượng, trong đó có ông Đỗ Hoàng Linh, Trưởng phòng Kỹ thuật của Vicem Hoàng Thạch.
Ông Đỗ Hoàng Linh nguyên là Phó phòng Kỹ thuật của Vicem Việt Nam được điều chuyển về Vicem Hoàng Thạch vào ngày 16/3/2020, lúc này việc “triển khai sửa chữa, xử lý “nút thắt” công nghệ, nâng cao năng suất, cải thiện hiệu suất, dây chuyền HT3” tại Vicem Hoàng Thạch đang hoàn thiện và chỉ hai ngày sau là đi vào vận hành.
Thông tin với Báo Nông nghiệp Việt Nam, lãnh đạo Vicem Hoàng Thạch cho biết, hoạt động lắp đặt dây chuyền công nghệ HT3 nói trên được triển khai trong vòng 1 tháng (từ ngày 18/2 – 18/3/2020) với kinh phí trên 70 tỷ đồng.
Ngoài ra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương còn bắt giữ ông Nguyễn Văn Chảng (Trưởng phòng Kỹ thuật – Tổng Công ty Xi măng Việt Nam) trước đó là Trưởng phòng kỹ thuật (Vicem Hoàng Thạch). Ông Chảng chính là người được điều chuyển “hoán đổi” vị trí chức vụ với ông Đỗ Hoàng Linh vào ngày 16/3/2020.
Cả hai ông Linh – Chảng đều bị cơ quan chức năng bắt giữ để phục vụ công tác điều tra vụ việc có dấu hiệu tội phạm làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; vi phạm về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch (huyện Kinh Môn, Hải Dương – gọi tắt là Vicem Hoàng Thạch).
Câu hỏi đặt ra ở đây là ông Đỗ Hoàng Linh vi phạm với vai trò gì? Vì khi triển khai đấu thầu dự án tại Xi măng Hoàng Thạch, ông Đỗ Hoàng Linh vẫn đang là Phó phòng Kỹ thuật của Vicem Việt Nam. Vậy tại sao ông Đỗ Hoàng Linh lại bị bắt liên quan sai phạm tại gói thầu “nút thắt công nghệ” của Vicem Hoàng Thạch?
Tương tự, nay lại đến lượt lãnh đạo trực tiếp của ông Linh là ông Phạm Đức Cường đến làm việc với Cơ quan Cảnh sát Điều tra. Vai trò của ông Cường trong vụ án này là gì?
Tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, để được phê duyệt gói thầu “nút thắt công nghệ”, Vicem Hoàng Thạch phải tuân thủ rất nhiều quy trình, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, quy định, nguyên tắc… của Vicem Việt Nam.
Ngày 31/1/2018 Vicem Việt Nam có văn bản số 179/VICEM-KT&CN ngày 31/1/2018 về nội dung hướng dẫn Báo cáo đánh giá kinh tế kỹ thuật: việc khắc phục các nút thắt công nghệ, công tác thay thế/nâng cấp, cải tạo cục bộ, cải tạo sửa chữa phục hồi thiết bị có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên, các đơn vị phải lập Báo cáo đánh giá kinh tế kỹ thuật, bố trí cán bộ thẩm tra để làm cơ sở phê duyệt và triển khai thực hiện.
Ngày 29/8/2019, Vicem có văn bản 1697 thể hiện ý kiến chỉ đạo của ông Bùi Hồng Minh- Chủ tịch Hội đồng Thành viên- Tổng Giám đốc, giao nhiệm vụ cho Phòng Kỹ thuật (chủ trì) hoàn thiện: Quy định sửa chữa, xử lý “nút thắt’ bao gồm các định nghĩa, hướng dẫn, quy trình thực hiện, quy định rõ các giải pháp kỹ thuật, hiệu quả kinh tế…
Nội dung văn bản này cũng đưa ra nguyên tắc: các công ty thành viên là phải xây dựng kế hoạch sửa chữa xử lý “nút thắt” và báo cáo về Vicem. Các phòng/Ban chuyên môn của Vicem sẽ thực hiện rà soát, đánh giá và báo cáo Ban Tổng Giám đốc để thỏa thuận phương án thực hiện.
Các văn bản trên đều thể hiện sự chỉ đạo xuyên suốt của Vicem Việt Nam đối với những hạng mục sửa chữa có giá trị lớn trong đó vai trò của Phòng Kỹ thuật đặc biệt quan trọng vì là đơn vị soạn thảo Quy định và rà soát, thẩm định, đánh giá kế hoạch của các công ty thành viên.
Và các ông Đỗ Hoàng Linh, Phạm Đức Cường với vai trò cán bộ lãnh đạo Phòng Kỹ thuật sẽ phải là những người trực tiếp thẩm định các kế hoạch này, kể cả kế hoạch sửa chữa, xử lý “nút thắt” của dây chuyền HT3 tại Xi măng Hoàng Thạch.
Đương nhiên, sau quá trình “thẩm định” đánh giá hiệu quả của dây chuyền HT3, ông Linh, ông Cường cũng không có thẩm quyền tự quyết mà phải báo cáo Ban Tổng Giám đốc theo quy định. Vậy Cơ sở nào để ông Linh, ông Cường xác định giá trị của việc xử lý “nút thắt” dây chuyền HT3 cao như vậy, có ai chỉ đạo hay tác động về giá của gói thầu này không?
Việc Cơ quan Điều tra bắt giữ ông Linh cho thấy ông đã có dấu hiệu sai phạm nghiêm trọng trong chức trách nhiệm vụ của mình. Dư luận đang quan tâm, ông Linh là cán bộ chuyên môn “kỹ thuật”, và chỉ là một cán bộ cấp Phó phòng nhỏ nhoi, có thể tham mưu chứ không có quyền quyết định. Vậy ông Linh đã được lợi ích gì khi có hành vi sai phạm trong công tác? Vật chất hay sự thăng tiến? Có ai chỉ đạo ông Linh làm sai không? Đây cũng chính là điểm mà Cơ quan Điều tra đang cần phải làm rõ.
Còn đối với ông Cường, mới bắt đầu làm việc với cơ quan điều tra nên hiện chưa thể kết luận ông có vi phạm hay không.
Tuy nhiên theo thông tin, tài liệu mà Nông nghiệp Việt Nam có được thì vụ việc còn liên quan đến lãnh đạo cấp cao hơn ở Vicem Việt Nam từng trực tiếp ký văn bản triển khai dự án.
Xem nhanh
, 18/01/2025