Theo các luật sư, việc bà Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố theo điều Điều 331, là hoàn toàn phù hợp. Với tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần thì khả năng bà Hằng bị áp dụng mức hình phạt ở khoản 2, Điều 331.
Chiều ngày 24/3, Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng (tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Nguyễn Thành Công (Công ty Đông Phương Luật, Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, việc Công an TP.HCM khởi tố bà Hằng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là có cơ sở khi căn cứ vào hành vi livestream (phát trực tuyến) trên các nền tảng mạng xã hội như youtube, Tiktok…. tuyên truyền thông tin sai sự thật, bịa đặt nhằm mục đích vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của nhiều cá nhân, tổ chức và cả các cơ quan Nhà nước, chính quyền, gần nhất là người đứng đầu chính quyền TP.HCM.
Bà Nguyễn Phương Hằng vừa bị khởi tố, bắt tạm giam |
Hành vi này đã xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phù hợp với quy định về cấu thành tội phạm của Điều 331.
Ngoài ra, theo luật sư Công, bà Hằng còn có dấu hiệu của các tội “làm nhục người khác” theo Điều 155 và tội “vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
“Hiện tại Công an TP.HCM chỉ khởi tố 1 tội danh ở Điều 331 sau khi đã củng cố đầy đủ chứng cứ, cơ sở cho việc buộc tội vì sự phạm tội này của bà Hằng. Trong quá trình điều tra vụ án thì có thể sẽ khởi tố các tội khác khi có đầy đủ cơ sở, dấu hiệu. Theo tôi, đây là cách làm thận trọng của Cơ quan bảo vệ pháp luật và cũng cần thiết để tránh việc oan, sai”, luật sư Công cho hay.
Cũng theo luật sư Công, với tội danh vừa bị khởi tố, bà Hằng có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm theo quy định hình phạt ở khung cơ bản.
Rất đông người dân tới trước cổng nhà bà Nguyễn Phương Hằng theo dõi CQĐT bắt giữ bà này. Ảnh: Thanh Tùng |
Tuy nhiên, với hành vi phạm tội kéo dài, ngày càng tăng cấp, tăng số lượng cá nhân, tập thể bị tác động, tăng cả mức độ xâm hại thì được xem là phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội cùng tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần thì khả năng bị áp dụng mức hình phạt ở khoản 2, Điều 331 là 7 năm tù.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam bà Hằng về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” là hoàn toàn phù hợp.
Theo luật sư Dũng, việc bà Hằng liên tục livestream đã lôi kéo, kích động nhiều người tham gia. Hành vi này của bà Hằng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, có thể áp dụng mức hình phạt ở khoản 2, Điều 331.
Thời gian vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream trên mạng xã hội "tố" nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa... ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020. Ngoài ra, bà này còn livestream xúc phạm một số người như nhà báo Đức Hiển, Hàn Ni và thậm chí cả lãnh đạo thành phố.
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã vào cuộc điều tra và kết luận các nghệ sĩ này không có hành vi gian dối, không chiếm đoạt tiền từ thiện do người dân đóng góp, ủng hộ để cứu trợ đồng bào miền Trung nên không khởi tố vụ án hình sự.
Ở chiều ngược lại, các ca sĩ và nhà báo Đức Hiển, Hàn Ni... đã tố cáo bà Hằng về hành vi vu khống, làm nhục người khác, lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.
Thanh Phương
Xem nhanh
, 27/01/2025