Người nhà cho biết bé đi ngoài liên tục, gia đình hái lá lộc mại nấu lấy nước cho bé uống hằng ngày. Sau đó, bé mệt mỏi nhiều, chán ăn, da xanh nhợt, người nhà đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Hùng Mạnh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, cho biết bé bị ngộ độc lá cây lộc mại gây tan máu cấp, thiếu máu nặng. Các bác sĩ cho bé thở máy, truyền máu, bù dịch điện giải, sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, truyền hai đơn vị khối hồng cầu để phục hồi.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhi ổn định, được xuất viện.
Lá cây lộc mại. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Cây lộc mại có tên khoa học là Mercurialis indica Lour (thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae). Ở Việt Nam, cây có nhiều tên gọi khác nhau như lộc mại, lục mại, mọ trắng, rau mại, rau mọi. Cây thường mọc hoang phổ biến ở rừng núi và đồng bằng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hà Giang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hòa Bình.
Lá lộc mại rất độc, có thể gây tử vong rất nhanh nếu như sử dụng với số lượng lớn. Trẻ ngộ độc đến viện muộn, bị tan máu quá nhiều không kịp truyền máu, nhất là trẻ có nhóm máu hiếm nhóm AB, Rh-, có thể tử vong. Với trẻ mắc bệnh về máu như thiếu men, bệnh tiến triển nhanh và nguy kịch hơn.
Các biểu hiện ngộ độc thường gặp sau khi ăn là nhịp tim nhanh, mệt yếu, da xanh, ăn không tiêu, đầy bụng, đau vùng quanh rốn, đi ngoài lỏng, nước tiểu màu đỏ sẫm, tiểu ít và buốt.
Bác sĩ khuyến cáo sử dụng lá lộc mại cũng như một số lá cây rừng khác chưa rõ tác dụng với sức khỏe là rất nguy hiểm. Người dân cần nâng cao hiểu biết của mình, trẻ bị bệnh cần đưa đến cơ sở y tế để khám và điều trị, không tự ý sử dụng những loại lá cây để chữa bệnh tại nhà.
Thùy Anh