Biển Đông sắp hứng bão, hướng vào miền Bắc

H
Home Content

Ngày 18/10, áp thấp nhiệt đới di chuyển trên Biển Đông theo hướng tây bắc và khả năng mạnh lên thành bão ở thời điểm tiến vào vùng biển từ Quảng Bình đến Thừa Thiên Huế.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết sau khi mạnh thành bão, hình thái trên di chuyển chủ yếu theo bắc tây bắc với vận tốc 10km/h. Tối 19/10, tâm bão nằm trên vùng biển phía nam vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất cấp 8-9, giật cấp 11.

Sau đó, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc nhưng chậm lại, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Lúc này, không khí lạnh tăng cường nhiều khả năng tương tác khiến hướng đi và cường độ của bão khó lường.

Hiện mô hình dự báo của Hong Kong và Nhật Bản đưa ra nhận định sau khi vào vịnh Bắc Bộ ngày 19-20/10, bão khả năng chuyển hướng tây nam và suy yếu thành vùng áp thấp.

Hôm nay, vùng biển phía tây nam của khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10. Sóng cao 2-4m.

Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh thành bão, hướng vào vịnh Bắc Bộ trong ngày 18/10 (Ảnh: VNDMS).

Ông Vũ Anh Tuấn, Phó phòng Dự báo Thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết áp thấp nhiệt đới sau mạnh lên thành bão sẽ tác động trực tiếp, là nguyên nhân tiếp tục gây mưa lớn cho các tỉnh miền Trung và có xu hướng mở rộng ra phía Bắc.

Theo đó, trong hôm nay (ngày 18/10), trọng tâm mưa vẫn nằm ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế, rồi lan dần ra Quảng Bình đến Hà Tĩnh, ven biển Nghệ An, Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố ven biển miền Bắc.

Lượng mưa từ Quảng Trị đến Quảng Nam phổ biến 80-200mm, có nơi trên 300mm. Khu vực Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi và Kon Tum khả năng ghi nhận lượng mưa 30-150mm.

Ngày 19/10, mưa dông xuất hiện ở Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với lượng 20-50mm, có nơi trên 100mm. Đồng thời, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cũng tiếp diễn mưa dông về chiều và tối.

Ông Tuấn cho biết đặc điểm lớn nhất cần lưu ý là mưa với cường độ lớn xảy ra trong một thời gian ngắn. Mưa dài ngày cũng làm tăng cao nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại vùng núi, ngập úng ở các khu đô thị.

Mưa lớn trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ khả năng kéo dài đến khoảng ngày 20-21/10.

Sáng 17/10, Đà Nẵng tiếp tục có mưa lớn khiến nhiều khu dân cư, tuyến phố tiếp diễn tình trạng ngập nặng (Ảnh: Hoài Sơn).

Chuyên gia cảnh báo trong hai ngày tới, trên các sông ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi xuất hiện một đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ các sông ở Quảng Trị dao động ở mức báo động 1 và trên báo động 1; các sông khác từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi ở báo động 1 và 2, có sông trên báo động 2.

Dự báo xa hơn, Phó phòng Dự báo Thời tiết nhận định từ nay đến cuối năm, Biển Đông khả năng xuất hiện khoảng 2-3 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Trong đó có khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, đặc biệt là ở miền Trung.

Ngoài ra, dải hội tụ nhiệt đới tiếp tục tác động đến thời tiết các tỉnh Trung Bộ. Do vậy, khu vực này sẽ còn nhiều ngày mưa rào và dông, có ngày xuất hiện mưa vừa, mưa lớn.

Sáng 18/10, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai sẽ họp khẩn để lên phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới nguy cơ mạnh thành bão trên vùng biển miền Trung và diễn biến đợt mưa lớn sắp tới.

Back
Top