Hai năm trước, tình trạng điểm chuẩn cao tuyệt đối 30 điểm đã xảy ra khiến thí sinh và phụ huynh choáng váng. Điểm 3 môn xã hội Văn, Sử, Địa mà phải đủ 3 điểm 10 nếu không có điểm ưu tiên mới đỗ, trong khi học sinh Hà Nội và nhiều thành phố không có điểm ưu tiên vùng miền thì đỗ làm sao?
Rõ ràng, kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia với mục tiêu thi “2 trong 1” vừa để xét tốt nghiệp cấp 3, vừa dùng để xét vào các trường đại học nhằm tiết kiệm chi phí cho các gia đình và cho xã hội đã cho thấy nhiều bất cập. Dư luận cho rằng, Bộ Giáo dục Đào tạo không nên “ôm việc”, không nên tiếp tục ra đề thi chung theo kiểu không phân hóa được trình độ khiến học sinh như vậy khiến tình trạng đạt điểm tuyệt đối vẫn trượt đại học lặp đi lặp lại suốt mấy năm qua. Hãy để cho các trường tự quyết trong việc tuyển sinh mới nâng cao chất lượng “đầu vào” cho các trường đại học.
Nhìn lại 2 mùa tuyển sinh 2020 và 2021 để thấy, ngành giáo dục quá chậm và máy móc trong công tác tuyển sinh đại học, dẫn đến tình trạng lặp lại vô lý như thế này.
Năm 2020, ngay sau khi tình trạng điểm chuẩn một số ngành học 30/30 thậm chí trên 30 điểm 3 môn mới đỗ, Bộ GD&ĐT nói gì?Trong khi trước đó, theo dữ liệu công bố của Bộ GD&ĐT thì không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối ở khối C00.
Giải thích về điều này, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Điểm chuẩn lên đến 30 do ngành có chỉ tiêu tuyển sinh rất ít. Trong khi đó, thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành lại đông. Ngoài ra, một phần chỉ tiêu được dành cho các phương thức tuyển sinh khác”. Bộ giải thích đơn giản như thế nhưng phụ huynh và thí sinh thì sốc toàn tập.
Một năm sau, năm 2021, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn cho phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 gây choáng váng cho phụ huynh và thí sinh. Điểm trúng tuyển khối C00 của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, dao động 21 đến 30 điểm trong đó ngành Hàn Quốc học lấy điểm chuẩn cao nhất đạt ngưỡng 30 điểm.Tương tự, với Đại học Luật Hà Nội, năm nay, ngành Luật Kinh tế (tổ hợp C00) điểm trúng tuyển là 29,25 điểm, kế đó ngành Luật là 28 (tổ hợp C00), cao hơn năm trước từ 0,5 đến 2,5 điểm. Bộ Giáo dục Đào tạo giải thích rằng, do yêu cầu của đề thi là phục vụ công tác xét tốt nghiệp, điểm mặt bằng chung của thí sinh cao hơn.
2 năm 2020, 2021 đã như vậy, tưởng năm nau 2022, Bộ Giáo dục Đào tạo sẽ cải tiến đề thi để độ phân hóa cao hơn, điểm chuẩn sẽ không bị “lạm phát” ở các ngành trên nhưng tình hình không thay đổi gì.Từ sáng 15/9, nhiều trường đại học trên cả nước bắt đầu công bố điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp hoặc có sử dụng kết quả thi này trong xét tuyển. ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, công bố điểm trúng tuyển đại học chính năm 2022 theo phương thức xét tuyển kết quả thi THPT. Theo đó, ở khối C00, ngành Đông phương học, Hàn Quốc học và Quan hệ công chúng khối C00 có mức điểm chuẩn cao nhất là 29,95 điểm. Tiếp đó là ngành Báo chí là 29,9 điểm. Và phụ huynh có con năm nay thi đại học tiếp tục “choáng váng” vì con đã thi đạt 28,5 điểm 3 môn, trung bình hơn 9 điểm thi 1 môn Văn, Sử, Địa mà vẫn trượt đại học ngành học mơ ước. Điều này đồng nghĩa, nếu không có điểm ưu tiên, thí sinh đạt mỗi môn 10 điểm vẫn trượt.