BTV Vũ Trang thuộc thế hệ người dẫn chương trình, biên tập viên kỳ cựu của kênh VTV3. Dù theo học tại trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nhưng Vũ Trang sớm "bén duyên" với truyền hình và dần trở thành một MC, biên tập viên gắn với những chương trình có thương hiệu trên sóng VTV3 như: Chúng tôi là chiến sĩ, Café sáng với VTV3… Chị kể mình may mắn được đến với VTV3 và đã gắn bó với "mái nhà" chung VTV được 16 năm. Trong suốt khoảng thời gian ấy, Vũ Trang có lúc gặp khó khăn, va vấp nhưng chị cũng có nhiều trải nghiệm quý giá và luôn giữ cho mình "ngọn lửa" với nghề.
Rời xa công việc dẫn chương trình gameshow đã lâu, mới đây, Vũ Trang trở lại vị trí này với chương trình Giờ thứ 9+. Trong những ngày bận rộn nhất với công việc và đúng dịp Đài Truyền hình Việt Nam kỷ niệm 53 năm ngày phát sóng chương trình truyền hình đầu tiên, BTV Vũ Trang dành thời gian chia sẻ với VTV News nhiều kỷ niệm khó quên trong 16 năm làm việc ở VTV cũng như những cảm xúc khi lại có cơ hội làm MC một gameshow truyền hình. Trò chuyện với BTV Vũ Trang, tôi nhận ra ở chị luôn tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực cùng sự lạc quan, tươi trẻ và yêu đời, yêu nghề.
Hơn 10 năm công tác tại Đài THVN và gắn bó với kênh VTV3, nhớ lại ngày đầu tiên mới làm nghề, ai là người truyền cảm hứng cho chị?
Tôi nhớ như in những ngày đầu tiên bước chân vào Đài Truyền hình Việt Nam, lúc còn là sinh viên và được thực tập Ban Văn nghệ. Khi đó, tôi theo học Khoa Sân khấu - chuyên ngành Lý luận phê bình nên việc trở thành một người gắn bó với VTV3 là điều ban đầu tôi chưa từng nghĩ tới. Nhưng tôi đã từng nghĩ đến việc mình sẽ trở thành một người làm báo, trở thành một biên tập viên của những chương trình liên quan đến sân khấu. Người truyền cảm hứng cho tôi vào thời điểm đó chính là bố mẹ mình bởi bố mẹ cũng làm trong ngành sân khấu và đều có rất nhiều năm cống hiến cho lĩnh vực này.
Sự yêu nghề, niềm đam mê, sự lăn xả và tâm huyết với nghề của bố đã truyền cảm hứng cho tôi khiến tôi có một quyết tâm, định hướng cho mình để có thể theo đuổi công việc đem lại niềm vui, cảm hứng, những điều tốt đẹp cho công chúng. Đương nhiên có những bước ngoặt bên cạnh niềm đam mê ấy đó là cơ duyên đến với VTV. Trong quá trình học ở trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, tôi cùng các bạn ở lớp diễn viên đi casting diễn viên đóng tình huống, tham gia diễn xuất trong các tình huống của những chương trình như Chìa khóa thành công, Ở nhà chủ nhật và một số chương trình khác.
Tôi may mắn là người được chọn và trở thành một trong những diễn viên chính thức của chương trình Ở nhà chủ nhật cho các câu hỏi tình huống. Từ đó, việc tôi gặp gỡ, gắn bó và được làm việc nhiều hơn với các anh chị ở VTV3 đã cho bản thân cơ hội ở kỳ tuyển cộng tác viên ngay sau đó. Tôi đã được đến với VTV3 và gắn bó cho đến thời điểm này. Từ đó đến nay đã là 16 năm rồi.
Người truyền cảm hứng nữa có thể kể đến chính là nhà báo Vũ Thanh Hường - một người chị, một người sếp, một người thủ trưởng. Gọi là thủ trưởng bởi tôi gắn bó với chị Hường từ những ngày đầu của chương trình Chúng tôi là chiến sĩ cho đến bây giờ khi tôi là cấp dưới của chị. Thật sự chị là một người đã truyền rất nhiều cảm hứng cho tôi về sự say mê nghề nghiệp và tinh thần lạc quan.
Chị bắt đầu công việc của một biên tập viên truyền hình như thế nào? Chương trình nào chị được thử sức đầu tiên?
Công việc của một biên tập viên truyền hình bắt đầu khi tôi trở thành cộng tác viên của VTV3, làm việc tại Phòng Trò chơi và gặp gỡ trên truyền hình 1. Chương trình đầu tiên tôi được tiếp cận cũng chính là Chúng tôi là chiến sĩ và Ô cửa bí mật. Công việc đầu tiên của một biên tập viên truyền hình lúc đấy là phải ngồi xem rất nhiều chương trình phát sóng, những file ghi hình và xem mọi người dựng như thế nào, xử lý các tình huống ra sao. Đặc biệt nữa là cách ngồi xem băng. Ngày đầu mới vào làm ở VTV, các anh chị vẫn đang ghi hình ở băng DVCAM, Betacam. Những phương tiện như thế với tôi rất mới mẻ bởi khi học ở trong trường, tôi chỉ có sách và bút. Tôi cũng được đi ghi hình, làm cộng tác viên nhưng thực sự là để va chạm với việc của người làm biên tập thì mình chưa từng có bao giờ.
Tôi ngỡ ngàng khi có nhiều công việc phải làm đến thế. Mọi người phải ngồi xem băng, có những băng dài 90 -120 phút hoặc hơn thế, rồi phải tua đi tua lại, nắn nót từng khung hình, nắn nót từng giây hình để chọn được đúng đoạn băng cần sử dụng hình ảnh và phải ghi vào một tờ giấy timecode đầu/cuối. Tất cả những thao tác như thế tạo cho tôi một sự hào hứng, tò mò và phấn khích khi được khám phá một "mảnh đất" mới tinh so với những gì mình hình dung.
Quả thực tôi cũng có lo lắng vì công việc này phải diễn ra liên tục mà bản thân lại chưa từng học về truyền hình, về những công việc của biên tập viên nên không biết có thể thực hiện được không. Nhưng quả thật càng làm thì càng mê và càng bị cuốn theo, kể cả có va vấp.
Khi bắt đầu một công việc nào đó, ai cũng có những bỡ ngỡ, khó khăn, thậm chí cả vấp ngã. Một nữ biên tập viên, MC mạnh mẽ như chị có từng gặp phải những khoảng thời gian như thế?
Đương nhiên là có! Chúng ta không chỉ khi bắt đầu mới gặp khó khăn mà tôi nghĩ rằng càng làm càng có những điều mới, càng tiếp xúc thì càng va vấp, càng gặp gỡ thì càng vỡ ra được rất nhiều điều mới từ con người, từ hoàn cảnh xung quanh, từ những điều kiện làm việc rồi từ những tình huống khách quan xảy đến với mình. Tất cả những thứ này tôi cho rằng trong mọi công việc đều sẽ xảy đến và chúng ta đều phải đối diện.
Nếu bạn nói tôi là một MC mạnh mẽ thì tôi cho rằng sự mạnh mẽ ấy là cách tôi đón nhận cũng như ứng xử khi gặp phải khó khăn, khi gặp những điều buộc bản thân mình không được mềm yếu. Tôi đã có những khoảng thời gian stress rất nặng, có những khoảng thời gian cảm thấy mình bị cuốn theo guồng công việc mà không còn thời gian riêng cho bản thân. Bạn bè rủ đi đâu tôi cũng từ chối với lý do: "Ôi, bận lắm!". Rồi tôi tự nhận ra mình theo đuổi đam mê là tốt nhưng bản thân lại chưa có đủ thời gian dành cho những người thân trong gia đình. Khi đó, tôi đã tự cân đối lại để dung hòa được thời gian dành cho công việc và thời gian ở bên gia đình.
Tôi còn nhớ lần đầu tiên được đi công tác xa ở Tây Nguyên, khi ê-kíp vẫn tiếp tục ghi hình đến tối muộn thì tôi nhận được điện thoại của mẹ. Mẹ đã hỏi tôi: "Con có mệt không? Đã được ăn tối chưa?". Thực sự lúc đó tôi òa khóc nhưng lại không dám để mẹ biết là mình đang khóc. Đến khi bình tĩnh lại, tôi nói với mẹ con vẫn đang ghi hình và vừa rồi sóng điện thoại kém. Chính từ điểu này khiến tôi cảm thấy bản thân mình phải mạnh mẽ hơn.
Tôi cũng cảm thấy mình may mắn nữa bởi tôi có cơ hội được làm việc ở Đài Truyền hình quốc gia, được tham gia chương trình lớn như Chúng tôi là chiến sĩ, được gặp gỡ rất nhiều người, được làm việc với một ê-kíp vô cùng tuyệt vời. Vậy thì làm sao có thể không mạnh mẽ được? Bởi vì mình mạnh mẽ tức là mình đã đạt được điều mình mong muốn.
Được làm người dẫn và tổ chức sản xuất nhiều chương trình, "lửa nghề" đã "cháy" lên từng ngày với chị như thế nào?
Phải nói rằng "ngọn lửa" đầu tiên nhen nhóm sự yêu nghề khiến tôi gắn bó với Đài Truyền hình Việt Nam cho đến thời điểm này là những cơ duyên và sự may mắn khi được làm những chương trình tưởng chừng như không thể chạm tới. Rồi tôi được giao những vị trí quan trọng trong các chương trình thì "ngọn lửa" nghề càng lớn dần hơn. Công việc này đã mang đến cho tôi những trải nghiệm quý giá, được gặp nhiều đồng nghiệp giỏi nên "ngọn lửa" nghề chưa bao giờ tắt mà ngày càng "cháy" hơn.
Vẫn biết trong nghề có những lúc gặp thử thách, khó khăn nhưng bản thân tôi tự nhủ mình cần phải vượt qua. Mỗi ngày trôi qua có thể mình sẽ không được làm những công việc hiện tại và cơ hội có thể vụt khỏi tay bất cứ lúc nào nên buộc bản thân phải "cháy", "cháy" hết sức của mình vào thời điểm đấy để không hối tiếc. Tôi cảm thấy mình cũng là một người có rất nhiều năng lượng. Năng lượng ở bên trong con người mình là để được cống hiến, để được làm những điều hay, điều mới, điều tốt. Đó cũng là một phần thúc đẩy để mình có thể "cháy" với nghề.
Đã lâu rồi mới quay trở lại vai trò dẫn chương trình gameshow, cảm xúc đầu tiên chị nghĩ tới là gì?
Cảm xúc đầu tiên của tôi là hứng khởi. Tôi cảm thấy việc dẫn chương trình thực ra vẫn là một điều thân thuộc với bản thân mình. Sau đó, tôi lại cảm thấy hồi hộp, run và có thêm một chút bồi hồi nữa bởi lâu rồi tôi không tham gia dẫn chương trình. Vậy nhưng việc được lựa chọn dẫn một chương trình gameshow với người hướng ngoại, thích những không gian tươi mới, vui vẻ, năng động, khỏe khoắn như tôi thì đúng với điều mình đang gắn bó hàng ngày nên tôi cảm thấy rất hào hứng.
Tôi nghĩ rằng bản thân sẽ có một nơi để trải nghiệm, đồng hành với những người chơi để bung tỏa những năng lượng tích cực trao gửi đến những người xung quanh. Tuy nhiên, cảm xúc đan xen sau đó là lo lắng bởi bây giờ khán giả đón nhận những chương trình kiểu này theo tiêu chuẩn mới và lo lắng bản thân sẽ không đảm nhiệm tốt vai trò dẫn chương trình. Rõ ràng "trăm hay không bằng tay quen". Mọi người làm nhiều thì sẽ có những kỹ năng và phản xạ tốt hơn hay có cách tiếp cận với những người chơi trong chương trình tốt hơn thì liệu mình có thể làm tốt nhiệm vụ này ở một chương trình lớn như Giờ thứ 9+ hay không?
Tôi cũng có những lo lắng khác về sức khỏe của mình. Chia sẻ thật với bạn đã từ 2 năm nay tôi bị viêm dây thanh quản cấp nên việc làm MC của một gameshow truyền hình thật sự là một thử thách mới. Người chơi lại là những công đoàn viên, những công nhân lao động đang làm việc ở rất nhiều cơ quan, đơn vị khác nhau. Song, vị trí MC Giờ thứ 9+ cũng mang đến cho tôi sự phấn khích nhất định. Bản thân tôi là một người hoạt động phong trào nhiều năm nay nên cũng cảm thấy có sự gần gũi với người chơi. Vậy nên tôi cảm thấy tự tin, thoải mái hơn khi chính thức bước vào những ngày ghi hình của Giờ thứ 9+.
Điều gì là khó nhất với chị khi cầm mic cho gameshow này? MC Hoàng Linh hỗ trợ chị ra sao trong những ngày đầu chị bắt nhịp "Giờ thứ 9+"?
Điều khó khăn với tôi khi cầm mic cho gameshow Giờ thứ 9+ ngoài những áp lực thì còn là vấn đề sức khỏe. Như tôi vừa chia sẻ, tôi bị viên dây thanh quản nên chỉ cần nói nhiều, nói to hay thức khuya, uống nước lạnh… thì giọng nói sẽ bị ảnh hưởng. Chất giọng của tôi mấy năm năm cũng đã yếu đi rất nhiều.
Thêm vào đó, áp lực khi vừa làm kịch bản vừa dẫn chương trình khiến tôi có những căng thẳng nhất định. Tuy nhiên cũng rất may mắn bởi trong chương trình này, người bạn thân của tôi là Hoàng Linh vẫn đồng hành, ở bên cạnh với vai trò trợ lý MC. Chúng tôi thường xuyên bàn với nhau về tuyến kịch bản dẫn. Linh hỗ trợ cho tôi rất nhiều trong những buổi ghi hình, nhắc nhở kịp thời các đoạn dẫn nếu chẳng may tôi quên và thậm chí là ghi chú thêm những điều cần lưu ý vào kịch bản MC để tôi có thể tự tin hoàn thành vai trò của mình.
Khán giả đã quen và ấn tượng với BTV Vũ Trang ở nhiều chương trình. Chị luôn mang tới một không khí sôi nổi, vui vẻ và những năng lượng tích cực. Với "Giờ thứ 9+", chị truyền đến người chơi những điều tích cực nào?
Khi nhận lời làm MC cho gameshow này, tôi luôn muốn mang đến không khí sôi nổi, vui vẻ và những năng lượng tích cực cho người chơi. Tôi muốn người chơi được thoải mái, được cười nhiều, được bung tỏa năng lượng và được thể hiện tối đa năng khiếu của họ - điều mà trong cuộc sống thường ngày họ khó có cơ hội thể hiện trước đông đảo mọi người. Bản thân tôi cho rằng khi làm MC của Giờ thứ 9+ thì vai trò lớn nhất của mình là trở thành cầu nối để đưa tiếng nói của người chơi đến với khán giả xem truyền hình. Bởi vậy, trong mỗi số ghi hình, tôi luôn tìm cách khơi gợi những tâm sự của người chơi chứ không chỉ đơn thuần là một người điều khiển chương trình.
Trong đợt ghi hình của Giờ thứ 9+ ở khu vực phía Nam, người chơi đều là những người đa tài và luôn luôn muốn thể hiện khả năng của họ, dù có ngồi ghế khán giả hay ở vị trí người chơi chính, cứ lúc nào có nhạc là họ thoải mái nhảy và hát, tham gia các trò chơi cũng đều hết mình. Điều đó đã khiến tôi bị cuốn theo người chơi, chính người chơi lại tạo ra một "lực hấp dẫn", mang lại năng lượng tích cực cho MC.
Không chỉ được khán giả chú ý trong vai trò một người dẫn chương trình, chị cũng là người truyền cảm hứng trong việc chăm sóc sức khỏe, làm đẹp, cải thiện vóc dáng cho phái đẹp. Với cá nhân chị, điều gì là quan trọng nhất để một nữ BTV truyền hình có một sức khỏe tốt và luôn trẻ đẹp khi guồng quay của công việc này là không ngừng nghỉ?
Câu hỏi của bạn cũng đã cho thấy những áp lực cũng như khối lượng công việc của một biên tập viên truyền hình là rất lớn. Đặc biệt, với các nữ biên tập viên thì chắc chắn có rất là nhiều thử thách. Giờ giấc không theo giờ hành chính, khối lượng công việc lại rất nhiều và liên tục có những sự thay đổi cần phải ứng biến theo những tin tức, sự kiện diễn ra. Đương nhiên điều này cũng là một sự thiệt thòi nếu các nữ biên tập viên không tự biết chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp của mình.
Tôi không biết mình có thực sự đã truyền cảm hứng được cho mọi người hay không nhưng với tôi thì bản thân mình phải là người có cảm hứng trước đã. Mình phải yêu bản thân mình, phải biết quý trọng sức khỏe và con người của mình. Bởi vì bản thân mình là do bố mẹ sinh ra, được chăm sóc, nuôi dưỡng đến lúc trưởng thành với những điều kiện tốt nhất. Vậy thì tại sao mình lại để lãng phí, tại sao lại khiến hoàn cảnh khách quan ảnh hưởng và chi phối làm cho mình không khỏe, không tích cực?
Bất cứ một công việc nào mà mình đã lựa chọn thì chúng ta nên yêu công việc của mình trước đã. Điều đó sẽ khiến bản thân hưng phấn hơn, có thêm niềm hân hoan cũng như sự phấn khởi khi hoàn thành nhiệm vụ. Đó cũng là nguồn năng lượng tích cực rồi. Tiếp theo nữa là nên duy trì một lối sống lành mạnh kết hợp với việc rèn luyện thể dục thể thao, ít nhất là sự vận động nhẹ nhàng và điều quan trọng không kém là chế độ ăn uống.
Ngày mới vào nghề, tôi có khoảng thời gian dài phải làm việc xuyên đêm, dẫn đến thiếu ngủ rồi tiện gì ăn nấy nên cơ thể của mình cũng chưa thực sự khỏe mạnh. Sau khi tìm hiểu nhiều hơn về các chế độ dinh dưỡng, tôi cố gắng duy trì cho mình việc đầu tiên là ăn đúng giờ, giúp cơ thể chuyển hóa tốt, cùng với đó là lựa chọn những đồ ăn tốt hơn cho cơ thể để mình được khỏe hơn.
Một điều nữa tôi nghĩ cũng quan trọng là chúng ta hãy luôn lạc quan, cứ cười nhiều, yêu đời và yêu mọi người xung quanh thì chắc chắn sẽ cảm thấy bản thân được trẻ đẹp hơn.
Theo chị, rèn luyện thể thao có quan trọng với những người làm truyền hình? Chị có thể chia sẻ bí quyết để có một vóc dáng chuẩn cùng tinh thần luôn tràn đầy năng lượng tích cực mỗi khi xuất hiện trước khán giả?
Rèn luyện thể thao đương nhiên là cần với tất cả mọi người chứ không phải chỉ với những người làm truyền hình. Với những người làm truyền hình nói riêng và tất cả những ai đang làm việc văn phòng hay kể cả những người công nhân đang làm việc hàng ngày trong các xí nghiệp, nhà máy, việc ngồi nhiều, đứng lâu khiến cột sống, cổ, vai, gáy thường xuyên bị đau. Vậy nên khi có sự vận động nhất định sẽ giúp cơ thể được dẻo dai và thư giãn.
Nếu không rèn luyện thể dục thể thao, ngoài việc khiến cơ thể mỏi mệt còn làm cho bản thân bị ì trệ rồi còn bị xấu đi nữa. Tôi nghĩ việc rèn luyện thể thao không phải chỉ với những người làm truyền hình mà tất cả mọi người ở ngành nghề khác đều nên tập. Việc tập luyện thể thao giúp cơ thể thải bớt độc tố và khiến bản thân trẻ khỏe hơn.
Tôi không dám nhận mình có vóc dáng chuẩn nhưng khỏe khoắn và có nhiều năng lượng tích cực thì đúng. Thực ra những lúc cần xuất hiện trước công chúng thì tự bản thân mình phải chỉn chu và quan tâm đến hình thức của mình hơn giúp bản thân có sự tự tin và có thể thu hút người đối diện.
Châm ngôn sống nào chị tâm đắc nhất?
Có rất nhiều châm ngôn sống mà tôi tâm đắc. Ngày xưa, có một người nói với tôi rằng đi được nhiều nơi, gặp được nhiều người tốt, người giỏi chính là trường học để có thể học thêm được nhiều điều mới, nhiều điều tích cực và những trải nghiệm trong cuộc sống. Bây giờ tôi vẫn đang cố gắng để được sống như vậy, để được có thật nhiều trải nghiệm, được đi nhiều nơi và được gặp gỡ thật nhiều người, kể cả là những người "trái dấu", trái tính trái nết với mình thì đó cũng là một cơ hội để hiểu hơn về họ và hiểu hơn về mình.
Sau "Giờ thứ 9+", chị có muốn xuất hiện trở lại trong một gameshow nào khác?
Tôi có một tình yêu rất lớn với chương trình Chúng tôi là chiến sĩ vì từ những ngày đầu làm ở VTV3, tôi đã được gắn bó và có cơ hội được "nhập ngũ" với chương trình này. Hiện tại, chúng tôi đang ấp ủ một ý tưởng đem đến những trải nghiệm ở thao trường cho các bạn nhỏ, đưa các bạn nhỏ đến với những thử thách của quân đội để rèn luyện chính mình. Thực tế trong cuộc sống ngày nay, trẻ nhỏ không có nhiều sân chơi mà thiết bị điện tử hay các phương tiện khác đã khiến các con bị thu hẹp môi trường để có thể phát triển được cả về tinh thần và thể chất. Vậy nên tôi nghĩ nếu như một ngày nào đó chương trình Chúng tôi là chiến sĩ nhí do VTV3 sản xuất ra đời thì rất mong muốn được đồng hành cũng như trở thành người dẫn dắt chương trình này.
Bên cạnh đó, tôi cũng rất mong muốn có được một chương trình về phong cách sống - nơi những người phụ nữ thuộc nhiều hoàn cảnh khác nhau được chia sẻ, tâm sự về kinh nghiệm của bản thân với những người phụ nữ khác. Đây là điều tôi đang ấp ủ có thể thực hiện được.
Chị nhận xét như thế nào về lớp người dẫn trẻ hiện tại của các chương trình trên sóng VTV3?
Trên sóng VTV3 hiện nay có rất nhiều người dẫn chương trình và đa phần đều là các bạn thuộc thế hệ của tôi. Nếu nói về lớp những người dẫn trẻ thì tôi nghĩ đó là các bạn mới tham gia vào Café sáng với VTV3. Tôi thấy các bạn có rất nhiều điều dám nói, dám làm và có sự trải nghiệm trước ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có sự hiểu biết rất rộng. Đó là điều thế hệ chúng tôi học hỏi được từ các bạn trẻ. Hầu hết các bạn ấy cũng là những người rất đa tài.
Mong muốn lớn nhất lúc này của chị là gì?
Nếu hỏi về mong muốn lớn nhất của tôi tại thời điểm này thì Vũ Trang hy vọng mình sẽ xây dựng được kênh cá nhân để có thể chia sẻ những kinh nghiệm về luyện tập, dinh dưỡng, ăn uống và những câu chuyện truyền cảm hứng cũng như tìm đến những người phụ nữ nổi bật trong nhiều lĩnh vực để chia sẻ câu chuyện của họ tới mọi người. Từ đó, chúng ta có thể cùng nhau lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống cũng như chia sẻ cho nhau nhiều điều tốt trong công việc, làm sao để đảm bảo sức khỏe và vóc dáng, giúp mọi người luôn tự tin và hạnh phúc.
Đài THVN đã bước sang tuổi 53. Gắn bó 16 năm với "mái nhà" này, trong một ngày đặc biệt như hôm nay, 7/9, chị muốn nhắn gửi điều gì tới các đồng nghiệp của mình?
VTV là mái nhà thân thương thứ 2 của tôi, nơi tôi đã được trưởng thành, ươm dưỡng ngọn lửa đam mê và cho tôi nhiều cơ hội với truyền hình. Mừng cho "ngôi nhà" của mình thêm tuổi mới, thêm mạnh mẽ, thêm vững chãi, thêm nhiều ước mơ được chắp cánh!
Nhân ngày ý nghĩa của VTV, tôi muốn gửi lời biết ơn tới các đồng nghiệp nơi đây vì họ còn là những người thầy, người thân của tôi cho tôi một thanh xuân rực rỡ.
Tôi tự hào là VTVer!
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem nhanh