Trong khó khăn, thiếu thốn và trong thảm họa động đất kinh hoàng, tình người thực sự cao cả và đầm ấm trước những đau thương, mất mát to lớn mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang phải hứng chịu. Với người dân nơi đây là hy vọng dù mong manh và với các cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam ta đó là nỗ lực hết mình bàng mệnh lệnh từ trái tim.
Đoàn phóng viên VOV tới thành phố Adana, điểm gần nhất để di chuyển xuống các điểm động đất và tâm chấn bằng đường bộ cách đó hơn 200km. Mọi thứ với chúng tôi thực sự rất mơ hồ và lo lắng bởi an ninh, an toàn, mạng internet, sóng điện thoại, sinh hoạt…. kể cả mối nguy hiểm của dư chấn. Nỗi lo đã vơi đi phần nào khi đích thân Đại sứ Đỗ Sơn Hải, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước ta tại Thổ Nhĩ Kỳ và các cán bộ Đại sứ quán chờ đón tại khách sạn tại Adana và giúp chúng tôi thuê xe tới các điểm mà các đoàn Việt Nam đang thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đồng thời chia sẻ những thông tin, giải đáp những lo lắng của chúng tôi.
Nói về thảm họa Đại sứ Sơn Hải từ tông giọng vang, to và hồ hởi khi gặp các nhà báo Việt Nam đã lặng người và trầm lại. “Kinh khủng lắm. Không thể tưởng tượng nổi. Xuống thực địa các bạn sẽ thấy. Rất đau thương, tan hoang. Báo chí tới đây hãy nói đúng, phản ánh trung thực và lột tả hết để người dân trong nước hiểu và chia sẻ với nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các đoàn và anh em báo chí bất cứ lúc nào”.
Tiễn các nhà báo lên đường tới thực địa, Đại sứ dù mới gặp chúng tôi trong ít phút nhưng đầy lưu luyến xen lẫn lo lắng. Đại sứ n nói “An toàn các bạn nhé”. Khiến chúng tôi thêm ấm lòng và bịn rịn. Đại sứ cũng không quên đưa cho anh em báo chí một bảo bối vô cùng quan trọng, đó là cục sạc pin dự phòng và tấm thẻ tác nghiệp đại sứ phải mất gần 2 ngày ăn trực nằm chờ tại Andara để xin cho phóng viên Việt Nam.
Gần 200 km đường vòng vèo hướng về phía Hatay, chúng tôi đầy tâm trạng và lo lắng về nơi tạm trú bởi trời đêm giá lạnh. Hatay thực sự là thành phố chết vì không một ai sống trong trong các căn nhà đổ nghiêng và phần lớn đã đổ nát sau động đất. Tất cả mọi người dân đã sơ tán hoặc ở trong lều trại trên các cánh đồng, sân vận động. Động đất đã ảnh hưởng tới 10 tỉnh của Thổ Nhĩ Kỳ nên từ thành phố Adana tới Hatay, đâu đâu cũng thấy dấu tích đổ nát và động đất. Kinh hoàng và choáng váng là Hatay, tâm điểm của tâm chấn. Dọc hai bên đường tới khu tập trung dân và các đoàn cứu hộ quốc tế là cảnh tan hoang của những ngôi nhà cao tầng. Các đống đổ nát là những gì còn lại sau động đất.
Tới sân vận động Hatay nơi các đoàn cứu hộ tập kết và ở lán trại, bên cạnh các lều dân sơ tán thực sự khó để tìm đoàn cứu hộ Việt Nam đang ở đâu. Giữa hàng ngàn chiếc lều đan xen, trong khi các hoạt động cứu hộ hối hả, xe tải, xe ủi, xe cứu thương tấp nập chạy, chúng tôi vẫn cố gắng để tiếp cận đoàn Việt Nam nhanh nhất.
“Tìm cờ đỏ sao vàng” là nhanh nhất giữa hàng nghìn lán trại như thế này. Đoàn cứu hộ cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam ở sâu phía ngoài sân vận động nhưng cũng khó tìm do trời nhá nhem tối, nhìn ai cũng giống nhau trong hàng nghìn người đang ở đây. Gió thổi và cờ đỏ sao vàng tung bay.
Chúng tôi vui mừng vì gặp các chiến sĩ của ta ở đây. Tất cả không quen biết nhưng phút chốc trở nên rất thân thiết và tình cảm. Từ anh em chiến sĩ tới các thủ trưởng ai cũng niềm nở đón chúng tôi. Các thủ trưởng trong Đoàn, đều mang quân hàm tướng tá đang ngồi nghỉ nhưng đã chạy lại để bắt tay và ôm chúng tôi. Trưởng Đoàn, Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ vui mừng hỏi: “Em ở VOV à, vào đây. Anh em hậu cần đâu làm cho các bạn mới đến bát mì tôm, rồi bố trí chỗ ngủ cho anh em”.
“Sống rồi” tôi nghĩ vậy bởi gặp các chiến sĩ lại được ở cùng lều. Nỗi lo chỗ ngủ là mối lo lớn nhất của chúng tôi đã tan biến. Thành phố Adana vẫn còn nhiều nhà chưa bị đổ nát nhưng không ai dám ở vì lo sợ dư chấn hoặc tự đổ vì đều đã nghiêng ngả.
Đồ ăn thức uống và tư trang chúng tôi chuẩn bị đủ để tác nghiệp ít nhất là 2 tuần nên cũng khá lỉnh kỉnh và nặng. Chúng tôi xác định trang bị đủ để có thể độc lập tác chiến trong điều kiện khó khăn vô cùng, có tiền cũng không có gì để mua ở Hatay lúc này. 19h giờ tối, chúng tôi ăn nhanh bát mì tôm để tác nghiệp và đưa tin, phỏng vấn Đoàn. Nhưng Đoàn cứu hộ cứu nạn vẫn chưa thấy ai ăn, chắc là rất đói vì từ 8 giờ sáng tới giờ các anh chỉ uống nước và ăn lương khô tại các điểm cứu hộ. Để ý nhanh tôi thấy các anh chờ thủ trưởng của Đoàn và Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ ăn nhưng thủ trưởng vẫn chưa được nghỉ vì đang gặp gỡ các đoàn quốc tế, các đoàn sang nhờ Đoàn ta giúp và hỗ trợ tìm kiếm.
Mâm cơm chỉ có một đĩa mì tôm xào với rau bắp cải gắp vào cốc giấy để ăn tạm. Tướng Tỵ nói “Người dân của họ còn rất khó khăn, anh em ta được ăn, ở trong lều như thế này là mừng lắm rồi”. Vừa ăn các thủ trưởng vừa trao đổi rút kinh nghiệm để công việc hiệu quả hơn, cả trong hợp tác quốc tế, phối hợp tìm kiếm.
Đoàn ai cũng mừng khi Bahrain chủ động sang nhờ ta cho chó nghiệp vụ giúp tìm kiếm các điểm đổ nát mà họ được giao cứu hộ. Tướng Tỵ nói giúp Thổ Nhĩ Kỳ hay Bahrain cũng là giúp, là nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó cho Đoàn khi sang đây nên ta sẵn sàng. Nói về kinh nghiệm tìm kiếm, ông lại nghẹ ngào, ánh mắt trực ứa đỏ.
Có lẽ ông chưa bao giờ tận mắt chứng kiến những đau thương như người dân Hatay vừa trải qua và cũng là lần đầu tiên tới một đất nước xa xôi như thế để tham gia tìm kiếm cứu hộ cứu nạn dù ông đã có hàng chục năm lăn lộn trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Ông chia sẻ: “Bài học của tôi là cứu người chúng ta phải coi như cứu chính người thân của mình. Nếu trong đống đổ nát là bố mẹ, vợ con các bạn, các bạn có đứng ngoài nhìn không? Tôi chắc tất cả chúng ta sẽ lăn vào để cứu và không sợ nguy hiểm kể cả tính mạng. Đúng không?”. Lời nói của ông lúc này thực sự sâu nặng nghĩa tình. Đó là tình người với người trong hoạn nạn, không còn phân biệt biên giới, khoảng cách, ngôn ngữ, tôn giáo hay văn hóa.
Gần 12h đêm khi mọi lán trại đã khá yên ắng, nhiệt độ ngoài trời đã giảm xuống 0 độ, vẫn có bóng một đồng chí chỉ huy ngồi một mình. Đó là thượng tá Nguyễn Duy Minh, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng. Anh vừa đi gặp gỡ và tiếp xúc các đoàn cứu hộ các nước gần lán trại nhằm tương hỗ trong tìm kiếm, cứu nạn tại Hatay, nhưng cũng là chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ lương thực. Nhưng có lẽ anh ngồi một mình để tĩnh, để lặng và để ngẫm về chữ “tình người” sau nhiều ngày tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát mà người dân nơi đây vừa trải qua.
Anh cũng như anh em trong đoàn cảm thấy đó như là mất mát của chính mình và người thân của mình. Cũng chính vì vậy mà anh em trong Đoàn đã ngay lập tức bắt tay tham gia tìm kiếm cứu hộ ngay khi tới tâm chấn. Quyết tâm và mong muốn được làm nhiều nhất, nhanh nhất để tìm kiếm những người còn sống sót. Dù thời tiết lạnh buốt, nhiều dư chấn trong khi vẫn còn có các ngôi nhà nứt, nghiêng vẫn luôn thường trực đổ sập bất cứ lúc nào nhưng anh và anh em trong đoàn luôn sẵn sàng. Anh nói đó là bản lĩnh của bộ đội cụ Hồ và là nhiệm vụ từ trái tim.
Giá lạnh giữa đêm đông ở Hatay bỗng tan biến bởi tình người với người trong hoạn nạn đã sưởi ấm tinh thần và quyết tâm cho những người may mắn sống sót, cho lực lượng cứu hộ quốc tế, trong đó có Đoàn Việt Nam. Quanh những khu nhà đổ nát sau động đất bi thương và buồn tủi nhưng vẫn có tiếng cười reo, hạnh phúc khi lá cờ Việt Nam được cắm lên. Đó là nơi chó nghiệp vụ của ta phát hiện ra có sự sống, có nạn nhân đang mắc kẹt. Chính vì thế những ánh mắt của người dân nơi đây vẫn không ngừng dõi theo cờ đỏ sao vàng trong tràn đầy niềm tin và hy vọng./.
Xem nhanh
, 29/11/2024