Vở hài kịch "Loạn Thế Chi Vương" thu hút đông khán giả bởi sự trở lại của Minh Nhí với vai giả gái. Xưa nay trong giới sân khấu cải lương, nghệ thuật hóa thân luôn mang đến cho khán giả những bất ngờ thú vị.
Nghệ sĩ Minh Nhí diễn vai Nhị Nương trong vở hài kịch "Loạn Thế Chi Vương" trên sân khấu Trương Hùng Minh
Trong quá trình hơn 100 năm hình thành và phát triển của nghệ thuật cải lương, có không ít các nữ nghệ sĩ đã đi vào huyền thoại khi thể hiện những vai kép. Ngược lại cũng có những nam diễn viên thể hiện vai đào - tức là đóng vai nữ và đã chinh phục được khán giả.
Theo các nhà nghiên cứu sân khấu, đó chính là những điều kỳ diệu trong nghệ thuật hóa thân mà chỉ có trên sàn diễn cải lương, nơi các nam - nữ nghệ sĩ thể hiện vai trái với tính cách, con người thật của mình và đã thuyết phục người xem bằng nghệ thuật hóa thân độc đáo này.
Nghệ sĩ Kiều Mai Lý (thầy Lý) và Bo Bo Hoàng (thầy Đề) trong vở "Ngao, sò, ốc, hến"
NSND Ngọc Giàu được xem là kế thừa con đường phát huy tài nghệ diễn vai kép từ NSND Phùng Há, dù bà không phải là học trò chính thức.
"Tôi chỉ học lóm qua những vai diễn kép võ của má Bảy Phùng Há, thích thú nhất là vai Lữ Bố trong vở "Phụng Nghi Đình". Sau này, khi tôi may mắn được đạo diễn Chi Lăng mời đóng vai Lục Vân Tiên, tôi đã thọ giáo cô hai Kim Cúc, để học từng động tác, điệu bộ, võ đạo của vai kép. Kế đến phải kể đến vai Đổng Trác cũng trong vở "Phụng Nghi Đình", tôi còn đóng vai Trùm Sò trong vở "Ngao, sò, ốc, hến"nữa" - NSND Ngọc Giàu cho biết.
NSND Ngọc Giàu trong vai Lục Vân Tiên
"Lúc còn trẻ NSND Phùng Há đã thành lập gánh hát đa số là nữ, dựng các vở: "Đường Minh Hoàng Du Nguyệt Điện", "Võ Đông Sơ", "Sở Vân cứu giá"… diễn vào tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại rạp Cao Đồng Hưng - nay là nhà sách Gia Định nằm cạnh chợ Bà Chiểu TP HCM. Khi nghệ sĩ Tư Út, kép chánh của đoàn qua đời, không có ai đóng kép vừa ý; NSND Phùng Há đã hóa thân đóng vai kép, không ngờ khán giả lại đến xem rất đông, từ đó đã tạo dấu ấn mới trong khuynh hướng đào đóng kép" - NSND Ngọc Giàu kể.
NSND Đinh Bằng Phi nhớ lại: "Những năm 1920, sân khấu hát bội, cải lương từng có một gánh hát toàn là phụ nữ. Họ không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, chỉ là dân nghiệp dư, hoạt động dưới sự điều hành của bà bầu Trần Ngọc Viện, tức cô ruột của GSTS Trần Văn Khê. Gánh hát chỉ toàn phụ nữ vốn chân yếu tay mềm, nhưng khi diễn các vở cần biểu diễn võ thuật, họ cũng phải học võ. Họ được một võ sư dòng võ Bình Định, dạy các đường quyền, đường roi, thế tấn và diễn với binh khí thật, chứ không phải các đạo cụ như ngày nay. Chính vì thế, gánh hát này đã tạo được ấn tượng mạnh với công chúng thời ấy qua các vở: "Giọt lệ chung tình", "Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà"... nổi danh vào năm 1927".
NSƯT Tú Sương thể hiện xuất sắc vai Bao Công
Nghệ thuật cải lương và hát bội đã có nhiều nữ nghệ sĩ đã thể hiện xuất sắc các vai kép, trong đó phải kể đến nghệ sĩ Bảy Nam (vai quan Tư Đồ), nghệ sĩ Năm Đồ (vai Quan Vân Trường), nghệ sĩ Ba Út (vai Triệu Tử Long)… Sau này, có các nghệ sĩ Bạch Mai, Bạch Lê, Thanh Loan, Xuân Yến, Ngọc Đáng, Thanh Thế, Bo Bo Hoàng, Phượng Mai, Thanh Hoàng… đã thể hiện xuất sắc các vai kép. Ngoài ra, các nữ nghệ sĩ chuyên diễn vai hài cũng có thể đóng kép rất hay như: Kiều Mai Lý, Tô Kiều Lan, Bé Hoàng Vân…
Độc đáo nhất, phải kể đến NSƯT Mỹ Châu, người đã thể hiện tài tình các vai kép từ sàn diễn cho đến băng dĩa, được công chúng ngưỡng mộ qua các vở: "Kiếm sĩ người dơi", "Sở Vân cứu giá", "Sở Vân cưới vợ"…
Thế hệ học trò của NSND Phùng Há sau này có: Thanh Thanh Tâm, Vân Hà, Thoại Mỹ… đã diễn các vai kép võ như: Triệu Tử Long, Lữ Bố, Triệu Khuôn Dẫn… Tiếp sau là thế hệ giải HCV Trần Hữu Trang phải có NSƯT Tú Sương với vai kép lão Tôn Hiến Thành, Bao Công, Triệu Khuôn Dẫn… độc đáo không kém các đàn chị.
NSƯT Thanh Thanh Tâm hóa trang vai kép - quan Huyện trong vở "Ngao, sò, ốc, hến"
Ngược lại các diễn viên nam chuyên đóng vai nữ, phải kể đến tài năng hóa thân của NSND Thanh Tòng, NSƯT Bửu Truyện, NSƯT Trường Sơn, nghệ sĩ Thanh Bạch (ông xã của nghệ sĩ Bạch Lê, hiện đang sinh sống tại Pháp - PV). Sau này có thêm Vũ Linh, Kim Tử Long, Hữu Quốc, Mai Thế Hiệp, Vũ Luân… đã diễn vai nữ được khán giả yêu thích.
Danh hài - NSƯT Hoài Linh trong vai Thị Hến
NSƯT Vũ Luân chia sẻ, khi diễn vai nữ, điệu bộ và vũ đạo phải hết sức nhẹ nhàng, giọng ca phải dùng hơi nhẹ, uyển chuyển mới thể hiện được phong cách của nhân vật nữ trên sân khấu tuồng cổ.
NSƯT Vũ Luân trong vai Điêu Thuyền (vở "Phụng Nghi Đình")
Trong vở "Phụng Nghi Đình" NSƯT Hữu Châu đã từng diễn vai Điêu Thuyền cho biết: "Vai diễn áp lực lắm, bởi vì phải mặc phục trang nữ, dáng đi phải nhẹ nhàng, khoan thai, nên tôi phải hết sức tập trung. Nhắc đến vai Điêu Thuyền giờ tôi vẫn còn sợ, có thể nói chính những áp lực đã giúp tôi thể hiện thật trọn vẹn tính cách của nhân vật trên sân khấu".
Danh hài NSƯT Bảo Quốc chỉ duy nhất thể hiện vai nữ trong vở "Giấc mộ đêm xuân" của soạn giả Nhị Kiều, ông đã diễn vai "cô đào" trong gánh hát, khi vở diễn này được đạo diễn NSƯT Hoa Hạ dàn dựng cho Sân khấu Vàng.
Ông nói: "Để diễn vai nữ trên sân khấu mang tính cách gây tiếng cười rất khó, nếu không biết tiết chế sẽ dễ dẫn đến sự lố bịch, kệch cỡm. Do vậy, diễn vai hài giả gái rất cần sự dung dị, tạo tiếng cười bằng tình huống chứ không tạo bằng hình thể diêm dúa, ỏng ẻo".
NSND Minh Vương và danh hài Bảo Quốc trong vở "Giấc mộng đêm xuân"
Trong giới hài kịch có nhiều nam nghệ sĩ diễn vai giả gái như: Thành Lộc, Hoài Linh, Minh Nhí, Hữu Châu, Trấn Thành, BB Trần, Đình Toàn, Đại Nghĩa… Các vai diễn đặt trong vở có số phận, có tình huống luôn được khán giả cổ vũ.
Vai nữ tướng cướp của NSƯT Thành Lộc (vở "Alo, lộ hàng" của sân khấu IDECAF) là vai được bạn đọc Báo Người Lao Động đề cử vào vòng bầu chọn giải Mai Vàng lần thứ 28 - năm 2022, được xem là vai diễn mang lại tiếng cười châm biếm sâu sắc.
Nghệ sĩ Minh Nhí nói về vai Nhị Nương: "Đó là một quyết định táo bạo, do thời gian cận Tết các bạn diễn viên nữ đều bận lo cho gia đình, nên tôi phải diễn luôn vai Nhị Nương. Không ngờ vai Nhị Nương đã tạo được sức hấp dẫn độc đáo, được khán giả yêu thích, tôi rất hạnh phục về điều này".
Xem nhanh