Trước khi có thông tin Hà Nội quyết tâm đưa hai huyện Đông Anh và Gia Lâm lên quận vào năm 2023, giá đất tại khu vực đã liên tục tăng mạnh. Đến nay, thị trường đã bắt đầu chững lại, song giá đất vẫn neo cao, có những lô đất đã đạt mức giá cao ngất ngưởng ở mức gần 200 triệu đồng/m2.
Gía đất ngang ngửa với khu trung tâm
Cuối tháng 10/2022, UBND TP. Hà Nội đã ra quyết định về việc ủy quyền cho UBND các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức và Đan Phượng thực hiện lập đề án thành lập quận, phường trực thuộc.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Thủ đô đặt mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ có 3 - 5 huyện lên quận, nhưng “nếu dàn hàng ngang thì khó thành công”. Do đó, TP. Hà Nội đã lựa chọn và sẽ hỗ trợ, quyết tâm đưa 2 huyện Đông Anh, Gia Lâm lên quận vào năm 2023.
Thông tin này đã khiến giá đất tại Long Biên và Đông Anh vẫn neo cao khi thị trường bất động sản nhiều khu vực khác đang có xu hướng giảm, thậm chí nhiều nơi đã có mức giá cắt lỗ khá sâu.
Ghi nhận thực tế, đơn cử, tại Uy Nỗ (Đông Anh), khi đi vào các thôn xóm không khó để bắt gặp hình ảnh “chằng chịt” phân lô, tách thửa với diện tích từ 40 - 60m2/lô, với mức giá 45 - 60 triệu đồng/m2. Những lô đất nằm ở đường ngõ ô tô có thể thoải mái đi lại cũng đang dao động từ 70 - 80 triệu đồng/m2. Cá biệt, những lô đất vàng gần đường Quốc lộ 3 hoặc ở gần những tuyến đường lớn như Võ Nguyên Giáp, Võ Văn Kiệt,...đều vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2, thậm chí có những lô giá đến 190 triệu đồng/m2.
Hay mới đây, tại Đông Anh, đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở tại điểm X7, xã Uy Nỗ. Đây được coi là khu "đất vàng" do nằm ngay trung tâm hành chính của huyện Đông Anh.
Theo đó, có 27 thửa đất với tổng diện tích hơn 3.364 m2. Các thửa đất có diện tích từ 115,26 - 227,89 m2 được đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để làm nhà ở lâu dài. Giá khởi điểm dao động từ 58 - 69 triệu đồng/m2 (tuỳ theo diện tích và vị trí), bước giá áp dụng tại tất cả các thửa đất là 500.000 đồng/m2.
Kết quả, giá trúng đấu giá cao nhất là 168,5 triệu đồng/m2 (gấp hơn 2 lần giá khởi điểm); giá trúng đấu giá thấp nhất là 78,5 triệu đồng/m2.
Còn tại huyện Gia Lâm, giá đất nền hiện cũng đang neo cao, mức giá phổ biến những mảnh đất nằm trong ngõ dao động từ 50 - 70 triệu đồng/m2. Còn ở đường lớn cũng lên tới 130 - 160 triệu đồng/m2, như vậy một lô đất từ 40 - 50m2 cũng có giá 5 - 8 tỷ đồng. Mức giá này ngang ngửa với những lô đất nằm ở vị trí trung tâm của Hà Nội.
Thổi giá theo thông tinAnh Nguyễn Tuyên, môi giới bất động sản tại ven Hà Nội cho biết, trong năm 2020 - 2021, giá đất tại 2 khu vực này tăng rất mạnh, nhiều lô đã tăng đến hơn 2 lần. Hiện giá vẫn tiếp tục đang tăng mạnh khoảng 40 - 50% từ đầu năm 2022. Người này cho biết, 10 lô đất tại Đông Anh thời gian gần đây được anh bán chỉ trong “một nốt nhạc”.
“Bây giờ thị trường chậm lại rồi nhưng giá vẫn neo cao. Lãi suất tăng cao nhiều người dùng đòn bẩy tài chính cũng phải hạ giá bán hơn so với trước. Xuống tiền lúc này sang năm lên quận chắc chắn có lãi to”, anh Tuyên nói.
Song, theo tìm hiểu, những thông tin mà người môi giới đưa ra có phần “ảo”. Cụ thể, tại thị trường đất nền Đông Anh, những lô đất mặt tiền đường kinh doanh tại Tiên Dương, Nguyên Khê, Đông Hội, Xuân Canh, giá rao bán thời điểm sốt đất năm ngoái đều từ 60 - 110 triệu đồng/m2 thì đến hiện tại, chủ đất chỉ chào bán ở mức từ 40 - 80 triệu đồng/m2.
Huyện Gia Lâm cũng ghi nhận thực trạng đất đã xuống giá ở một số nơi. Đơn cử như một số lô đất mặt tiền ở phố Ngô Xuân Quảng từng được rao bán với giá 140 - 160 triệu đồng/m2 thì đến nay, chủ đất hạ còn 100 - 120 triệu đồng/m2. Khu tái định cư Trâu Quỳ, khu đô thị 31ha từng được chào bán với mức ngoài 100 triệu đồng/m2 thì hiện tại chỉ còn dao động từ 85 - 95 triệu đồng/m2. Các vị trí trên mặt đường Đào Nguyên, Dương Xá… cũng từng được mua ở vùng giá 60 - 75 triệu đồng/m2 thì hiện hạ còn hơn 50 triệu đồng/m2.Anh Nguyễn Tuấn Khánh, nhà đầu tư bất động sản tại Hà Nội cho biết, mảnh đất 50m2, nằm ở mặt đường rộng 6m, anh đã rao bán tại Gia Lâm đã 5 tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được chủ mới.
“Ban đầu tôi rao bán với giá 3,5 tỷ đồng, dần dần giảm còn 3 tỷ đồng, nhưng nhiều tháng nay vẫn chưa tìm được chủ mới. Giảm giá còn bán mãi không được thì làm gì có chuyện tăng giá lúc này”, anh Khánh nói.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết trong thời gian qua, giá đất ở huyện Đông Anh đã chứng kiến đà tăng phi mã, thậm chí là tăng một cách bất hợp lý: "Có khu vực tôi đi khảo sát ở Đông Anh, nhiều dự án cỏ mọc xanh um, xung quanh quây hàng rào, không được đầu tư hạ tầng nhưng giá đất đã được đẩy lên hơn 100 triệu đồng/m2, đắt ngang với khu vực Mỹ Đình đã được đầu tư bài bản”.
Ông Đính cũng đưa ra lời khuyên, dù Đông Anh và Gia Lâm đang ngày càng hoàn thiện hạ tầng, tiện ích, thương mại, dịch vụ,... nên thu hút được nhiều nhà đầu tư và những người có nhu cầu thực. Song , trước những diễn biến khó lường của thị trường thì người mua vẫn nên cẩn trọng, đặc biệt là tính thanh khoản của thị trường khu vực.