Độc lạ sản vật Tết [Kỳ 1]: Chuyện độc đáo về bầu hồ lô phong thủy

H
Home Content

Người thổi hồn vào bầu hồ lô

Đến thị trấn Bến Cầu thuộc huyện biên giới Bến Cầu, tỉnh hỏi thăm cơ sở sản xuất bầu hồ lô của ông Trần Văn Vinh thì ai cũng biết. Ông Vinh nổi tiếng bởi khả năng biến những trái vô tri vô giác thành các . Sự sáng tạo ấy khiến ai khi nhìn vào cũng phải trầm trồ, thán phục sự tài hoa của người thực hiện.

Ông Trần Vinh bên giàn bàu hồ lô của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Nói về cơ duyên đưa đẩy mình đến với nghề này, ông Vinh cho biết, trong một lần lên mạng đọc báo, ông tình cờ thấy một nông dân ở Đồng Nai chế tác các sản phẩm đèn trang trí bằng những trái bầu hồ lô vô cùng thú vị. Vốn là người yêu thích cây cảnh, các sản phẩm thủ công, nên khi thấy những sản phẩm lạ mắt từ trái bầu hồ lô, ông Vinh rất thích thú. Từ chỗ tò mò, càng tìm hiểu, ông Vinh càng cảm thấy hứng thú. Niềm đam mê thôi thúc, thế là ông quyết định bắt tay vào làm thử.

Ở chỗ ông không có sẵn trái bầu hồ lô khô, ông phải lặn lội lên Thành phố Hồ Chí Minh tìm mua về làm thử. Rồi ông tự mày mò, nghiên cứu để làm những sản phẩm từ trái bầu hô lô. Do không có kinh nghiệm cũng như kỹ thuật điêu khắc nên ông gặp khó khăn, nhiều lần thất bại. Không nản chí, ông chịu khó lên mạng học hỏi, cần mẫn luyện vẽ, tập tành điêu khắc. Cuối cùng, ông Vinh cũng đã chế tác được nhiều đồ vật đơn giản như bình hồ lô, đèn bầu hồ lô... Điều này làm ông cảm thấy phấn khởi, muốn tạo thêm nhiều sản phẩm mới.

Để rút ngắn quy trình phơi bầu hồ lô, ông Vinh đầu tư lò sấy điện gần trăm triệu đồng. Ảnh: Trần Trung.

Với thành công bước đầu, ông nảy sinh ý tưởng tự gieo trồng bầu hồ lô để có thể chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ cho công việc chế tác. Thế là ông Vinh lại bỏ công đi tìm hạt giống, rồi gieo trồng bầu hồ lô khắp sân nhà. Để có được trái bầu khô phải mất nhiều công sức, kỹ lưỡng từ khâu chọn giống, chăm sóc, thu hái, xử lý ruột đến phơi khô.

Theo ông Vinh, trong một giàn bầu nhiều trái, chỉ tuyển chọn ra những trái có chất lượng để già. Trái phải có hình dáng đẹp, có eo trên dưới cân đối, không bị vênh méo, trầy xước, sâu bọ ăn. Khi bầu đã già hẳn, khô tự nhiên trên giàn, chuyển sang màu trắng đục mới hái xuống, vì lúc đó bầu mới đủ lượng gỗ, cứng cáp, để chế tác. Bầu được hái xuống sẽ đem đi xử lý ruột, rồi được phơi nắng trực tiếp tầm 4 lần.

Ông Vinh tỉ mỉ tuyển chọn từng quả bầu hồ lô trước khi chế tác. Ảnh: Trần Trung.

Ông Vinh "bật mí" thêm, trước khi phơi nắng phải xử lý vỏ bầu bằng cách cạo nhẹ một lớp vỏ rất mỏng ở bên ngoài, giúp trái bầu khô từ trong ra ngoài, không để lại mùi hăng. Nhờ ảnh hưởng từ độ già và quá trình phơi, trái bầu sau khi được phơi khô sẽ cho ra nhiều màu gỗ khác nhau, từ đậm đến lợt, làm tăng sự phong phú về màu sắc tự nhiên của sản phẩm.

Quá trình chế tác ra một sản phẩm từ trái bầu hồ lô cũng rất kỳ công. Tuỳ theo kiểu dáng, mục đích sử dụng mà người thợ chế tác sản phẩm. Ông Vinh nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, trái bầu có vỏ mỏng, nên khi chế tác, khắc hoạ tiết phải thật khéo léo, tỉ mỉ, nếu không, các nét khắc sẽ bị gãy, dễ đứt đoạn, không tạo nên các hoạ tiết như ý muốn. Để dễ dàng cho việc điêu khắc, trước khi khắc hoạ tiết, ông Vinh thường vẽ mẫu phác thảo bằng viết chì trên trái bầu, rồi theo đường nét ấy mà khắc.

Ông Vinh tỉ mỉ khắc từng họa tiết bằng phương pháp thủ công lên quả bầu hồ lô. Ảnh: Trần Trung.

Cứ thế, càng làm ông càng say mê, không ngừng sáng tạo ra những sản phẩm mới với mẫu mã, kiểu dáng đa dạng. Ông Vinh luôn dành hết tâm huyết, thổi hồn vào từng sản phẩm. Các sản phẩm của ông Vinh làm ra trông khá đẹp mắt, dễ thương. Có trò chuyện với ông, tận mắt thấy các sản phẩm của ông, mới cảm nhận hết tâm huyết của ông đối với từng sản phẩm. Những sản phẩm người tuyết do ông chế tác nhân dịp Giáng sinh được chăm chút từng chi tiết, tạo nên hình dáng vui vẻ, cực đáng yêu, nếu không hỏi qua có lẽ không ai biết nó được làm từ những trái bầu hồ lô.

Hơn 2 năm miệt mài chế tác, ông Vinh đã tạo ra nhiều tác phẩm mỹ nghệ độc đáo như đèn bàn, đèn ngủ, đèn treo tường, bình hoa, bình đựng rượu, vật trang trí, đồ lưu niệm...

Sản phẩm phong thủy hút hàng dịp Tết

Theo ông Vinh, từ lâu, vỏ trái bầu khô được người dân ở nhiều nơi sử dụng chế ra các đồ vật dùng trong sinh hoạt hằng ngày như đựng rượu, làm gáo múc nước. Nhìn những trái bầu tưởng chừng như không có gì đặc sắc, thế nhưng, từ xa xưa hồ lô (hay quả bầu hồ lô khô) là một trong những đồ vật phong thủy được nhiều người sử dụng nhất.

Ngoài khắc thủ công, những họa tiết đơn giản được ông khắc bằng phương pháp 3D tăng sáng tạo trên từng sản phẩm. Ảnh: Trần Trung.

Không như Kỳ Lân, Tỳ Hươu hay Thiềm Thừ, khi bài trí các vật phẩm phong thủy trên cần phải thật cẩn thận để tránh trường hợp phản tác dụng, linh vật quay sang “cắn ngược” chủ nhà, hoặc cần phải khai quang nhãn cho các linh vật, hồ lô là vật phẩm phong thủy “hiền lành” hơn hẳn. Bầu hồ lô là biểu tượng giúp bảo vệ con người khỏi tai ương, cái chết không tự nhiên và bệnh tật nặng nề, nó cũng tượng trưng cho cuộc sống trường thọ và sức khỏe viên mãn.

Với hình dáng được cấu tạo khá “lạ” khi sở hữu miệng nhỏ, bụng to mà rỗng ở phía trong, quả bầu hồ lô phong thủy thường được dùng để làm bình đựng nước, rượu hoặc làm bình giữ thuốc. Ngoài ra, hồ lô còn thường được các đạo sĩ sử dụng để thu thập tà khí, bắt giữ các linh hồn xấu. Do vậy, nhiều người coi hồ lô như một tấm bùa hộ mệnh, giúp xua đuổi quỷ dữ và giúp con người sống lâu hơn.

Ông Vinh bên các sản phẩm thành phẩm mà ông tâm đắc. Ảnh: Trần Trung.

Theo thời gian, con người còn chế tác hồ lô thành các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ hồ lô được sử dụng như một vật đựng hoặc đồ trang trí trong nhà, phụ kiện đeo bên người. Hiện nay, để có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhiều người, quả bầu hồ lô phong thủy bắt đầu đa dạng hơn về chất liệu và cầu kỳ hơn về kiểu dáng: hồ lô được đúc bằng kim loại, pha lê, hoặc được sơn thêm màu, gắn thêm đồng xu phong thủy.

Cầm trên tay quả bầu được khắc tinh tế hình Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Vinh cho biết thêm, ban đầu, ông Vinh làm chỉ để thoả đam mê, rồi tặng bạn bè, người thân. Ông đem những sản phẩm của mình khoe trên mạng xã hội cho bạn bè gần xa chiêm ngưỡng. Những sản phẩm độc đáo của ông đã tạo được sự quan tâm của mọi người, thu hút được khách hàng gần xa tìm đến mua và đặt hàng làm quà tặng, vật lưu niệm, trang trí. Hiện còn gần tháng nữa mới đến Tết nguyên đán 2023, nhưng các sản phẩm bầu hồ lô đã "cháy hàng".

ông Vinh khoe những đơn đặt hàng dày đặc dù còn đến gần 1 tháng nữa mới đến Têt nguyên đán 2023. Ảnh: Trần Trung.

“Bình quân 1.000m2 đất trồng 600 dây bầu, mỗi một dây đậu từ 10 trái, như vậy có thể thu hoạch được 6.000 trái. Để làm ra một sản phẩm từ bầu hồ lô phải trải qua các công đoạn như xử lý vỏ, phơi khô, lấy ruột, khắc thủ công hoặc laser, sơn và công đoạn cuối là lắp đèn. Tùy vào hình dáng, kích thước và độ sắc sảo của họa tiết trang trí, mỗi sản phẩm bầu hồ lô có giá từ 150.000- 700.000 đồng”, ông Vinh tiết lộ.

“Trái bầu hồ lô từ xa xưa người ta đã dùng để đựng rượu và cũng khá nổi tiếng. Cơ sở ông Vinh, người có công biến trái bầu hồ lô thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, vừa tiêu thụ nông sản cho bà con, đồng thời sử dụng được phế phụ phẩm trong nông nghiệp như sáp ong để tăng giá trị trái bầu. Tôi nghĩ rằng cơ sở Trần Vinh là cơ sở đầu tiên và câu chuyện sản phẩm rất hấp dẫn, khả năng tiếp cận thị trường cũng rất tốt. Vừa qua, chúng tôi đã thống nhất bầu sản phẩm này làm sản phẩm OCOP 3 sao và là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Tôi nghĩ rằng trong tương lai, đây là sản phẩm có thể mở rộng và mang tính đặc thù cho địa phương”, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân đánh giá.

Thành viên mới đăng

Back
Top