Đổi tên thẻ ‘căn cước’, người đã có ‘căn cước công dân’ cần làm gì?

H
Home Content

Những thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1-7-2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, chỉ khi nào công dân có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Quốc hội vừa bấm nút thông qua Luật Căn cước thay cho Luật Căn cước công dân năm 2014, có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Theo Luật căn cước, thẻ “căn cước công dân” được đổi tên thành thẻ “căn cước”. Điều này đặt ra vấn đề về việc sử dụng thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân đã cấp ra sao.
Đối với vấn đề nêu trên, Luật Căn cước đã quy định điều khoản chuyển tiếp tại Điều 46.
Theo đó, người dân có thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15-1-2024 đến trước ngày 30-6-2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30-6-2024.
Ngoài trường hợp trên, những thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày 1-7-2024 có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Chỉ khi nào công dân có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.
Bên cạnh đó, trong các trường hợp phải cấp đổi thẻ căn cước, Điều 24 của Luật Căn cước cũng không quy định phải đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước nếu thẻ đang còn thời hạn sử dụng. 


Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự thảo Luật Căn cước sáng 27-11
Đối với chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng, luật quy định rõ sẽ được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.
Bên cạnh đó, các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.
Trước đó, theo báo cáo của UBTVQH, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước 1-7-2024 thì được sử dụng đến ngày 1-7-2025 (sau 1 năm kể từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực) để bảo đảm linh hoạt và phù hợp.
UBTVQH cho biết, hiện nay Bộ Công an đã cấp hơn 83 triệu thẻ căn cước cho công dân đủ điều kiện cấp thẻ căn cước, chỉ còn một số ít công dân sử dụng chứng minh nhân dân.
Do vậy, việc tiếp tục sử dụng chứng minh nhân dân không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên để quy định trên được cụ thể, rõ ràng hơn, tạo điều kiện cho người dân thực hiện một số giao dịch liên quan đến chứng minh nhân dân trong giai đoạn chuyển tiếp, dự thảo luật đã quy định như đã nêu trên( sau 6 tháng kể từ ngày Luật Căn cước có hiệu lực thi hành).
Quy định này cũng là cơ sở pháp lý để bảo đảm người dân chuyển sang sử dụng thẻ căn cước, tiến tới sử dụng căn cước điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia.
Back
Top