Du lịch Thừa Thiên Huế phát huy tiềm năng thế mạnh, nỗ lực vươn lên

H
Home Content

Thừa Thiên Huế lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một Kinh đô với những giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá với 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận .

Nơi hội tụ tinh hoa, điểm đến hấp dẫnthú vị với loại hình du lịch thông minh.

Nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một Kinh đô với những giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá với 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận; gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận ở các cấp; hơn 500 lễ hội; 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô (2019). Trong đó, di sản nghệ thuật Ca Huế đang được tỉnh xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Vẻ đẹp yên bình, cổ kính của xử Huế thơ mộng.

Thừa Thiên Huế là nơi duy nhất hội tụ đầy đủ các dạng địa hình của Việt Nam từ núi cao về biển khơi: rừng núi, vùng đồi, đồng bằng, đầm phá, biển. Thiên nhiên đã ban tặng những di sản thiên nhiên kỳ vĩ và thu hút cho vùng đất này như sông Hương, núi Ngự; hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tổng diện tích trên 22 nghìn ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á; Vườn quốc gia Bạch Mã còn nguyên vẹn; Vịnh Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới… Cũng chính hệ sinh thái đa dạng này, trong diễn trình phát triển của lịch sử đã tạo nên những nét đặc trưng rất riêng cho các cộng đồng dân cư ở Thừa Thiên Huế.

Thưởng ngoạn trên sông Hương bằng thuyền rồng để thưởng thức ẩm thực và các tiết mục ca Huế đặc sắc.

Ngoài các lễ hội đặc sắc, rất nhiều làng nghề truyền thống liên quan đến nông nghiệp, ngư nghiệp cũng được hình thành như: tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, đan đệm Phò Trạch, đan lát Bao La, gót Dạ Lê, nón Hương Cần, rượu làng Chuồn, gốm Phước Tích... Một đặc điểm nữa hết sức lý thú, đó là trong hệ sinh thái đồng bằng, Thừa Thiên Huế đã hình thành cho mình một hệ sinh thái vườn, “vườn hóa” cả đô thị Huế, nâng lên thành một nghệ thuật sống đầy minh triết. Vườn Huế chính là vườn văn hóa, vườn nhân văn. Không chỉ xuất hiện ở đô thị, mà còn ở các lăng tẩm, các lâm viên lớn như Thiên An, Bạch Mã…

Thiên nhiên ban tặng cho Huế một hệ sinh thái đa dạng và phong phú.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, Thừa Thiên Huế có những “gia tài” vô giá gắn với giá trị văn hóa của vùng đất, tỉnh đã từng bước xây dựng địa phương theo hướng đô thị di sản, văn hóa sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh với hạt nhân là Thành phố Huế - đô thị loại I, nơi đã từng là một trong 3 thành phố lớn của Việt Nam, hiện là thành phố di sản văn hóa thế giới, thành phố Festival, thành phố Văn hóa ASEAN; thành phố xanh, sạch, sáng theo hướng đô thị thông minh. Đặc biệt, di sản - văn hóa đã trở thành hạt nhân, luôn được quan tâm phục hồi, bảo tồn và khai thác hợp lý để phát triển du lịch bền vững. Đây cũng là nền tảng chính của phát triển du lịch Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua.

Du khách rất hứng thú với làng nghề đan lát Bao La tại Thừa Thiên Huế.

Bên cạnh đó, Thừa Thiên Huế đang đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, đặc biệt là triển khai loại hình du lịch thông minh. Nhằm tăng tiện ích cho khách du lịch, đã tập trung dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide/ minh họa qua quét QR) phục vụ khách du lịch tham quan quần thể di tích Cố đô Huế và các điểm đến khác; hệ thống xe đạp thông minh; giải trí thực tế ảo VR, VR 360, thực tế ảo tăng cường; trang bị hạ tầng du lịch thông minh; các ki ốt cung cấp thông tin và xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh; đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, triển khai vé điện tử... để tạo tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch khi đến Huế. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành du lịch địa phương với phương châm: quản lý thông minh, trải nghiệm thông minh và quảng bá thông minh. Hiện nay, Thừa Thiên Huế là một trong những điểm đến thí điểm triển khai loại hình du lịch thông minh của cả nước.

Chùa Thiên Mụ - Một trong những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Huế.

Du lịch Thừa Thiên Huế phát huy tiềm năng thế mạnh, nỗ lực vươn lên

Dịch bệnh COVID-19 đã tác động rất nhiều đến xu hướng, nhu cầu và hành vi của khách du lịch trong và ngoài nước. Nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc triển khai việc cấp thẻ và quét mã QR cho các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, khai báo y tế liên thông. Đặc biệt, địa phương đã đẩy mạnh việc tiêm vắc xin cho toàn bộ cán bộ công nhân viên, người lao động trong ngành du lịch - dịch vụ trên địa bàn tỉnh để đảm bảo an toàn cho cộng đồng và khách du lịch.

Thừa Thiên Huế thường xuyên tổ chức các lễ hội truyền thống đặc sắc, thu hút rất nhiều khách thập phương.

Thường xuyên tiến hành các đợt thanh tra liên ngành nhằm chấn chỉnh trật tự an toàn tại các điểm du lịch, điểm tham quan, các khu vực tập trung nhiều cơ sở kinh doanh du lịch.Công tác đảm bảo an ninh an toàn tính mạng và tài sản của khách được thực hiện khá tốt, không để xảy ra tình trạng cướp giật tài sản trên đường phố, tại các nơi công cộng và tại các điểm tham quan du lịch. Các doanh nghiệp du lịch tăng cường công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, niêm yết giá dịch vụ, đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn.

Sắc màu Lễ hội khinh khí cầu Huế.

Nguồn nhân lực du lịch được quan tâm, chất lượng ngày một tốt hơn. Chú trọng hình thành đội ngũ lực lượng thuyết minh viên, hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng; Tăng cường liên kết, tạo điều kiện để ba nhà “nhà trường - nhà nước - nhà doanh nghiệp” liên kết đào tạo chuyên ngành du lịch có chất lượng cao trong thời kỳ mới.

Lễ hội áo dài tại Huế được tổ chức rất hoành tráng và quy mô.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du Lịch Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị đã thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND, ngày 17/3/2022 của UBND tỉnh về thực hiện việc mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế và nội địa, triển khai các hoạt động phục hồi, kích cầu du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngành du lịch đã tập trung các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu mang tính đặc trưng, có tính trọng tâm để kích cầu du lịch trong và ngoài nước như: Triển khai định hướng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường: sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...; xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, sinh thái là sản phẩm OCOP.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế hưởng ứng đạp xe trên các tuyến đường.

Đồng thời, Sở Du lịch đã tập trung triển khai hiệu quả và quảng bá các lễ hội, sự kiện cho Festival 4 mùa, góp phần tạo sự thường xuyên, liên tục các sản phẩm của Huế, đặc biệt lưu ý công tác tuyên truyền, quảng bá hợp lý cho khách du lịch quốc tế. Nghiên cứu đề xuất khai thác các loại hình dịch vụ du lịch dọc hai bờ sông Hương. Mở cửa Đại Nội về đêm; tăng các sản phẩm, dịch vụ trong các điểm di tích. Đưa vào khai thác phố đêm Hoàng Thành vào tháng 4/2022; sản phẩm Hop On – Hop Off; dịch vụ xe đạp công cộng, xe đạp thông minh (các điểm: Tòa Khâm, Nghênh Lương Đình, Eo Bầu,…).

Ngoài ra, triển khai các sản phẩm du lịch mới các địa phương như ở khu vực cầu Ngói, Vân Thê; các điểm du lịch suối thác,… Xây dựng chương trình tour roadshow mở rộng khai thác thị trường khách Thái Lan đến Huế qua đường hàng không Thai Vietjet. Phối hợp với Công ty Vietsoftpro triển khai các ứng dụng về dịch vụ du lịch thông minh bước đầu thí điểm hệ thống xe đạp thông minh tại Làng cổ Phước Tích và một số khu vực trên địa bàn thành phố Huế. Bên cạnh đó, đơn vị còn tổ chức thử nghiệm tour khép kín sử dụng phương tiện xanh thân thiện môi trường: trải nghiệm áo dài trên xe xích lô và xe điện tham quan trải nghiệm bối cảnh phim trường ở thành phố Huế. Đưa vào khai thác sản phẩm Phố đêm khu vực Hoàng thành Huế tạo sản phẩm du lịch về đêm.

Đến Huế, không chỉ để trải nghiệm ẩm thực cung đình, tham quan các điểm di tích mà du khách còn được thỏa sức diện những bộ áo dài truyền thống để chụp ảnh lưu niệm.

Đồng thời, đơn vị còn xây dựng, phát triển một số tour, sản phẩm du lịch gắn với các làng nghề truyền thống như làng gốm Phước Tích, làng nón Phú Cam, đúc đồng Phường Đúc, điêu khắc Mỹ Xuyên, đan lát Bao La, hoa giấy Thanh Tiên, Thanh Toàn, Ghành Lăng, Parle, A Nôr, A Roàng,... Một số tour du lịch về nguồn, thăm lại chiến trường xưa, du lịch đồng quê, du lịch kết hợp chữa bệnh tại các khu nước khoáng (Thanh Tân, Mỹ An...), các loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc miền núi, các tour du lịch homestay tại khu vực thành phố Huế và phụ cận.

Nghề làm hoa giấy Thanh Tiên xuất phát từ tín ngưỡng dân gian xưa (Làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang tỉnh TT-Huế).

Đồng chí Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ thêm, từ Quý I năm 2022, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế đã có dấu hiệu khả quan hơn, đạt gần 300 ngàn lượt; trong đó khách quốc tế đạt 4.662 lượt. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 500 tỷ đồng. Trong 5 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến Huế đạt khoảng 715,287 ngàn lượt, trong đó khách quốc tế đạt khoảng 12,382 ngàn lượt. Tổng thu từ du lịch đạt khoảng 1.408 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt khoảng hơn 715.287 lượt, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khách nội địa đạt khoảng 702.910 lượt, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2021; khách quốc tế đạt khoảng 12.380 lượt, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2021. Khách lưu trú phục vụ ước khoảng 438.094 lượt, tăng 19,38% so với cùng kỳ. Doanh thu từ du lịch 6 tháng ước đạt khoảng 1.407 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2021. Công suất các phòng khách sạn ở Huế trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 29,74%./.

Back
Top