Hậu quả nặng nề nếu Ukraine sử dụng bom đạn chùm trong xung đột với Nga

H
Home Content

Quan điểm của Mỹ

Hôm 7/7/2023, sau nhiều tháng tranh luận, Tổng thống Mỹ Biden tuyên bố sẽ gửi đạn dược chùm cho Ukraine và đây là một phần trong gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD của Mỹ dành cho Ukraine.

Một loại đạn chùm. Ảnh: NBC News.

Tổng thống Mỹ Biden đã bảo vệ quyết định của mình về viện trợ bom đạn chùm cho Ukraine.

Ông Biden nói: “Cuộc chiến này liên quan đến đạn dược. Và họ đang cạn kiệt đạn dược… Tôi quyết định làm theo khuyến nghị của bên Bộ Quốc phòng. Tôi cho phép có thời kỳ chuyển tiếp”.

Ông Biden cho rằng hiện Ukraine chưa có vũ khí đáng kể nào để ngăn cản đà tiến của quân Nga. Ông nhấn mạnh: “Ngay lúc này đây cuộc phản công của Ukraine đang hết đạn dần, trong khi Mỹ không có nhiều dự trữ đạn pháo thông thường. Để ngăn Ukraine khỏi hết đạn và bị đánh bại, Mỹ phải gửi cho họ bom đạn chùm”

Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, Jake Sullivan, cũng đưa ra các nhận xét tương tự vào ngày 7/7. Ông nói rằng “có nguy cơ cao Nga sẽ chiếm thêm lãnh thổ Ukraine nếu Ukraine không có đủ pháo”.

Tổng cộng Mỹ đã cam kết hơn 38,3 tỷ USD viện trợ an ninh cho Ukraine kể từ thời kỳ đầu của chính quyền Tổng thống Biden, trong đó có hơn 37,6 tỷ USD kể từ khi Nga mở màn chiến dịch quân sự tấn công Ukraine vào ngày 24/2/2022, theo Bộ Quốc phòng Mỹ. Mỹ chính là nước hậu thuẫn lớn nhất cho Ukraine.

Nỗi e sợ bom chùm ngay trong nội bộ liên minh phương Tây

Lần đầu tiên kể từ khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine (đã vượt mốc 500 ngày), những rạn nứt lớn đã xuất hiện trong cách tiếp cận của liên minh phương Tây đối với việc vũ trang cho Ukraine,

Thông báo nói trên của Tổng thống Biden lập tức gây ra cảm giác bất an trong các đồng minh chủ chốt của Mỹ, bao gồm Canada, Tây Ban Nha và New Zealand cũng như tạo ra một số tranh cãi từ phía Đức.

Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles nói: “Nói không với bom đạn chùm và nói có với việc phòng thủ hợp pháp cho Ukraine, nghĩa là điều đó được thực hiện mà không sử dụng đạn bom chùm”. Trong khi đó, New Zealand tuyên bố loại bom đạn này có thể gây ra “tổn thất lớn cho người dân vô tội”.

Tranh cãi về bom đạn chùm xảy ra vào lúc phương Tây cũng đang bị chia rẽ về việc Ukraine xin gia nhập khối quân sự NATO.

Nội bộ các đồng minh của Mỹ có thể tránh được mối bất hòa về bom đạn chùm nếu các nước phương Tây khẩn trương hơn trong việc viện trợ các loại vũ khí sát thương khác cho Ukraine. Trong lúc phương Tây chần chừ về viện trợ các loại vũ khí đó thì Nga đã tranh thủ thời gian để gia cố tuyến phòng ngự của mình và làm chậm đà tiến của quân đội Ukraine.

Giới quan sát phương Tây cho rằng cái Ukraine đang thực sự cần là tên lửa chính xác tầm xa chứ không phải là bom đạn chùm. Các tên lửa như thế bao gồm hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân đất đối đất (ATACMS) do Mỹ chế tạo, tên lửa này có tầm bắn tương tự như tên lửa Storm Shadow của Anh. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron cho biết, nước ông cũng sẽ cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, với tầm bắn chỉ kém ATACMS.

Hiểm họa lâu dài đối với Ukraine nếu lựa chọn đạn chùm

Bom đạn chùm là thứ vũ khí bị hơn 120 nước, bao gồm 23 nước thành viên NATO, cấm dựa trên Công ước năm 2008 về Bom đạn chùm.

Vào tháng 6 vừa qua, một liên minh 38 tổ chức (bao gồm tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Quỹ nước Mỹ dành cho UNICEF) đã hối thúc Nhà Trắng “tiếp tục kiên định” chống lại việc chuyển giao đạn bom chùm.

Một bức tâm thư của liên minh này có đoạn: “Bom đạn chùm nằm trong số các vũ khí có hại nhất cho dân thường, bởi chúng được thiết kế để phát tán không phân biệt lên một khu vực rộng lớn và thường không phát nổ ngay, mà nằm rải rác trong cộng đồng, rồi tiếp tục gây thương vong cho dân thường, đặc biệt là trẻ em sau khi chiến tranh đã kết thúc rất lâu”.

Những người phản đối bom đạn chùm cho biết, trên thực tế, thứ đạn dược chết người này vẫn nằm âm thầm ở Đông Nam Á, nhiều thập kỷ sau khi bom được thả.

Nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng có khoảng 40% nạn nhân của bom đạn chùm là trẻ em - các em đã tử vong hoặc thương tật do bom đạn loại này rất lâu sau khi tiếng súng chiến tranh đã ngưng.

Tác giả Michael Bociurkiw cho biết, ông đã có nhiều năm làm nhiệm vụ phát ngôn viên cho UNICEF, bao gồm cả phát ngôn viên toàn cầu ở Geneva, bảo vệ quan điểm của tổ chức này chống lại bom đạn chùm.

Giới chức Mỹ cho biết, kho đạn bom chùm mà họ định dành cho Ukraine có tỷ lệ câm thấp, chỉ 2,35% hoặc thấp hơn. Nhưng giới phê bình cho rằng tỷ lệ câm thực sự của số vũ khí Mỹ này lên tới 23%, tức là sẽ rất nguy hiểm cho dân thường sau này.

Với tỷ lệ câm lớn, các bom đạn chùm chưa nổ ngay này sẽ nằm im lìm trong đất trong nhiều tuần hoặc nhiều năm liền và sẽ chỉ phát nổ khi có dân thường vô tình giẫm lên hoặc cầm lên thiết bị nổ. Tổ chức Chữ thập Đỏ và các tổ chức khác lưu ý rằng trẻ em dễ bị tổn thương nhất trước loại vũ khí này vì các em thường nhầm chúng với quả bóng hay các đồ chơi cầm tay do kích thước và hình dạng của “bom bi” (bom con tách ra từ bom mẹ).

Nếu sử dụng, đạn bom chùm có thể mang lại cho Kiev lợi thế tạm thời trên chiến trường. Nhưng khi xung đột vũ trang kết thúc, di sản chết chóc của loại vũ khí không phân biệt mục tiêu như thế này sẽ tồn đọng trong đất đai Ukraine rất nhiều năm tiếp theo.

Back
Top