Nội dung đồng đội hỗn hợp ở môn cầu lông lần đầu xuất hiện ở SEA Games. Nội dung này sẽ diễn ra theo thể thức đánh 5 séc, thắng 3, gồm các trận đấu đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ và đôi nam nữ.
Nhưng vấn đề ở chỗ, nước chủ nhà Campuchia chỉ cho phép các quốc gia chưa từng giành huy chương SEA Games ở môn cầu lông đăng ký tham gia nội dung này. Do đó, chỉ có 5 nước được tham dự là Campuchia, Lào, Brunei, Timor Leste và Myanmar.
Trong khi đó, những quốc gia từng có vận động viên giành huy chương là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Singapore đều không được phép đăng ký. Điều này tạo điều kiện cho những quốc gia còn lại có huy chương vàng đầu tiên ở môn cầu lông tại SEA Games.
Vì không thể cạnh tranh ở các nội dung còn lại ở môn cầu lông (đơn nam, đơn nữ, đôi nam, đôi nữ, đôi nam nữ, đồng đội nam, đồng đội nữ) nên nước chủ nhà Campuchia đặt quyết tâm cao giành huy chương vàng ở nội dung đồng đội hỗn hợp. Thậm chí, cầu lông Việt Nam còn chưa giành tấm huy chương vàng nào ở môn cầu lông tại SEA Games.
Cầu lông Việt Nam đặt mục tiêu giành 1-2 huy chương đồng tại SEA Games 32. Đáng chú ý, tay vợt kỳ cựu Nguyễn Tiến Minh không tham dự giải. Niềm hy vọng của cầu lông Việt Nam dồn vào những cái tên như Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát, cặp đôi Đỗ Tuấn Đức và Phạm Hồng Nam.
Theo dự kiến, môn cầu lông ở SEA Games 32 sẽ diễn ra từ ngày 8/5 tới ngày 16/5. Ở SEA Games 31, cầu lông Việt Nam giành được 3 huy chương đồng ở các nội dung đơn nam, đôi nam và đồng đội nữ. Trong khi đó, đoàn Thái Lan giành 4 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng. Tiếp theo là Indonesia với 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 5 huy chương đồng. Đứng thứ ba là Malaysia với 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 1 huy chương đồng.
Xem nhanh
, 18/01/2025