Kiên Giang sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia

H
Home Content

Phát triển mạnh về kinh tế biển

Sáng 23/12, tại TP Rạch Giá, UBND tỉnh Kiên Giang đã long trọng tổ chức hội nghị công bố Quyết định số 1289/QĐ-TTg 3/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự và chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Theo đó, sẽ tập trung khai thác hiệu quả lợi thế về biển, đảo, vị trí tiếp giáp với biển Tây để xây dựng Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển của quốc gia.

Thành phố Phú Quốc là đô thị biển đảo độc đáo, đặc sắc, trung tâm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển - đảo tầm cỡ khu vực và quốc tế. Phát huy tuyến hành lang kinh tế phía Nam thuộc tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng để cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối, thúc đẩy giao lưu, giao thương quốc tế với các nước trong khu vực. Tập trung phát triển chuỗi đô thị ven biển, hướng biển để kết nối mạnh mẽ các hoạt động kinh tế - xã hội giữa đất liền với hải đảo. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu tham quan mô hình quy hoạch khu đô thị hiện đại do Tập đoàn tư vấn xây dựng Kiên Giang - CIC Group thực hiện tại thành phố biển Phú Quốc. Ảnh: Trung Chánh.

Đến năm 2030, Kiên Giang là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng ĐBSCL, là trung tâm kinh tế biển của quốc gia. Các thành phố Rạch Giá - Hà Tiên - Phú Quốc là tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại và dịch vụ hướng biển. Trong đó, thành phố Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới, Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh và thành phố Hà Tiên là đô thị di sản. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt 127 triệu đồng/người/năm.

Đến năm 2050, Kiên Giang trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của Quốc gia, là cửa ngõ, đầu mối giao thông, giao thương, giao lưu quốc tế quan trọng. Thành phố Phú Quốc là trung tâm du lịch, dịch vụ tổng hợp, du lịch sinh thái biển - đảo đặc sắc, với nhiều giá trị khác biệt, đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hóa dân tộc và giá trị di sản, lịch sử của tỉnh được bảo tồn và thể hiện rõ nét.

Xúc tiến đầu tư vào Kiên Giang

Tại hội nghị, UBND tỉnh Kiên Giang đã triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có thế mạnh, với các chính sách ưu đãi đầu tư. Cụ thể, trước sự chứng kiến của Thường trực Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương, UBND tỉnh Kiên Giang đã trao 11 quyết định đầu tư cho các tập đoàn, doanh nghiệp, trao 18 biên bản ghi nhớ đầu tư đã được ký kết cho các doanh nghiệp đang có tìm hiểu, nghiên cứ đầu tư vào Kiên Giang.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm OCOP tiêu tiêu của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Cụ thể, các dự án đầu tư vào Kiên Giang tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất lúa chất lượng cao, nuôi trồng thủy sản trên biển, chế biến nông thủy sản, điện gió, điện mặt trời, vật liệu xây dựng, bất động sản và du lịch.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, các dự án đầu tư sẽ bám sát với quy hoạch vừa được công bố. Theo đó, sẽ tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững. Chú trọng phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tích hợp các giá trị văn hoá, xã hội và môi trường vào sản phẩm.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trao biên bản ghi nhớ ký kết đầu tư vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao cho Công ty CP tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Trung Chánh.

Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ theo hướng tăng giá trị kinh tế sản phẩm. Gắn kết sản xuất, thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng, kết hợp với thương mại, dịch vụ logistics, du lịch sinh thái nông nghiệp, công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.

Đẩy mạnh hoạt động nuôi biển theo hướng hiện đại, bền vững và gắn với các ngành kinh tế biển khác, bảo vệ môi trường sinh thái và quốc phòng, an ninh. Chú trọng áp dụng khoa học công nghệ vào quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và hoạt động của đội tàu khai thác, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng nghề cá tại các ngư trường, hải đảo.

Cần linh hoạt trong thực hiện quy hoạch

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, tỉnh Kiên Giang cần sớm có kế hoạch thực hiện quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Xem đây là căn cứ, là cơ sở để định hướng phát triển, nhưng cần linh hoạt, không cứng nhắc. Trên quy hoạch tổng thể, tỉnh cần có quy hoạch của các Sở, ngành, các địa phương và thực hiện đồng bô với quy hoạch vùng.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ ra những khó khăn, trở ngại mà Kiên Giang cần khắc phục để tăng tốc phát triển, đó là cơ sở hạ tầng còn yếu kém, kết nối giao thông chưa tốt. Ảnh: Trung Chánh.

Phó Thủ tướng cho biết khá bất ngờ với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà tỉnh Kiên Giang đạt được trong thời gian qua. Nền kinh tế của Kiên Giang khá đa dạng cả về ngành nghề, lĩnh vực, với lợi thế về vùng biển rộng hơn 63.000km2, bờ biển dài, tạo điều kiện để phát triển kinh tế biển, nhất là du lịch biển đảo mà nổi bật là đảo ngọc Phú Quốc. Nông nghiệp Kiên Giang phát triển đứng đầu ĐBSCL, với 2 sản phẩm có sản lượng lớn là lúa gạo hơn 4,5 triệu tấn/năm, thủy sản đánh bắt và nuôi trồng đạt hơn 800.000 tấn.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những khó khăn, trở ngại mà Kiên Giang cần khắc phục để tăng tốc phát triển. Đó là hạ tầng giao thông còn yêu kém, kết nối chưa tốt. Tỷ trọng công nghiệp còn chiếm tỷ lệ thấp trong nền kinh tế. Tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn, việc quản lý chưa hiệu quả, vẫn còn nhiều tàu vi phạm khai thác IUU, dẫn đến khó khăn trong khắc vụ thẻ vàng chung của cả nước.

Để giải quyết những khó khăn trên, Phó Thủ tướng lưu ý đối với Kiên Giang những điểm sau: Về phát triển hệ thống giao thông, Trung ương đã có chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA, dự án đường ven biển Kiên Giang – Cà Mau tổng mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng từ vốn vay Ngân hàng Tái thiết Đức và dự án quốc lộ 63 đi qua Kiên Giang – Hậu Giang – Cần Thơ, vốn đầu tư 2.7000 tỷ đồng vay Ngân hàng ADB. Nhiệm vụ của tỉnh là phải tham gia giải phóng mặt bằng nhanh khi dự án được triển khai. Ngoài ra, Kiên Giang cần chủ động thực hiện các dự án giao thông đường bộ của tỉnh để kết nối với các dự án trung ương đầu tư. Chú trọng phát triển giao thông đường thủy vì có chi phí đầu tư thấp, khai thác được lợi thế hệ thống sông ngòi và vùng biển rộng.

Tập đoàn Australis nhận quyết định đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước biển được giao là 420ha tại vùng biển Kiên Giang. Ảnh: Trung Chánh.

Về các dự án đầu tư, theo Phó Thủ tướng, Kiên Giang cần tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông, thủy sản để nâng cao giá trị. Có chính sách khuyến khích đầu tư vào nuôi trồng thủy sản trên biển, vì đây là giải pháp bền vững, giảm áp lực cho khai thác. Thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời. Các dự án đầu tư về bất động sản, cần chú trọng các dự án lấn biển, kể cả ở các đảo, để mở thêm quỹ đất. Khai thác tối đa lợi thế để phát triển các dự án du lịch, nhất là du lịch chất lượng cao tại Phú Quốc, với “3 chữ Đ” là: Đẹp - Độc (độc đáo) - Đáng (đáng đồng tiền) để thu hút du khách.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý trong thực hiện quy hoạch cũng như kêu gọi các dự án đầu tư, địa phương cần có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Dễ thấy nhất là nước biển dâng nhưng lại sự suy giảm nguồn nước ngọt đổ về ĐBSCL trong mùa nước nổi, thiếu hụt lượng phù sa bồi đắp và mất nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Điều này tác động lên cả hệ sinh thái vùng ĐBSCL, gây trở ngại lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.

Back
Top