Theo chuyên gia, vệt sáng lạ trên bầu trời ngày 26/12 có hình thù vệt khí do khí nóng động cơ đẩy máy bay hoạt động theo cơ chế hình phễu nằm ngang, tức không khí từ tâm tỏa ra hai bên tạo ra vệt hình thù tương tự.
Không phải là hiện tượng tự nhiên
Sáng 26/12, mạng xã hội chia sẻ rầm rộ về một "hiện tượng lạ trên bầu trời" miền Bắc khiến nhiều người tò mò. Theo đó, có một vật thể phát sáng trên bầu trời lúc rạng sáng. Khi di chuyển, vật thể tạo nên hình giống con sứa mờ ảo cũng như để lại một vệt sáng dài phía sau cùng.
Các hình ảnh được chia sẻ có thể thấy, vệt sáng lạ trên bầu trời gồm 2 phần, có hình dạng như một dải dài uốn khúc và phần đuôi tản rộng giống như một luồng khí đang di chuyển.Theo các thông tin chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người dân tại các địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa... đều nhìn thấy vệt sáng lạ này. Trên các bài đăng, nhiều người tỏ ra tò mò về vệt sáng lạ trên bầu trời, kèm theo đó là những suy đoán về hiện tượng lạ.
Vệt sáng lạ trên bầu trời được nhiều người nhìn thấy sáng 26/12Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đây không phải là hiện tượng tự nhiên. Vệt hình phễu trên bầu trời có thể do động cơ máy bay phản lực có thể đang thực hiện nhiệm vụ hoặc tập luyện vào sáng sớm hoặc tên lửa (tên lửa đẩy phóng vệ tinh) trong giai đoạn tăng tốc.
Ông Huy giải thích, máy bay khi di chuyển chậm bất ngờ tăng tốc sẽ tạo ra luồng khí ép mạnh. Khi luồng khí này xả vào không khí gặp hơi lạnh đột ngột từ môi trường tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ nhanh làm ngưng tụ hơi nước. Điều này tạo ra vệt không khí có hình thù lạ mắt, khiến nhiều người nghĩ là hiện tượng tự nhiên.
Theo TS Huy, hình thù vệt khí do khí nóng động cơ đẩy máy bay hoạt động theo cơ chế hình phễu nằm ngang, tức không khí từ tâm tỏa ra hai bên tạo ra vệt hình thù tương tự. Hình thù vệt tùy thuộc vào trạng thái hoạt động của động cơ máy bay. Hiện tượng tạo vệt khí khi máy bay hoạt động chỉ xảy ra khi máy bay tăng giảm tốc độ đột ngột trong vùng có nhiệt độ môi trường thấp, tức 0 độ C hoặc thấp hơn và trời không có gió mạnh.
Theo một chuyên gia tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đây có thể gọi là hiện tượng "sứa không gian". Sứa không gian (hay sứa UFO; còn gọi là sứa tên lửa) là một hiện tượng liên quan đến phóng tên lửa thường được xác định nhầm là UFO ngoài hành tinh. Hiện tượng này được gây ra bởi ánh sáng Mặt Trời phản chiếu các vệt khói tên lửa tầm cao phát ra từ tên lửa phóng, vào lúc chạng vạng sáng sớm trước Mặt Trời mọc hoặc chiều tối sau Mặt Trời lặn. Người quan sát bị che khuất trong bóng tối, trong khi ở độ cao lớn, ánh sáng Mặt Trời có thể phản xạ lại khí thải đang được thắp sáng trước khi bình minh lên đến độ cao thấp hơn hoặc sau khi hoàng hôn đã rời khỏi độ cao thấp hơn, do độ cong của Trái Đất và sự quay của nó gây ra chu kỳ ngày đêm. Sự xuất hiện phát sáng này trông giống hình ảnh một con sứa.Hiện tượng phá vỡ bức tường âm thanh
Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam cho rằng đây là hiện tượng phá vỡ bức tường âm thanh - một hiện tượng khí động học xảy ra khi một vật thể di chuyển nhanh hơn vận tốc âm thanh (khoảng 343 m/s trong điều kiện khí quyển khô và và nhiệt độ là 20 độ C). Khi một vật thể di chuyển rất nhanh, các đỉnh sóng âm do chính nó phát ra bị dồn lại theo hướng chuyển động, bởi chính nó liên tục đuổi theo sóng âm của chính mình. Nếu máy bay có vận tốc lớn hơn chính âm thanh, nó sẽ vượt qua đỉnh sóng mà tự nó tạo ra, khiến các đỉnh sóng bị chồng chéo đột ngột và gây ra một vụ nổ siêu thanh. Sự giảm áp suất đột ngột phía đuôi máy bay sau khi vụ nổ xảy ra thường tạo nên một đám mây trắng có hình dạng như trong hình lưu truyền trên mạng xã hội.
Theo ông Đặng Vũ Tuấn sơn, ngoài việc đây chẳng phải hiện tượng tự nhiên bí hiểm nào và càng không liên quan tới người ngoài hành tinh, thì bản thân công nghệ này cũng không phải đột phá gì mới mẻ. Người ta đã bắt đầu chế tạo những chiếc máy bay có khả năng phá vỡ bức tường âm thanh từ sau Thế chiến 2, và từ những năm 1950 thì chúng đã dần phổ biến và ngày càng hoàn thiện.
Nguồn:
SKĐS