Mến gái miền Tây: Đừng biến hình ảnh người đồng tính trở nên kệch cỡm, xấu xí

H
Home Content

Sau nhiều lần hoãn chiếu, dự án điện ảnh Mến gái miền Tây đã chính thức được ra rạp. Đây là bộ phim kể tiếp câu chuyện của series web-drama ăn khách Ghe bẹo ghẹo ai từng được Võ Đăng Khoa thể hiện rất thành công hồi năm 2019.

Bối cảnh câu chuyện Mến gái miền Tây diễn ra 12 năm sau khi Mến (Võ Đăng Khoa) và người chồng là Nhớ (Hoàng Nguyên) trải qua nhiều sóng gió mới đến được với nhau. Tuy nhiên, "bão tố" lại thích trêu ngươi những phận đời "bóng gió" khi Nhớ bất ngờ không chấp nhận được giới tính thật của vợ mình và ngoại tình với người con gái khác.

NỘI DUNG QUÁ SẾN

Mến gái miền Tây có nội dung được cho là tạm chấp nhận, đủ mở bài, thân bài, kết bài và không có nhiều cú twist. Tuy nhiên chính vì sự đơn giản ấy đã khiến phim không mang chút điện ảnh thuần túy nào mà chỉ xứng đáng là một series web-drama chiếu mạng để khán giả xem cho vui, nhất là các chị em được "Tổ độ" có chút gì đó gọi là... đồng cảm.

Yếu tố giải trí trong phim nói thẳng là quá cũ, quanh đi quẩn lại vẫn là những màn cãi nhau, giật chồng vì thiếu thốn tình cảm, hay hát lô tô hội chợ mà có quá nhiều những bộ phim khai thác về đề tài LGBT đều đề cập tới.

Có mâu thuẫn không khi nhân vật chính mới bị cha dượng mắng đã bỏ nhà đi, trong khi đây là nơi anh được sinh ra, và cũng là nơi thờ phụng cha ruột của mình - người mà Mến thương nhất. Còn "thằng bạn thân" vì chuyện được Mến đứng ra chịu tội thay lại chấp nhận sống chung đến tận 12 năm ròng rã, rồi bỗng một ngày lại cặp với một cô gái và tuyên bố rằng mình là... trai thẳng! Vậy logic nằm ở đâu?

Chưa kể cuối phim, Mến còn đến đám cưới của Nhớ để chúc mừng, cười nói vui vẻ, xưng hô Nhớ là "mấy người" như thể chưa hề có chuyện gì xảy ra. Chắc chắn ngoài đời chẳng ai vị tha đến mức nhường chồng cho tiểu tam dễ dàng đến vậy!

Xuyên suốt gần 2 tiếng của bộ phim, các tình tiết cứ trôi đều đều và không có sự bùng nổ tuyệt đối, nếu không muốn nói là... sến súa. Cứ nhân vật Mến buồn tình khóc lóc là trời đổ cơn mưa, nó giống như những MV ca nhạc cách đây chục năm mà khán giả thường thấy trên băng đĩa.

Còn việc cài cắm twist trong phim là quá dễ đoán được, đó là "tam giác tình yêu" của Mến - Nhớ và Bình An. Tuy nhiên việc trêu ngươi người xem về giới tính của nhân vật Mến, lúc "cong" khi "gồng", lúc để tóc dài, khi lại cắt tóc ngắn để quay lại hình ảnh của 12 năm trước như một cái tát vào mặt cộng đồng LGBT.

KỊCH BẢN QUÁ NHIỀU SẠN

Tạm gác câu chuyện "vặn vẹo" giới tính của Mến sang một bên thì phim còn một yếu tố không được lòng người xem chính là "bỏ túi" quá nhiều... sạn.

Nhân vật Bình An đúng là cũng thuộc dân lao động nhưng vóc dáng anh này rất nhỏ con, không thể vác bao gạo 30kg nhẹ tênh được. Hay khi Mến bị siết cổ đến chết, vẫn tranh thủ rao giảng đạo lý cho nhân vật Thêm.

Đúng là khi kề cận cái chết, con người thường có sức mạnh phi thường để giành lại sự sống, nhưng việc bị siết cổ khá lâu vẫn nói được, vực dậy được phần "con" của nhân vật Thêm thì quả thật quá... ảo. Chưa kể khi Mến bỏ nhà chạy sang gặp Dì 7 còn để lộ cả tiếng khóc được lồng tiếng đầy giả trân.

Ngoài ra, chi tiết những chú chim nhạn thi nhau rớt trên thuyền, báo hiệu điềm chẳng lành cũng xuất hiện rất giả. Chim vừa rớt xuống đã chết cứng đơ như thuở từ rất lâu thì chẳng ổn tí nào!

DIỄN XUẤT CỦA DIỄN VIÊN CÓ CỨU VỚT PHẦN NÀO?

Công bằng mà nói, Võ Đăng Khoa đã bỏ rất nhiều tâm huyết cho dự án Mến gái miền Tây nên diễn xuất của anh chàng cũng phần nào cho khán giả thấy được nỗ lực cho vai diễn này.

Mặc dù chưa bùng nổ vì Võ Đăng Khoa cũng chẳng phải là một diễn viên quá nổi đình nổi đám, thế nhưng việc nam diễn viên lăn xả, mạo hiểm đưa nhân vật Mến từ web-drama sang phim điện ảnh là điều mà không phải diễn viên trẻ nào cũng dám làm.

Tuy nhiên phải nói thẳng rằng Võ Đăng Khoa nên lượng sức mình nếu như còn có ý định làm phim điện ảnh. Vì nếu không có dàn diễn viên phụ như NSƯT Hoài Linh, Đại Nghĩa, Lê Giang,... cứu vớt cho sự duyên dáng của bộ phim thì Mến gái miền Tây chẳng khác nào thảm họa của màn ảnh Việt.

ĐỪNG BIẾN HÌNH ẢNH LGBT TRỞ NÊN XẤU XÍ

Có một lối mòn khó bỏ với những nhà làm phim chọn đề tài LGBT để khai thác là họ hay lấy hình ảnh người đồng tính lúc nào cũng trang diểm lòe loẹt, khao khát trở thành đàn bà, mê trai và làm trò cười cho thiên hạ. Điều này quả thật không đúng, không hay và khiến hình ảnh LGBT trong mắt những người vốn đã có định kiến trở nên xấu xí, kệch cỡm, lố lăng.

Người đồng tính cũng như bao người bình thường. Điều họ cần là sự công nhận những cố gắng chứ chẳng phải là sự thương hại như cách mà Mến gái miền Tây đang làm và cũng chẳng phải cụm từ để mang ra làm trò tiêu khiển.

Mến gái miền Tây cho thấy sự "tham lam" của nhà sản xuất khi mang các nhân vật từ chiếu mạng ra màn ảnh rộng. Mà tham thì... thâm, mọi thứ trở nên phản tác dụng. Từ một bộ phim web-drama được khán giả yêu thích, bỗng trở nên ác cảm trong mắt người xem.

Dạo quanh các fanpage, group bình luận phim ảnh, dễ dàng bắt gặp những dòng bình luận thể hiện sự khó chịu với cách mà Mến gái miền Tây khai thác. Công bằng mà nói bộ phim này không phải dở, tuy nhiên hình ảnh, nội dung cũ kỹ, không có sự sáng tạo khiến sự khó chịu của khán giả trở thành "giọt nước tràn ly".

Nhiều người so sánh Mến gái miền Tây với Lô Tô hay Thưa mẹ con đi. Đây đều là những dự án khai thác về người đồng tính, tuy nhiên nội dung của những bộ phim này tập trung đúng vào một chủ đề, một nhân vật chứ không lan man, dài dòng như cách mà Mến gái miền Tây đang làm.

Khán giả khó chịu với cách mà Mến gái miền Tây khai thác về người đồng tính.

Khán giả Việt lúc nào cũng sẵn sàng ủng hộ nền điện ảnh nước nhà, nhưng đừng bao giờ lợi dụng sự dễ chịu ấy. Các nhà sản xuất hãy đặt cái tâm, cái tầm của mình vào từng dự án, đừng hời hợt rồi dăm bữa nửa tháng lại xin khán giả giải cứu thì chẳng khác nào biến nền điện ảnh nước nhà ngày càng tuột dốc.

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả

Xem thêm: Diệu Nhi: 'Chuyện tôi bỏ sân khấu vì cát-sê thấp là không bao giờ xảy ra'

Back
Top