Mối lo của thủ khoa Đại học Kinh tế Quốc dân
Theo bài báo tôi đọc được ở báo VTC News, với tổng điểm 28,8, cháu Trần Quốc Tuấn (Thái Nguyên) đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu vào trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 2024. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui đạt được thành tích cao, Tuấn vẫn không khỏi lo lắng về học phí trong suốt 4 năm đại học. Gia đình Tuấn gặp khó khăn về kinh tế khi bố mẹ làm lao động tự do, và anh trai cũng đang học tại Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Tuấn chia sẻ, bố cháu từng khuyên nhủ hai anh em rằng dù có khó khăn, khổ cực, bố mẹ cũng sẽ tiết kiệm, dành dụm để con cái có cơ hội học hành. "Thậm chí, nếu phải bán đất, bán nhà, bố mẹ cũng sẵn lòng để lo cho hai anh em học", Tuấn kể lại. Chính những lời động viên đó đã trở thành động lực lớn để Tuấn không phụ lòng kỳ vọng của bố mẹ.
Câu chuyện của Trần Quốc Tuấn không chỉ phản ánh nỗi lo cá nhân mà còn là mối lo chung của rất nhiều sinh viên trên khắp cả nước. Học phí đại học ngày càng tăng, và điều này tạo ra áp lực tài chính không chỉ đối với những gia đình nghèo mà còn cả những gia đình có thu nhập trung bình. Thế nhưng chính sách vay vốn hiện nay không dành cho tất cả sinh viên mà chỉ ưu tiên cho hộ nghèo hoặc những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Phải để các sinh viên xuất sắc, nỗ lực học tập để vào được những trường đại học hàng đầu đứng trước viễn cảnh bỏ học chỉ vì không đủ tiền đóng học phí thật không đành một chút nào. Trong khi các ngân hàng đầy tiềm lực tài chính lại gần như đóng cửa với hầu hết sinh viên không thuộc diện hộ nghèo.
Chúng ta đang nói về việc đầu tư vào tương lai của đất nước. Sinh viên không chỉ là người tiêu thụ kiến thức mà còn là lực lượng lao động tương lai, những người sẽ đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của đất nước. Vậy nên chăng chúng ta mở rộng đối tượng sinh viên được tiếp cận các khoản vay ưu đãi để trang trải học phí? Một chính sách vay vốn cho tất cả sinh viên sẽ không chỉ giúp họ theo đuổi ước mơ mà còn là động lực để họ học tập và cống hiến nhiều hơn. Tất nhiên, đi kèm với đó là những chính sách ràng buộc đồng bộ để ngân hàng thu hồi vốn.
Không dừng lại ở đó, học bổng – thứ mà nhiều sinh viên giỏi kỳ vọng – cũng đang ở mức quá ít ỏi, chỉ như "muối bỏ biển". Một số trường có học bổng, nhưng số lượng này chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu của sinh viên. Đã đến lúc chúng ta cần những chính sách học bổng toàn diện và khuyến khích tài năng, thay vì chỉ tập trung vào những trường hợp đặc biệt. Điều này không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất, mà còn là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của sinh viên.
Chi phí học đại học đang tăng, và nếu có những thay đổi mạnh mẽ từ phía chính sách, hàng loạt sinh viên sẽ không phải lo lắng về gánh nặng tài chính cho bản thân và cho cả gia đình. Quan điểm thiển cận của tôi như vậy, không biết các bác nghĩ sao?