UAV hiện đại nhất Mỹ chưa bao giờ xuất khẩu, kể cả cho đồng minh
Từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, có những cuộc tranh luận sôi nổi về việc liệu Mỹ và NATO có can dự trực tiếp hơn vào cuộc xung đột hay không, hoặc liệu Mỹ có nên hỗ trợ cho Ukraine các hệ thống vũ khí và công nghệ quốc phòng nhạy cảm hay không. Cuộc xung đột ở Ukraine đã cho ngành quốc phòng Mỹ cơ hội thử nghiệm những cải tiến vũ khí mới nhất trên chiến trường trước một quốc gia hùng mạnh về quân sự, đồng thời làm hao hụt kho vũ khí của Nga – đối thủ của Washington.
"Cần phải đánh giá về việc Mỹ tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine: Liệu điều này có làm thay đổi tình hình chiến trường theo hướng có lợi cho Ukraine hay không? Liệu điều này có làm tăng rủi ro liên quan đến lập trường của Tổng thống Putin hay không?", Matt Duss, học giả tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế nhận định.
Trong những tháng qua đã có một cuộc tranh luận kín về việc chính quyền Tổng thống Biden có cho phép Ukraine mua MQ-1C Gray Eagle - UAV hiện đại nhất của Mỹ để ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga hay không.
Với khả năng phóng 4 tên lửa Hellfire hoặc 8 tên lửa Stinger, UAV MQ-1C Gray Eagle - phiên bản nâng cấp của UAV Predator đã được triển khai trong các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ ở Trung Đông, Afghanistan và châu Phi, đặc biệt là dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump. Không giống như các UAV Predator và Reaper, Mỹ chưa bao giờ chấp nhận xuất khẩu UAV Gray Eagle, thậm chí là cho các đồng minh.
Ngoài việc có tải trọng vũ khí lớn, UAV Gray Eagle còn có công nghệ tình báo và trinh sát tiên tiến, có thể hoạt động trên không trong vòng hơn 24 tiếng. Đây là một vũ khí lý tưởng để theo dõi các mục tiêu có giá trị cao hoặc tiến hành các cuộc tấn công tầm xa tại các vùng chiến sự mà không cần sử dụng máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình phóng từ biển hay lực lượng quân đội.
Thách thức của Ukraine từ các cuộc tấn công UAV dồn dập
Hiện nay, trong cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã sử dụng UAV cảm tử tấn công dồn dập vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Hồi tháng 9, Nga được cho là bắt đầu triển khai UAV Shahed-136 do Iran sản xuất để tiến hành các cuộc không kích vào các mục tiêu của Ukraine. Tổng thống Zelensky gần đây thông báo Moscow đã bí mật mua 2.400 UAV từ Iran với giá khoảng 20.000 USD mỗi chiếc và điều khiển các UAV bay tầm thấp để thoát khỏi hệ thống radar.
Trong khi đó, ông John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ngày 21/10 cáo buộc Nga đã nhận được hàng chục UAV từ Iran và sẽ tiếp tục tiếp nhận các đợt vận chuyển vũ khí này trong tương lai. Iran đã thừa nhận việc bán vũ khí cho Nga mặc dù nước này cho biết chúng không được trang bị đạn dược và điều này diễn ra trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Tehran cũng phủ nhận việc tiếp tục cung cấp vũ khí cho Moscow.
Học giả Francesco Salesio Schiavi trong một báo cáo gần đây cho Viện Nghiên cứu Chính trị Quốc tế Italy cho rằng: "Trong 8 tháng tiến hành chiến dịch quân sự, số lượng UAV của Nga bị hao hụt trong khi kho tên lửa hành trình tầm xa cũng đã sụt giảm.
Việc bổ sung kho vũ khí này có lẽ sẽ mất một vài năm để quay trở về mức trước xung đột, đặc biệt giữa bối cảnh các lệnh trừng phạt áp lên Nga hạn chế nước này tiếp cận các nguyên liệu công nghệ cao cần thiết do nước ngoài sản xuất. Ở giai đoạn hiện nay, sự hỗ trợ của Iran là một giải pháp tạm thời lý tưởng để nhanh chóng triển khai các UAV có chi phí tương đối thấp cho đến khi có nguồn cung mới hoặc khi vũ khí mới sẵn sàng được triển khai”.
Lý do Mỹ chưa sẵn sàng cung cấp UAV hiện đại nhất cho Ukraine
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine 700 UAV cảm tử được gọi là Switchblade có thể thực hiện các cuộc tấn công quy mô nhỏ nhằm vào các binh lính, phương tiện quân sự và máy bay cỡ nhỏ. Washington cũng hỗ trợ Kiev ít nhất 1.800 UAV cảm tử Phoenix Ghost có chức năng tương tự Switchblade. Ngoài ra, Ukraine cũng nhận được một số UAV giám sát và trinh sát như Puma và SanEagle từ Mỹ.
Trong khi đó, UAV Gray Eagle trị giá 10 triệu USD, về lý thuyết có thể hỗ trợ Ukraine tiến hành các cuộc tấn công vào sâu lãnh thổ Nga. Nhà sản xuất của Gray Eagle là General Atomics không che giấu về mong muốn cung cấp UAV này cho Ukraine.
"Nếu bạn nghĩ HIMARS thay đổi điều gì đó thì hãy thử triển khai Gray Eagle trên bầu trời và quan sát xem điều gì sẽ xảy ra tiếp theo", người phát ngôn General Atomics - Mark Brinkley đánh giá.
Chính quyền Tổng thống Biden và Lầu Năm Góc cho tới nay vẫn từ chối thông qua việc bán UAV trên cho Ukraine khi dẫn ra các mối lo ngại rằng nếu UAV này bị bắn hạ, công nghệ tiên tiến của nó, trong đó có hệ thống nhắm mục tiêu đa phổ (Multi-Spectral Targeting System) do Raytheon sản xuất có thể rơi vào tay Nga. Mỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng, hệ thống phòng không của Nga hiện đại hơn hẳn các hệ thống mà UAV Gray Eagle từng đối mặt trong các chiến dịch chống khủng bố của Mỹ.
General Atomics cho biết công ty này đã đưa ra đề nghị chi tiết nhằm giải quyết những mối lo ngại của Lầu Năm Góc liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ. Theo đó, công ty này sẽ thay đổi một số công nghệ để chúng trở nên ít nhạy cảm hơn trước khi chuyển cho Ukraine. Công ty này cũng cho biết đã vạch ra "các lựa chọn để tăng cường khả năng sống sót trên chiến trường" của UAV Gray Eagle.
Trong mùa hè vừa qua, dường như Nhà Trắng đã cân nhắc đến việc thông qua hợp đồng bán 4 UAV Gray Eagle cho Ukraine nhưng 2 tuần sau, Cơ quan An ninh Công nghệ Quốc phòng của Lầu Năm Góc - cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc buôn bán vũ khí nước ngoài và đánh giá những rủi ro tiềm năng với an ninh Mỹ, đã dừng quá trình trên do lo ngại về việc các công nghệ nhạy cảm rơi và tay đối phương.
Về phần mình, Ukraine vẫn tiếp tục hối thúc Nhà Trắng thông qua việc cung cấp UAV tiên tiến này. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine đã viết một bức thư ngày 2/11 nhắc lại mong muốn của Kiev về việc mua 4 UAV Gray Eagle. Tuy nhiên, ngày 9/11, Wall Street Journal đưa tin, chính quyền Tổng thống Biden sẽ không thông qua hợp đồng này do lo ngại việc bán UAV này có thể "làm keo thang xung đột và khiến Moscow nghĩ rằng Mỹ đang cung cấp vũ khí có thể nhắm vào lãnh thổ của Nga".
Một số thành viên Quốc hội Mỹ, công ty sản xuất UAV Gray Eagle là General Atomics và chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục vận động hành lang chính quyền Tổng thống Biden để thay đổi lập trường. Họ hy vọng Nhà Trắng sẽ thông qua việc cung cấp UAV trên cho Kiev với một số điều chỉnh.
New York Times gần đây đã có một bài phân tích về việc "Ukraine đang trở thành bãi thử các vũ khí hiện đại, các hệ thống thông tin và những cách thức mới để sử dụng chúng, những điều mà các chỉ huy quân đội và chính trị gia phương Tây dự đoán có thể định hình các thức tiến hành chiến tranh trong hàng thế hệ tới".
Trong một bài phát biểu qua video, Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov đã gọi UAV là "nhân tố thay đổi cuộc chơi" trong cuộc xung đột hiện nay, đồng thời nhận định, bằng việc sử dụng chúng với số lượng lớn, Ukraine có thể nhanh chóng giành chiến thắng hơn./.
Xem nhanh
, 27/11/2024