Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev ngày 25-12 cho rằng kho vũ khí hạt nhân và những nguyên tắc nước này đặt ra cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân là những yếu tố ngăn cản phương Tây phát động cuộc chiến chống Mát-xcơ-va.
Hệ thống tên lửa Iskander của Nga có thể mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Ảnh: Creative Commons
Ông Medvedev, người từng giữ chức Tổng thống Nga giai đoạn 2008-2012, chỉ trích phương Tây nỗ lực muốn chia cắt Nga vì lợi ích của Ukraine. “Liệu phương Tây có sẵn sàng tiến hành chiến tranh chính thức chống chúng tôi, bao gồm chiến tranh hạt nhân, vì Kiev hay không?”, ông viết trong bài báo đăng trên tờ Rossiiskaya Gazeta. Theo cựu Tổng thống Medvedev, vũ khí hạt nhân và chính sách về răn đe hạt nhân của Nga là những yếu tố ngăn cản phương Tây khai chiến với Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và các quan chức cấp cao nước này đã nhiều lần nói rằng chính sách về vũ khí hạt nhân của Nga cho phép họ sử dụng nếu có mối đe dọa đối với sự toàn vẹn lãnh thổ. Hồi đầu tháng 12, ông Putin cho rằng nguy cơ chiến tranh hạt nhân đang gia tăng, nhưng khẳng định Nga không “dại dột” và nước này xem kho vũ khí hạt nhân của mình chỉ là một biện pháp răn đe phòng thủ. Nga hiện sở hữu gần 6.000 đầu đạn hạt nhân (nhiều nhất thế giới), trong đó có 1.912 vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Việc sử dụng chỉ một vũ khí hạt nhân chiến thuật vẫn có thể tạo ra chuỗi phản ứng leo thang khủng khiếp. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 10 đã cảnh báo nguy cơ về “ngày tận thế” (Armageddon) hạt nhân ở mức lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 và Washington cũng đã nhắc nhở Mát-xcơ-va về “những hậu quả thảm khốc” nếu sử dụng vũ khí hạt nhân.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật, chiến lược
Mặc dù giới quan sát Nga nghi ngờ ông Putin chỉ đang “hù dọa” nhằm ngăn cản phương Tây hỗ trợ Ukraine, nhiều chuyên gia hạt nhân hàng đầu lưu ý rằng cần phải nhìn nhận nghiêm túc những đe dọa của chủ nhân Điện Kremlin. Các chuyên gia quân sự nhận định nếu sử dụng vũ khí hạt nhân, ông Putin nhiều khả năng sẽ triển khai một vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Ukraine, thay vì vũ khí hạt nhân chiến lược.
Vũ khí hạt nhân chiến thuật là những đầu đạn hạt nhân nhỏ cùng các hệ thống đưa đến mục tiêu, với mục đích sử dụng trên chiến trường hoặc tiến hành tấn công hạn chế. Chúng được thiết kế để phá hủy các mục tiêu đối phương trong một khu vực cụ thể mà không khiến bụi phóng xạ lan rộng. Đương lượng nổ của một vũ khí hạt nhân chiến thuật vào khoảng 10-100 kiloton. Nga cũng có vũ khí hạt nhân với đương lượng nổ chưa tới 1 kiloton. Một kiloton tương đương với 1.000 tấn thuốc nổ TNT. Quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Nagasaki của Nhật Bản năm 1945 có sức mạnh 21 kiloton, nhưng đã làm chết tới gần 74.000 người, trong khi quả bom thả xuống Hiroshima là 15 kiloton. Trong khi đó, các vũ khí hạt nhân chiến lược thì có sự hủy diệt lớn hơn (lên đến 1.000 kiloton) và sẽ được phóng từ tầm xa hơn.
Theo học thuyết hạt nhân chính thức được Nga công bố vào năm 2020, Mát-xcơ-va sẽ sử dụng vũ khí nguyên tử trong 4 kịch bản. Kịch bản đầu tiên là vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt được sử dụng để chống Nga và các đồng minh. Trường hợp thứ hai là xuất hiện hành động thù địch đe dọa sự tồn vong của Nga. Trường hợp thứ ba là tên lửa đạn đạo trên đường bay hướng tới Nga hoặc các đồng minh. Còn trường hợp thứ tư là một cuộc tấn công nhằm vào chính phủ hoặc quân đội, gây nguy hiểm cho năng lực phản ứng hạt nhân của Nga.
Ukraine không phải là cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sở hữu vũ khí hạt nhân, bao gồm Mỹ. Nga và Mỹ cùng nhau nắm giữ khoảng 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới.
Nga tuyên bố sẵn sàng nối lại việc cung cấp khí đốt cho châu Âu Ngày 26-12, hãng tin TASS của Nga dẫn phát biểu mới đây của Phó Thủ tướng Alexander Novak cho hay thị trường Liên minh châu Âu (EU) vẫn mở cửa cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, đồng thời cho biết thêm rằng trong 11 tháng của năm 2022 nguồn cung LNG đã tăng lên mức 19,4 tỉ m3. Phó Thủ tướng Nga cũng lưu ý rằng vẫn còn tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu, vì vậy Nga sẵn sàng nối lại nguồn cung cấp qua đường ống Yamal-châu Âu. Nga cũng tiến hành các cuộc đàm phán về việc tăng nguồn cung qua Thổ Nhĩ Kỳ sau khi một trung tâm khí đốt được thành lập ở nước này. |
Xem nhanh
, 11/01/2025