‘Người của giang hồ’ Nguyễn Hồng Lam ra mắt sách ‘Bản tình ca khúc khuỷu’

H
Home Content

Bạn văn chúc mừng Nguyễn Hồng Lam (ngoài cùng bên trái) ra mắt sách mới sau 17 năm. Ảnh: Đường sách TP.HCM

Tại Đường sách TP.HCM ngày 26-3,Người của giang hồ Nguyễn Hồng Lam đã có buổi trò chuyện với khán giả với chủ đề “Chạm ngõ đàn bà”. Tham dự còn có diễn giả Hà Thanh Vân cùng đông đảo bạn văn, học trò đến chúc mừng Nguyễn Hồng Lam.

Nổi tiếng với loạt bài báo và tác phẩm về những nhân vật trong giới giang hồ không chỉ ở Việt Nam mà khắp châu Á nhưng 17 năm nay Nguyễn Hồng Lam không ra một cuốn sách mới nào hết. Ngày anh trở lại, nhiều người thắc mắc pha chút tiếc nuối vì sao cuốn sách mới “Bản tình ca khúc khuỷu” của Nguyễn Hồng Lam “mỏng dính”, chỉ hơn 200 trang.

“Tim như bị bóp nghẹt khi đọc sách Nguyễn Hồng Lam”

“Đúng không thể ngờ được cuộc đời có những người phụ nữ như vậy. Nếu không va chạm, không thể có được những câu chuyện chạm đến cảm xúc như vậy”- Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng trải lòng.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng: "Tôi đọc và không thể rời nó ra được"

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến: "Có 2 người thành công sau trại viết văn: Minh Chuyên (viết về hậu chiến tranh) và Hồng Lam.

Rất nhiều bạn đọc tâm sự rằng: “Tim tôi bị bóp nghẹt khi đọc sách của Nguyễn Hồng Lam”. “Bản tình ca khúc khuỷu’ là tập hợp 16 truyện ký về “những con người thật, những sự việc đã xảy ra, những cuộc đời cụ thể đã bị số phận khắc dấu. Những người phụ nữ lầm lũi yêu thương, chịu đựng và hi sinh, nhận về những thua thiệt.

“Hai bà mẹ xóm Cồn” là câu chuyện có thể lấy nước mắt của những người đàn ông gai góc nhất”- diễn giả Hà Thanh Vân chia sẻ.

Chắc cũng vì vậy, mà ngay khi biết về câu chuyện, ông Duy Lợi (Võng xếp Duy Lợi) đã ngay lập tức ra thăm và lên kế hoạch xây ngôi nhà cho hai bà mẹ xóm Cồn. Hay chị Thanh Thuý (Hội trưởng Hội quán các bà mẹ) đã cùng các đồng nghiệp của mình về Hòn Kẽm mong chia sớt nỗi đau cùng người mẹ trong tác phẩm của Nguyễn Hồng Lam. “Hội quán đã xây một ngôi mộ gió để bà biết con bà nằm ở đó. Đất nước mình còn quá nhiều nỗi đau như vậy”- chị Thanh Thuý trải lòng.

Tiến sĩ Bùi Trân Phượng nói rằng bà chỉ mới nhận sách chưa đến 48 tiếng đồng hồ nhưng “tôi đọc và không thể rời nó ra được. Tôi đọc xong rồi”. “Với người đọc bình thường, đó là những câu chuyện hay xúc động. Với người nghiên cứu lịch sử, tôi thực sự biết ơn. Đọc cuốn sách của anh tôi biết ơn vì ngoài những cảm xúc, sách cho chúng tôi hiểu sâu hơn về con người, đất nước Việt Nam”- Tiến sĩ Bùi Trân Phượng chia sẻ.

Thư kí của những nỗi buồn

Hầu như các nhân vật trong “Bản tình ca khúc khuỷu’ đều buồn. Nỗi buồn lan trên từng con chữ, ám ảnh trong từng giấc ngủ. Nhiều người hỏi anh rằng: Có phải cuộc đời cơ bản là buồn hay không?

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam kí tặng bạn đọc

Rất nhiều người mang hoa đến từ sáng sớm để chúc mừng nhà báo Nguyễn Hồng Lam. Ảnh: HOÀ BÌNH

Trả lời vấn đề này, Nguyễn Hồng Lam nói rằng: “Chúng ta không kể phụ nữ hay đàn ông cũng đi tìm niềm vui sống, hướng về hạnh phúc. Nhưng thường thường hạnh phúc lặng lẽ, ít chia sẻ, còn nỗi buồn, người ta cố giấu cũng không được. Nên trong cuốn sách tôi có viết: “Niềm vui thì thoáng qua, nỗi buồn thì đọng mãi. Nỗi buồn mà không chia sẻ được thì càng buồn thêm. Tôi chỉ làm công việc chia sẻ. Đó là lý do cuốn sách đầy những nỗi buồn.

Thứ hai, nếu người khác hạnh phúc họ không cần đến tôi. Tôi không có thói quen xen vào hạnh phúc của người khác. Nhưng ngược lại, tôi sống để lắng nghe, tôi viết để chuyển tải. Vì vậy tôi viết để lắng nghe nỗi buồn của người khác".

Sách về những cuộc đời buồn nhưng không khiến người bi luỵ. “Đọc lại nhân vật, lặng để ngẫm. Ngoài đời còn có những thân phận như vậy, người ta vẫn tìm được hạnh phúc, ánh sáng dưới đường hầm, hạnh phúc dù chỉ là khoảnh khắc, khoảng lặng đó rất cần cho mỗi chúng ta. Cuộc sống xô bồ, những trang sách của Hồng Lam giúp người ta lắng lại”- nhà báo Đan Hà chia sẻ.

“Khi đọc văn anh Lam tôi luôn thấy cheo leo, ghềnh thác. Trong những câu chữ khách quan, tuôn xuống xót xa. Có một điều tôi luôn cảm nhận được khi đọc tác phẩm của anh Nguyễn Hồng Lam đó là bi kịch lạc quan, đằng sau bi thảm của thế nhân dường như vẫn thấy hi vọng, thấy niềm tin”- diễn giả Hà Thanh Vân trải lòng.

Tổng biên tập Nhà xuất bản phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng

Chị Thanh Thuý (Hội quán các bà mẹ) chia sẻ tại buổi giao lưu

Sách "Bản tình ca khúc khuỷu” của Nguyễn Hồng Lam

Cuộc trò chuyện tới trưa muộn mới kết thúc, rất nhiều người đã ở lại tới phút cuối chia vui cùng tác giả, xin chụp cùng anh một tấm ảnh kỉ niệm, xin chữ kí của anh. Phải nói thật là Nguyễn Hồng Lam không đẹp trai theo tiêu chuẩn "soái ca" hiện đại như nhiều thiếu nữ bấy giờ yêu thích. Anh gầy, cũng đã lớn tuổi, dù nét phong trần sương gió của kẻ giang hồ từng khiến trái tim bao người si tình thổn thức.

Điều níu chân rất nhiều người ở lại có lẽ bởi sự hóm hỉnh nhưng rất chân thật của một “gã giang hồ”. Sự duyên dáng trong những câu chuyện của diễn giả Hà Thanh Vân, của các bạn văn, độc giả thương mến Nguyễn Hồng Lam kể lại, và chắc chắn một điều rất nhiều người đến và ở lại tới trưa muộn vì “thương hiệu” Nguyễn Hồng Lam.

Back
Top