Người lính thời bình

H
Home Content

Sao giữa thời đại công nghệ phát triển, sự thuận lợi trong giao tiếp xóa nhòa mọi khoảng cách, lại có nỗi buồn, cô đơn như nhiều thập niên trước? Mang trong lòng thắc mắc ấy, tôi được chị thổ lộ: chị có chồng là sĩ quan quân đội thường xuyên được phân công nhiệm vụ đến những vùng khó khăn, thiên tai.

Mỗi năm, anh chỉ nghỉ phép ít ngày và gửi về gia đình chút tiền dành dụm. Chị ở nhà xoay xở với tiệm tạp hóa, lo cho con ăn học. Những đêm trằn trọc vì nhớ chồng, chị lại tâm sự trên trang cá nhân của mình. Với chị, bấy nhiêu cũng như được thủ thỉ cùng chồng, vơi bớt nỗi cô quạnh.

Thì ra, người lính và gia đình họ thời nào cũng thế. Có những điều tưởng như bình thường nhưng chỉ người trong cuộc mới cảm nhận được nỗi mất mát, thiệt thòi.

Có lần, nghe một người lính chia sẻ về việc phải luôn trong tư thế sẵn sàng bởi lệnh điều quân có thể đến bất cứ lúc nào và quãng thời gian cho phép chuẩn bị rất ngắn, tôi hỏi: “Đất nước đang hòa bình, sao phải căng thẳng như vậy?”. Người lính trả lời: “Anh sống bình thường mỗi ngày và không ai xâm phạm cuộc sống của anh. Đó là do anh được bảo vệ. Để bảo vệ cuộc sống bình thường đó, người lính chúng tôi phải luôn sẵn sàng chiến đấu”.

Thành quả của sự hy sinh ấy chỉ có thể đong đếm bằng cuộc sống được gìn giữ an toàn từng phút giây. Vậy nên, nếu hình ảnh những người lính hy sinh trong chiến tranh gợi sự hào hùng, bi tráng thì hình ảnh những người lính ngã xuống giữa thời bình gợi cảm giác ngậm ngùi, xót xa. Càng chạnh lòng hơn khi được gặp mặt những bà mẹ liệt sĩ vẫn còn khá trẻ. Chị Lê Thị Minh Thủy - 57 tuổi, ở tỉnh Khánh Hòa, một trong những Bà mẹ Việt Nam anh hùng trẻ nhất - là một trường hợp như vậy.

Chiều 29/4/2005, chồng chị - thượng tá không quân Dương Văn Thanh - đang huấn luyện học viên trên bầu trời vịnh Nha Trang thì máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Dù nhiều lần nhận được lệnh nhảy dù từ chỉ huy bay nhưng anh Thanh yêu cầu học viên nhảy dù trước, còn mình hướng máy bay ra phía biển, cố tránh lao vào khu du lịch trên đảo Hòn Tre đông người. Sau đó, anh hy sinh trong tư thế đang ngồi trong buồng lái khi lực lượng cứu hộ tìm thấy xác máy bay dưới đáy biển. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, ngày 18/10/2016, con trai của anh chị - thiếu tá phi công Dương Lê Minh - cũng hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ huấn luyện bay.

Trong cuộc chiến cam go với dịch COVID-19, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống khi làm nhiệm vụ cứu trợ hoặc trực tiếp điều trị cho bệnh nhân. Trước đó, 5 cơn bão, lụt gây sạt lở trong tháng 10, tháng 11/2020 đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 chiến sĩ và tướng lĩnh tham gia khắc phục hậu quả thiên tai.

Và còn biết bao sự hy sinh nữa. Phía sau những con số tưởng chừng khô khan ấy là những mất mát không gì bù đắp được.

Người lính ở mọi thời đều đi đầu, mở ra những con đường bằng phẳng, an toàn, bảo vệ dòng người đi sau, đồng thời chịu thương tổn bất cứ lúc nào. Sự hy sinh ấy luôn cần được trân trọng và đền đáp xứng đáng.

Và hơn thế, tinh thần hy sinh ấy cần được lưu giữ, làm lan tỏa ra toàn xã hội, để có thêm những tấm lòng, hành động vì cuộc sống chung, để nhân lên điều tốt đẹp, đẩy lùi dần cái xấu, cái tiêu cực.

Những hy sinh của người lính trong thời bình có điểm chung nhưng cũng gợi cảm nhận riêng so với những hy sinh của người lính trong chiến tranh. Sự chạnh lòng, thương cảm khi chứng kiến những hy sinh ấy cần được biến thành hành động để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Phạm Cường

Back
Top