"Người mẹ gàn dở" nuôi hơn 500 chú chó, mèo được cứu mạng từ lò mổ

H
Home Content

Khu đất nằm sâu trong con đường nhỏ ở vùng ngoại ô yên tĩnh của huyện Hóc Môn (TPHCM) là nơi trú chân của hàng trăm chú chó, mèo bị bỏ rơi, bị bán vào các lò giết mổ. Đàn chó, mèo chị Huỳnh Thị Như Quyên (44 tuổi) tìm kiếm, chuộc về chăm sóc nhiều năm nay và cưng chiều như con.

Hơn 5 năm qua, chị Quyên tất bật với việc cứu mạng, chăm sóc cho hàng trăm chú chó, mèo bị bỏ rơi hoặc bị bán vào các lò mổ.

Chị Quyên bắt đầu công việc này từ năm 2017. Chị kể, đến với công việc này cũng như một cái duyên và xuất phát từ tình yêu động vật:

"Hồi xưa tôi có một chú chó nuôi nhiều năm, sau đó nó bị bắt trộm, tôi và người thân tìm kiếm nhiều ngày nhưng không thấy. Trong quá trình tìm kiếm chú chó của mình, tôi thấy những chú chó, mèo khác bị bỏ rơi, bị tổn thương ở ngoài đường, bị bán vào lò mổ. Từ đó, tôi quyết định bắt đầu công việc tìm và chăm sóc chúng".

Chị Quyên nhớ lại, lần đầu tiên chị cứu được 47 con, lần thứ hai là 48 con. Chị phải tự bỏ tiền túi và nhờ thêm mạnh thường quân chung tay để mua lại mỗi con một triệu đồng từ các lò mổ.

Suốt 5 năm qua, để có tiền nuôi "các con", hàng ngày chị Quyên bán hủ tiếu gõ, góp nhặt từng đồng để có chi phí mua thức ăn và có thêm tiền đi giải cứu "các con" từ lò mổ về.

Quán hủ tiếu của chị Quyên có tên Quán hủ tiếu mồ côi, mục đích chính chị mở quán vì muốn có thêm thu nhập để lo cho đàn chó, mèo.

"Tuy thu nhập không nhiều nhưng tạm đủ để mua thêm thức ăn, gạo và thuốc men cho các con", chị Quyên nói.

Chia sẻ với PV Dân trí, chị Quyên cho biết hiện đã không còn đến lò mổ để cứu hộ chó, mèo nữa vì số lượng hiện tại đã quá nhiều, sợ rằng không thể chăm sóc nổi vì chi phí có hạn.

"Trước đây, mỗi lần đến lò mổ, tôi thường sẽ cứu hết, nhưng chi phí lại quá cao, tôi không thể cứu đứa này mà bỏ lại đứa kia. Nên tôi quyết định dừng lại, thay vào đó sẽ bỏ sức vào 2 xe hủ tiếu gõ, mỗi ngày kiếm được 1-2 triệu đồng để dành mua thức ăn cho chúng", chị Quyên bộc bạch.

Mỗi ngày, sau khi bán hủ tiếu đến trưa, chị đều qua thăm các "con" của mình ở một căn nhà nhỏ nằm ở huyện Hóc Môn (TPHCM). Mảnh đất rộng khoảng 2.000m2 được chị thuê lại để làm nơi cưu mang cho hơn 500 chú chó, mèo.

Nói về hành động "hiếm có, khó làm" này, chị Quyên nói nhiều khi cảm thấy đơn độc trên chính chặng đường mà mình đang đi. Dù có sự ủng hộ của chồng, con, nhưng nhiều lúc lại thấy cô đơn vì công việc mình làm nhiều người không thấu hiểu và không cảm thông.

"Từ khi tôi bắt đầu công việc này, không ít lần nghe được mọi người xung quanh nói tôi gàn dở vì suốt ngày đi chăm mấy con chó, mèo hoang, làm những việc không bình thường. Ngay cả người thân trong nhà cũng nói tôi khùng điên. Nhưng tôi cũng bỏ ngoài tai vì mình làm bằng cái tâm và sự chân thành", chị Quyên trầm ngâm.

May mắn, chị Quyên không "cô đơn" trên hành trình của mình, mà còn có người bạn đồng hành là ông Nguyễn Phước Trí (60 tuổi).

Ông Trí đã bén duyên với công việc này cách đây khoảng 4 năm trước, ban đầu hoàn toàn làm không công và vì thương cảm những chú chó, mèo bị bỏ rơi mà đến giúp chị Quyên.

Khoảng 2 năm gần đây, quán hủ tiếu chị Quyên có thu nhập ổn định hơn, chị bắt đầu hỗ trợ cho ông Trí mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng để ông lo tuổi già.

Theo ông Trí, ông đến với công việc này cùng vì lòng yêu thương động vật, có duyên đến và gặp được chị Quyên, rồi gắn bó với công việc này suốt 4 năm qua.

Hằng ngày ông Trí đều túc trực tại trại cứu hộ này 24/24h. Công việc chủ yếu là cho chó, mèo ăn, dọn dẹp vệ sinh và chăm sóc sức khỏe cho chúng.

"Ban đầu tôi thấy Quyên làm một mình, số lượng chó mèo lại quá nhiều, nên tôi qua hỗ trợ, nhưng càng làm càng yêu quý bọn nó hơn, rồi gắn bó lúc nào không hay", ông Trí nói.

Đàn chó mèo được cho ăn 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi tối. Theo ước tính của chị Quyên thì mỗi ngày "đàn con" của chị sẽ ăn khoảng 65kg gạo và 20kg thịt heo. Ngoài ra, chúng còn được ăn thêm cám viên vào các bữa phụ.

Anh Vũ Xuân Thái Sơn (chồng chị Quyên), cũng là người đồng hành cùng chị từ những ngày đầu tiên. Anh Sơn cho biết, thời gian đầu anh đi làm mang tiền cho vợ, vợ lén lấy tiền đi giải cứu các "con" trong lò mổ.

"Ban đầu một vài con, sau đó càng nhiều hơn, hồi trước tôi cũng không đồng ý nuôi quá nhiều, nhưng sau thấy chúng nó đáng thương, càng cứu nuôi càng thương, vậy là tôi theo phụ giúp vợ luôn từ đó tới nay", anh Sơn chia sẻ.

Mỗi khi chị Quyên tới thăm, cả đàn chó hàng chục con lao tới vây quanh như thể chị là mẹ của chúng.

Khu vực trú ngụ của các "con" được chị làm mái che, kê chõng tre lên cao.

Theo chị Quyên, mọi thứ đã tạm ổn định, để có chi phí nuôi "đàn con" ngoài việc bán hủ tiếu, chị còn có thêm sự hỗ trợ của một số mạnh thường quân.

Nhưng mỗi lần chị kêu gọi mạnh thường quân chung tay là mỗi lần chị bị bao người phán xét, trong đó có cả sự tủi thân và mặc cảm.

"Họ cứ nghĩ rằng tôi cứu nhiều chó, mèo về để lấy lòng thương hại của mạnh thường quân, lừa đảo mà lấy tiền của họ. Tôi chỉ mong những người yêu thương động vật cùng làm công việc giống như tôi, cùng chung tình thương với các con", chị Quyên tâm sự.

Một số chú chó bị thương, khuyết tật được chị chăm sóc kỹ, thường xuyên kiểm tra vết thương để kịp thời đưa chúng đi đến trung tâm thú y. Mỗi "đứa con" chị đều đặt tên và nhớ rất rõ tính cách, tình trạng sức khỏe của chúng.

Khi hỏi về việc sẽ tiếp tục công việc này đến bao giờ, chị Quyên cười: "Có lẽ sẽ chăm sóc các con đến khi nào chúng mất vì già yếu. Hiện tại tôi không nhận nuôi thêm nữa, mà chỉ chăm những đứa còn ở đây, mà tuổi thọ của mỗi đứa có lẽ cũng chỉ hơn chục năm thôi, khi nào bọn nó không còn nữa tôi sẽ dừng lại".

Hiện tại, chị đã tạm dừng việc cứu hộ và nhận nuôi thêm "các con". Tuy nhiên, chị cũng sẵn sàng tặng lại "các con" của mình mà không lấy bất cứ chi phí nào cho chủ mới nếu họ thực sự tốt, hết lòng chăm sóc chúng và biết yêu thương động vật.

Trại cứu hộ chó, mèo của chị cũng luôn mở cửa để chào đón các bạn tình nguyện viên, những người yêu thương chó, mèo có thể tới thăm và hỗ trợ các "con" ăn uống, chăm sóc sức khỏe bất cứ lúc nào.

Back
Top