Nhà Bà Nữ: Sự nhạy cảm của Trấn Thành trở thành "vũ khí chiến thắng" vào dịp Tết

H
Home Content

Kể từ khi công bố góp tên vào danh sách "đường đua" phim Tết năm 2023, nhiều người đã dám chắc Trấn Thành sẽ thắng. "Tàn dư" từ bom tấn Bố Già cũng như tên tuổi của vị MC - diễn viên hài gợi nhớ nhiều đến Thẩm Đằng của màn ảnh Hoa ngữ - nổi tiếng, thuộc hàng "quốc dân" và dễ thu hút khán giả với sản phẩm của mình. Nếu Thẩm Đằng "san bằng" phòng vé với vai nhỏ trong Xin Chào, Lý Hoán Anh nói về tình mẫu tử thì giờ đây, Trấn Thành được dự đoán sẽ làm nên kỳ tích tương tự với - dự án đánh dấu vai trò đạo diễn đầu tay của anh.

Nhà Bà Nữ kể về gia đình 3 thế hệ bán bánh canh cua, trong đó Ngọc Nữ (Lê Giang) nắm "chủ quyền" với lối sống nghiêm khắc, quy củ và khiến các thành viên khác lo sợ. Thế nhưng, có một người sẵn sàng làm trái lời Ngọc Nữ là cô con gái út Ngọc Nhi (Uyển Ân), cũng là người đẩy tình cảm mẹ con của cả hai vào diện thử thách. Tiếp tục chìm đắm trong đề tài gia đình - chính kịch, Nhà Bà Nữ cho thấy rõ tham vọng "hồi sinh" phòng vé của Trấn Thành vào dịp Tết, một ván cược tưởng chừng quá đỗi dễ đoán nhưng khi bị mổ xẻ, nhiều vấn đề chưa thỏa đáng xuất hiện.

Khi "tấm chiếu mới" đối đầu "hội từng trải"

Nhà Bà Nữ khai thác chủ đề theo lý thuyết thì không mới, nhưng thực tế lại khá hiếm trên màn ảnh Việt: mâu thuẫn mẹ - con gái. Đây là khía cạnh văn hóa gia đình dễ bị ủy mị khi được khắc họa, thế nhưng rất may Nhà Bà Nữ không gặp tình trạng như thế. Phim dẫn dắt khán giả vào nửa đầu tràn ngập tiếng cười, một cuộc chiến thế hệ tinh nghịch và đầy tươi vui, giữa một Ngọc Nữ quy tắc, khó tính và một Ngọc Nhi mưu cầu sự tự do, theo đuổi đam mê của chính mình. Để rồi sau đó, nửa sau phim "lái" người xem sang một màu sắc trái ngược hoàn toàn: khổ đau, dằn vặt, tranh cãi và chia ly rồi bắt sang nhiều vấn nạn đời sống gia đình, hôn nhân, tuổi trẻ... khác.

Phim lồng ghép nhiều vấn nạn vào bức tranh gia đình "chữ N".

Dễ thấy, Trấn Thành mang đến một tuyến tính đơn giản cho Nhà Bà Nữ, đi từ những tiếng cười đến những giọt nước mắt, rồi sau cùng là cái kết khiến trong lòng xốn xang. Đúng theo chia sẻ của đạo diễn trẻ trước đó, Nhà Bà Nữ không đuổi theo sự cầu kỳ, "hàn lâm" mà giống như một "đứa trẻ" bập bẹ lớn lên giữa dòng chảy điện ảnh, thế nhưng vẫn mang trên mình sự dí dỏm, thú vị và chất lượng để khán giả sẵn sàng ra rạp thưởng thức.

Vậy giá trị cốt lõi của bộ phim nằm ở điều gì? Đó vẫn đơn giản là... sự đơn giản thôi. Đó là cách mà vị đạo diễn thấu hiểu, cảm nhận và phản ứng với cuộc sống xung quanh. Anh dùng chất liệu có thật, câu chuyện đâu đó trong đời sống để biến thành Nhà Bà Nữ, và dùng nó để thu hút đối tượng đại chúng Việt vốn rất dễ bị hấp dẫn bởi điều dễ đồng cảm và tìm thấy trong đời thực nhất.

Sự nhạy cảm của Trấn Thành là một "vũ khí" lợi hại.

Sự nhạy cảm với cuộc sống và tiết chế của Trấn Thành

Ở lần trở lại màn ảnh rộng này, Trấn Thành đã tiết chế rất nhiều. Bớt đi những "miếng hài" dễ gây lố, những tình huống nước đôi dư thừa, hay những màn lăn bò thể hiện cảm xúc đầy tính kịch, anh mang đến một Nhà Bà Nữ chạm gần đến điện ảnh hơn. Phải gửi lời khen cho phần hình ảnh của phim được thiết kế đầy tính biểu tượng, có độ thẩm mỹ cao và sáng tạo. Điều này hòa quyện cùng nhà cửa, lối sống đường phố miền Nam thân thuộc, chân chất khá tự nhiên, giúp nâng tầm lẫn nhau để mang đến "tiệc thị giác" bắt mắt.

Phim có cảnh mở đầu được thiết kế độc đáo.

Một điểm sáng nữa của Nhà Bà Nữ là diễn xuất. Uyển Ân là cái tên gây bất ngờ nhất khi dù là "lính mới", cô đã thể hiện được khả năng của bản thân ở ngay cả những cảnh nhỏ nhất. Cách diễn của Uyển Ân đa dạng, không sống sượng và tiểu tiết chẳng khác gì anh trai mình. Cùng với đó, Lê Giang, NSND Ngọc Giàu, Khả Như và Song Luân là những ngôi sao tiếp theo gây ấn tượng với khán giả. Trấn Thành lùi lại về sau để làm vai phụ, thế nhưng vẫn có vai trò mật thiết và đáng nhớ. Song, sự xuất hiện của Lê Dương Bảo Lâm lại không như kì vọng khi anh chỉ là một "comedy relief" với tính chất gây cười, không sâu sắc cũng không khác biệt.

Uyển Ân - Lê Giang làm tốt vai trò của mình.

Lê Dương Bảo Lâm - nhân vật phụ mờ nhạt.

Một "Bố già bản nữ" nhưng có vỡ òa bằng?

Dễ thấy Nhà Bà Nữ có điểm giống với Bố già, nhất là ở khía cạnh xung đột thế hệ trong một gia đình có quá nhiều sự khác biệt. Nhà Bà Nữ là "Bố Già bản nữ", thế nhưng có điểm "trội" và có điểm "lặn". Nhà Bà Nữ gãy gọn, thẳng thắn hơn Bố Già, song điều này vô tình khiến cho bộ phim Tết Quý Mão khó chạm đến những đỉnh cao cảm xúc, mang đến sự vỡ òa tột đỉnh cho khán giả. Phim vẫn có những điểm cao trào đấy, thế nhưng cách xây dựng, thúc đẩy đến những "thiên đỉnh" cảm xúc ấy chưa đủ.

Nhà Bà Nữ bị "gãy" về cảm xúc.

Đặc biệt ở đoạn cao trào nhất phim về nhân vật Ngọc Nhi, phim chưa làm ổn ở cách bắt qua cái kết. Trấn Thành cho thấy sự cầu thị, biết lắng nghe, biết tiết chế - một điều rất đáng khen nhưng không đồng nghĩa với việc Nhà Bà Nữ đã thật sự hoàn hảo. Mặt khác, sự thiết lập của nữ chính Ngọc Nhi chắc chắn sẽ khiến nhiều người thở dài chán ngán, khi đây tiếp tục là một "báo con" gây rắc rối, nông nổi và được tận dụng để tạo nên hầu hết các biến cố xuyên suốt phim.

Ngọc Nhi - nhân vật khó gây thiện cảm.

Chấm điểm: 3/5

Nhà Bà Nữ có nhiều yếu tố thuận lợi, phải nói là thuận lợi nhất để thống trị dịp Tết này. Không có thể loại nào dễ bán vé dịp Tết hơn phim gia đình, và với cái tên tầm "quốc dân" của Trấn Thành, Nhà Bà Nữ nắm chắc trong tay những cột mốc, thành tích doanh thu ấn tượng. Tuy nhiên trở lại với câu chuyện nội tại của tác phẩm, đây vẫn là nước đi an toàn, còn đôi chỗ thiếu sót, song thể hiện được rõ rệt tầm nhìn, tư duy và sự tỉ mỉ trong cách tiếp cận đề tài cuộc sống của Trấn Thành và lồng vào "bộ sưu tập" nghệ thuật của chính mình. Khán giả ra rạp xem phim Nhà Bà Nữ như xem lại Bố Già với "tấm áo mới", ở một "vũ trụ mới" nên hãy chờ xem hiệu ứng truyền miệng sẽ mang tác phẩm đi xa đến đâu.

Nhà Bà Nữ khởi chiếu từ mùng 1 Tết, tức ngày 22/1/2023 tại các rạp trên toàn quốc.

Ảnh: Ekip cung cấp

Back
Top