Từ sau Tết, lượng khách đến Phú Quốc giảm mạnh nên tình hình kinh doanh của rất nhiều nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp du lịch đều không mấy tươi sáng. Nguyên nhân lớn nhất của thực trạng này là vé máy bay đến Phú Quốc tăng cao khiến giá tour đắt đỏ. Hành khách cũng vì thế mà "quay xe".
"Đến giờ này, tôi vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của ngày lễ", ông Bùi Xuân Phương - chủ nhà hàng Biển Vàng (Phú Quốc) ngao ngán nói với Zing trong khi chỉ còn 3 tuần nữa là đến kỳ nghỉ 30/4 - 1/5 kéo dài. Cùng thời điểm này năm trước, nhà hàng của ông đã kín lịch đặt chỗ từ các công ty lữ hành.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành, vị này quyết định không phụ thu thêm 10-20% so với ngày thường.
Chia sẻ với Zing, đại diện Mường Thanh Phú Quốc cho biết tỷ lệ đặt phòng cho dịp lễ đến nay chỉ đạt 35% trong khi cùng thời điểm năm 2022, con số này là 60-70%. Đại diện Sol by Meliá Phu Quoc cũng nhìn nhận đây là thực trạng chung của các khách sạn, resort ở Phú Quốc.
Tình hình đặt phòng tại những resort ở phân khúc cao cấp thậm chí có phần còn ảm đạm hơn khi chỉ đạt 15-20%.
"Khi phải trả chi phí đi lại quá cao, khách hàng sẽ phải cân đo, đong đếm kỹ hơn về nơi lưu trú. Họ thường có xu hướng chọn những khách sạn vừa túi tiền hơn thay vì các địa điểm cao cấp", đại diện một khách sạn 5 sao cho biết.
Các điểm đến ở Phú Quốc khó hút khách dịp lễ này. Ảnh: @wonhmee, @takenbymr. |
Trong bối cảnh khó khăn chung, nhiều khách sạn bao gồm Mường Thanh Phú Quốc, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort & Spa, Best Western Premier Sonasea Villas Phu Quoc, Sea Sense Resort & Spa Phu Quoc, Pullman... đều đồng lòng chấp nhận bỏ khoản phụ thu dịp lễ để cải thiện tình hình kinh doanh.
Dù vậy, diễn biến cũng chưa khả quan hơn. Ông Trương Công Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên chuyên nghiệp Phú Quốc cho hay hiện chỉ có 30-35% hướng dẫn viên trong hiệp hội có lịch đi tour vào dịp lễ sắp tới. Trong khi đó vào thời điểm này năm ngoái, mọi người đều rất bận rộn, thậm chí quá tải vì đông khách.
Hiện, các hướng dẫn viên cũng chấp nhận giảm giá công tác phí để góp phần giúp hãng lữ hành giảm bớt áp lực về giá tour.
"Thông thường, công tác phí của hướng dẫn viên là 700.000 đồng/ngày. Tuy nhiên gần đây khi ký hợp đồng đối tác với một số đơn vị, chúng tôi đã chấp nhận mức giá 600.000 đồng/ngày", ông Tâm nói với Zing.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang khẳng định việc giá vé máy bay tăng cao chính là rào cản lớn nhất ngăn du khách đến với Phú Quốc.
Vị này lấy ví dụ nhiều du khách liên hệ với các công ty tổ chức tour đến Phú Quốc và rất hài lòng với các điểm đến, dịch vụ, nhưng khi xem đến giá vé máy bay thì lắc đầu và "quay xe" tìm điểm đến khác.
Giá vé máy bay cao sẽ giết chết du lịch Phú Quốc và làm khách Việt đổ xô đi nước ngoài.
Ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Kiên Giang
Khi thị trường du lịch quốc tế bắt đầu sôi động trở lại, các điểm đến như Thái Lan, Singapore và mới đây là Trung Quốc đều hấp dẫn du khách với chi phí vừa phải.
Khi chi phí bay nội địa quá cao, khách hàng chắc chắn sẽ cân nhắc đến việc đi nước ngoài nếu giá tour trong và ngoài nước chỉ chênh lệch không đáng kể.
"So với năm ngoái, giá vé máy bay dịp lễ và cao điểm hè đã tăng khoảng 100%, có thời điểm chạm mốc 10 triệu đồng/vé khứ hồi. Giá vé máy bay cao sẽ giết chết du lịch Phú Quốc và làm khách Việt đổ xô đi nước ngoài", ông Trương Công Tâm nhận định.
Tuy nhiên, một chuyên gia hàng không cho rằng rất khó để các hãng hàng không giảm giá trong giai đoạn này.
Chi phí đầu vào của ngành hàng không đang tăng rất cao vì giá nhiên liệu đã chiếm tới 60% chi phí. Giá xăng máy bay năm 2022 và 2023 đã duy trì ở mức cao nhất kể từ năm 2015, gây nhiều khó khăn cho các hãng.
Trong năm 2022, tất cả các hãng đều càng bay càng lỗ. Năm nay, triển vọng tăng trưởng tiếp tục bị cản trở bởi chi phí nhiên liệu cao, biến động tỷ giá và lãi suất tăng.
Bên cạnh đó vào các dịp cao điểm, các hãng đều phải giải quyết bài toán "lệch đầu" tức là một chiều đông khách trong khi chiều còn lại chỉ 10-20% số ghế được lấp đầy. Hãng không thể cho máy bay ở lại để chờ khách đến nên buộc phải tính chi phí cộng cả hai đầu rồi chia ra giá vé.
Du khách "quay xe" đi nước ngoài khi vé máy bay đến Phú Quốc tăng cao. Ảnh: @happyjisuday. |
Sắp tới, UBND tỉnh Kiên Giang sẽ họp tìm giải pháp cơ chế vé máy bay để thúc đẩy phát triển du lịch Phú Quốc cùng đại diện 4 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines sau khi nhận được kiến nghị từ Hội Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc.
Hiện tại, theo ghi nhận của Zing tính đến sáng 11/4, giá vé đến Phú Quốc dịp lễ không còn quá “trên trời” song vẫn ở mức cao.
Dữ liệu từ Google Flight cho thấy chặng TP.HCM - Phú Quốc khứ hồi có giá khoảng 3,2 triệu đồng ở tất cả các hãng. Trong khi đó, chặng Hà Nội - Phú Quốc giá vé thấp nhất cũng ở mức 4,1 triệu đồng của hãng Vietjet. Nếu bay với Bamboo và Vietnam Airlines, khách hàng phải trả từ 4,7 đến 6,5 triệu đồng cho mỗi vé hai chiều.
Còn ở đường bay quốc tế, vé khứ hồi chặng TP.HCM - Bangkok dịp lễ đang rơi vào mức 2,8-3,5 triệu đồng, chặng Hà Nội - Bangkok dao động 4,8-5,8 triệu đồng. Có thể thấy, mức giá này không chênh lệch nhiều so với việc bay đến Phú Quốc.
Nếu đi Singapore, khách hàng phải trả cao hơn mức đi Thái Lan khoảng 1,5-2 triệu đồng. Cụ thể, chặng TP.HCM - Singapore có giá 4,7-6,4 triệu đồng trong khi chặng Hà Nội - Singapore có giá 6,4-7,4 triệu đồng.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế
Xem nhanh