Những đôi cánh ở Tràm Chim

H
Home Content

Không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng hoa sen tỏa hương thơm ngát, vẻ đẹp của trăm hoa đua nở ở làng hoa Sa Đéc, những cánh đồng lúa bạt ngàn cò bay thẳng cánh… còn có khu du lịch sinh thái trải nghiệm làm nao lòng du khách gần xa như Vườn quốc gia Tràm Chim.

Chim cổ rắn. Đây là loài chim thuộc họ Anhingidae, bộ Chim điên. Chim có cổ dài và mảnh dẻ, bề ngoài tương tự như những con rắn nên được gọi là chim cổ rắn. Hiện nay, chim cổ rắn còn tồn tại tổng cộng 4 loài trong một chi duy nhất, một trong số đó đang ở tình trạng gần bị đe dọa tuyệt chủng.

Cò ốc. Đây là loài chim nước, hiếm, được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Cò ốc vẫn thích nghi tốt với môi trường của vườn quốc gia Tràm Chim do nơi đây là vùng đất ngập nước, có nước ngọt quanh năm, có nhiều cây cỏ, thức ăn.

Thức ăn chủ yếu của cò ốc là các loại ốc, cua, ếch, nhái và nhiều loại côn trùng khác. Cò ốc giúp Vườn Quốc gia Tràm Chim tiêu diệt số lượng lớn ốc bươu vàng.

Cò ốc có trọng lượng từ 1 - 1,5kg, sống định cư, đôi cánh màu đen bóng và đuôi có ánh lục hay tía. Bộ lông chim trưởng thành thay đổi theo mùa. Cò ốc sinh sản thành bầy, xây dựng một tổ bằng que trên cây, chúng đẻ 2 - 4 trứng vào mùa sinh sản.

Chim xít. Đây là tên gọi chung cho một số loài chim có hình thái bên ngoài giống nhau thuộc chi Porphyrio, họ Gà nước. Chúng định cư phổ biến ở khu vực Nam bộ, dễ dàng bắt gặp tại các Vườn Quốc gia Tràm Chim, U Minh Hạ, U Minh Thượng, Đất Mũi...

Vịt trời. Vịt trời có tổ tiên họ chim có nguồn gốc từ đất nước Anatidae. Nó còn có tên gọi là vịt hoang dã, vịt bầu, tên tiếng Anh là Mallard, vịt màu Canard trong tiếng Pháp. Là một loại vịt vọc, sinh sản khắp châu Mỹ ôn đới và cận nhiệt đới, châu Á, Bắc Phi và châu Âu.

Cò trắng, tên khoa học là Egretta garzetta, phân bố chủ yếu ở những vùng đất ngập nước với khí hậu ấm áp ở châu Âu, châu Phi, châu Á và Australia. Loài vật này thường sống theo đàn nhỏ. Thức ăn chính của chúng là cá, ngoài ra còn các loài lưỡng cư, bò sát nhỏ, chim, động vật có vú, giáp xác, thân mềm hay côn trùng.

Chim cồng cộc. Chúng có tên tiếng Anh là Great cormorant, có đuôi hơi dài và cổ họng có mảng màu vàng. Đây là loài chim nước, sống theo sông, kênh, rạch, ao hồ, đồng ngập nước. Thức ăn chính của cồng cộc là cá. Có nơi còn gọi chúng là chim cốc.

Cồng cộc có thân và cổ dài, mỏ thuôn tròn, đầu chóp hơi phình to và có móng cong sắc. Chúng có cánh to rộng, bộ lông màu đen có ánh xanh lục pha tím đỏ ở phần đầu, cổ, mặt trên thân và đuôi. Phần má quanh mắt và ức có một vệt khá rộng, màu trắng.

Cò bợ. Chúng còn gọi là cò ma, cò cói là một loài chim ở Đông Á, thuộc họ Diệc. Cò bợ có chiều dài trung bình gần 50cm, thường với bộ lông nền trắng, lưng màu nâu, mỏ vàng với đầu mỏ đen; chân và mắt cò màu vàng. Lông cò chuyển sang màu đỏ, xanh và trắng vào mùa sinh sản.

Gà lôi nước Ấn Độ. Loài này có tên Latin là Metopdius indicus, thuộc họ Gà lôi nước Jacanidae, bộ Rẽ Charadriiformes. Khi trưởng thành, gà lôi nước Ấn Độ có lông ở trên mắt và một dải lông mày rộng kéo dài đến gáy trắng. Phần đầu và cổ còn lại mặt hung, nách và dưới cánh đen có ánh lục thẫm, mặt trên cổ có ánh xanh đỏ hay lục tím.

Những tổ chim rồng rộc trên các cây lớn trong vùng đất ngập nước của Vườn Quốc gia Tràm Chim. Các loài rồng rộc hay rồng rộc sẻ là những loài chim có kiểu cách làm tổ cầu kỳ phức tạp (có lẽ là phức tạp nhất trong các loại tổ chim). Rồng rộc là chim thích sống thành bầy. Chúng làm tổ cạnh nhau, thường là vài tổ trên một cành cây. Thông thường chim trống làm tổ và dùng chúng như là một dạng thể hiện để quyến rũ chim mái.

Vườn Quốc gia Tràm Chim đang bảo vệ các loài chim để phục vụ nghiên cứu về hệ chim nước, đánh giá giá trị đa dạng sinh học cũng như nguồn tài nguyên trong vườn, từ đó có biện pháp để góp phần bảo tồn những loài chim nước hiện hữu trong vườn cũng như bổ sung vào cơ sở dữ liệu của vườn.

Hiện nay, Vườn Quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp ghi nhận có 13 loài chim quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo vệ như: Sếu đầu đỏ, Sẻ đồng ngực vàng, Cắt lưng hung, Cú lợn lưng nâu, Ó cá, Diều đầu trắng, Già đẫy lớn, Cốc đế lớn, Rồng rộc vàng, Bồ nông chân xám, Điên điển, Giang sen, Chích chòe lửa và 101 loài chim thông thường khác.

Với môi trường tự nhiên phong phú, Vườn Quốc gia Tràm Chim được công nhận là một trong những vùng có nhiều loài chim quý ở Việt Nam. Do vậy, Vườn Quốc gia Tràm Chim được bảo vệ nghiêm ngặt nhằm góp phần gìn giữ các loài chim quý.

0 0

Quan tâm

Back
Top