Chỉ trong một tháng, kính viễn vọng James Webb đã ghi lại hình ảnh rực rỡ đến từ các hành tinh, thiên hà trong vũ trụ rộng lớn.
Ngày 22/8, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) chia sẻ 2 hình ảnh mới của Mộc tinh, được tạo ra từ dữ liệu thu thập bởi camera hồng ngoại gần (NIRCam) trên kính viễn vọng James Webb. Hình ảnh đầu tiên với góc chụp rộng cho thấy Vết Đỏ Lớn (Great Red Spot - cơn bão rực lửa tồn tại hàng trăm năm), cực quang, các vành đai xung quanh cũng như Amalthea và Adrastea - 2 mặt trăng của Mộc tinh. Những đốm trắng nhỏ có thể là các thiên hà xung quanh Mộc tinh. Ảnh: ESA. |
Ảnh thứ 2 chụp cận cảnh Mộc tinh, được tổng hợp từ 3 bộ lọc của NIRCam để làm nổi bật những phần cụ thể. Bộ lọc thứ nhất cho thấy cực quang ở 2 điểm cực bắc và cực nam có màu đỏ. Bộ lọc thứ 2 thể hiện đám mây xoáy xung quanh các cực có màu vàng và xanh lá. Bộ lọc thứ 3 được "dịch" sang màu xanh dương, cho thấy ánh sáng phản chiếu từ những đám mây lớn của Mộc tinh. Vết Đỏ Lớn được thể hiện bằng màu trắng, đồng nghĩa lượng ánh sáng bị phản chiếu rất lớn. Các nhà khoa học của James Webb đã hợp tác với nhà thiên văn nghiệp dư Judy Schmidt để xử lý màu sắc. Ảnh: ESA. |
Trước đó vào tháng 7, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng chia sẻ hình ảnh Mộc tinh, chụp bởi NIRCam của James Webb. Các vòng mây, Vết Đỏ Lớn và vành đai xung quanh cơn bão đều được thể hiện rõ. Một số mặt trăng của Mộc tinh, bao gồm Europa cũng xuất hiện trong ảnh. Mặt trăng này được cho có nhiều thành phần thiết yếu của sự sống gồm nước, năng lượng và vật liệu carbon. Đây được đánh giá là một trong những vật thể tiềm năng thuộc Hệ Mặt Trời có thể duy trì sự sống. Ảnh: NASA. |
Đầu tháng 8, NASA chia sẻ ảnh chụp thiên hà Cartwheel (Thiên hà Bánh xe). Cách chúng ta khoảng 500 triệu năm ánh sáng, Cartwheel là một trong những thiên hà kỳ lạ với hình dạng giống bánh xe ngựa, kết quả sau vụ va chạm dữ dội giữa thiên hà xoắn ốc với một thiên hà nhỏ hơn. James Webb có thể giúp xác định tuổi của các sao trong Cartwheel, tiết lộ thành phần lớp bụi vòng ngoài có silicat. So với những kết quả trước đây, James Webb thu được nhiều dữ liệu hơn, đặc biệt là các chi tiết phía sau lớp bụi ngoài nhờ công cụ quan sát hồng ngoại trung (MIRI). Ảnh: NASA. |
Một trong những hình ảnh ấn tượng đầu tiên của James Webb, được NASA công bố giữa tháng 7 chụp cụm thiên hà NGC 3324 (Cosmic Cliffs) thuộc tinh vân Carina. Cách Trái Đất khoảng 7.600 năm ánh sáng, Carina được xem như "vườn ươm" hình thành nhiều ngôi sao. Đây là một trong những tinh vân sáng và lớn nhất trên bầu trời, là nơi tồn tại nhiều ngôi sao khổng lồ, lớn hơn Mặt Trời vài lần. Thông qua James Webb, các nhà khoa học kỳ vọng có thể phân tích sự hình thành của một số ngôi sao và thiên hà cổ đại. Ảnh: NASA. |
2 hình ảnh chụp tinh vân NGC 3132, còn gọi là Southern Ring Nebula. Bức ảnh bên trái được xử lý từ camera hồng ngoại gần (NIRCam), trong khi ảnh bên phải sử dụng camera hồng ngoại trung (MIRI). Tinh vân này cách Trái Đất khoảng 2.000 năm ánh sáng, gồm đám mây khí bao quanh một ngôi sao sắp chết. "Những chi tiết mới từ James Webb sẽ thay đổi hiểu biết của chúng ta về cách một ngôi sao tiến hóa và ảnh hưởng đến môi trường bao quanh chúng", NASA cho biết. Ảnh: NASA. |
James Webb còn giúp các nhóm thiên văn độc lập phát hiện những chi tiết chưa từng thấy trước đây. Cuối tháng 7, các nhà thiên văn thuộc dự án Cosmic Evolution Early Release Science (CEERS) đã phát hiện CEERS-93316, thiên hà được cho là cổ nhất từng được con người quan sát. Nó cách chúng ta 35 tỷ năm ánh sáng, hình thành khoảng 235 triệu năm sau vụ nổ lớn (Big Bang). Đây mới là kết quả nghiên cứu sơ bộ, cần các phân tích chuyên sâu hơn để tính toán khoảng cách chính xác. Ảnh: CEERS. |
Dựa trên hình ảnh của dự án quan sát GLASS, Giáo sư Karl Glazebrook và Colin Jacobs từ Đại học Swinburne (Australia) đã tập hợp ảnh chụp các thiên hà hình thành khoảng 8-11 tỷ năm trước. James Webb là bản kế nhiệm của kính viễn vọng Hubble, dùng để phát hiện các ngôi sao, thiên hà cổ đại, phục vụ tìm hiểu lịch sử hình thành của vũ trụ. Những công cụ hiện đại giúp James Webb thu thập nhiều chi tiết hơn so với Hubble. Ảnh: GLASS. |
Nhà thiên văn nghiệp dư Judy Schmidt đã tạo ra bức ảnh thiên hà xoắn ốc NGC 628 (Phantom Galaxy). Cách Trái Đất khoảng 32 triệu năm ánh sáng, NGC 628 được xếp loại thiên hà hùng vĩ với những nhánh xoắn ốc rõ ràng. Hình ảnh từ James Webb làm nổi bật các làn bụi của thiên hà, chứa đầy khí để hình thành sao. Những kính viễn vọng như Hubble từng quan sát và thu về dữ liệu của NGC 628. Tuy nhiên, hệ thống quan sát hồng ngoại của James Webb cho thấy các nhánh xoắn ốc một cách rõ ràng hơn. Ảnh: Judy Schmidt. |
Hình ảnh tiếp theo của James Webb cho thấy cặp thiên hà va chạm nhau, còn gọi là IC 1623, cách Trái Đất khoảng 275 triệu năm ánh sáng và thuộc chòm sao Kình Ngư (Cetus). Khi 2 thiên hà va chạm, chúng sẽ xé toạc những dòng vật chất khổng lồ ra khỏi nhau, tạo ra sóng xung kích lớn. Trong bức ảnh, quá trình trên được thể hiện bằng các vệt màu đỏ, cũng là nơi hình thành sao. Điều thú vị là các nhà khoa học chưa tìm thấy dấu hiệu tồn tại của lỗ đen trong cặp thiên hà này. Ảnh: NASA. |
Xem nhanh