Kỳ thi tốt nghiệp THPT và mùa xét tuyển đại học đang đến gần, ngoài những lo lắng về kết quả học tập, thi cử, thời điểm này, không ít học sinh lớp 12 cả nước vẫn đang loay hoay trước bài toán chọn ngành, nghề phù hợp. TS Trương Thị Hoa, Chuyên gia Giáo dục học – Giảng viên Khoa Tâm lí học giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã có trao đổi với VOV.VN về nội dung này.
PV: Đứng trước ngưỡng cửa mới của cuộc đời, không ít học sinh lớp 12 đang băn khoăn trong việc lựa chọn ngành nghề. Việc thiếu thông tin hoặc chưa hiểu đúng về năng lực bản thân cũng như đặc điểm ngành nghề dễ dẫn đến những sai lầm trong quá trình xác định nghề nghiệp. Từ quá trình tư vấn hướng nghiệp, theo bà đâu là những nhầm lẫn mà học sinh thường mắc phải khi chọn ngành nghề?
TS Trương Thị Hoa: Trước tiên phải khẳng định rằng định hướng nghề nghiệp với học sinh thực sự quan trọng, các em phải rất nghiêm túc trong việc cân nhắc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Quá trình đến các trường phổ thông tư vấn hướng nghiệp, chúng tôi gặp không ít trường hợp học sinh lên mạng tìm hiểu một vài ngành nghề, thấy có vẻ phù hợp và lập tức quyết định, điều này hết sức vội vàng.
Hay có những em lên mạng làm các bài kiểm tra trắc nghiệm tính cách để biết mình phù hợp với ngành nghề nào và đăng ký ngành học đại học theo kết quả đó. Những bài trắc nghiệm như vậy chỉ là một trong những công cụ giúp các em khám phá bản thân, vì vậy không thể chỉ dựa vào một kết quả đó để lựa chọn nghề nghiệp.
Tại nhiều buổi tư vấn trực tiếp, không ít học sinh chia sẻ cách chọn ngành nghề dựa vào kết quả học tập, môn học mà các em nổi trội nhất. Ví dụ giỏi Toán sẽ làm công nghệ thông tin. Nhưng đây là một trong những ngộ nhận mà không ít thí sinh mắc phải trong quá trình hướng nghiệp. Khi lựa chọn ngành nghề cần căn cứ vào những yếu tố khác ngoài năng lực học tập như sở thích, khả năng giao tiếp, khả năng giảng giải, khả năng thuyết phục hay lãnh đạo… Tất cả những điều này sẽ giúp các em lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Bên cạnh đó, nhiều em khi lựa chọn ngành nghề chưa có cách hiểu đúng về các ngành. Không ít học sinh nói với tôi rằng em thích kinh tế, nhưng chỉ hiểu đơn giản học kinh tế là bán hàng, quản trị kinh doanh mà không biết rằng lĩnh vực này còn rất nhiều ngành và chuyên ngành khác. Cùng lĩnh vực kinh tế, nhưng khi lựa chọn tài chính kế toán, kiểm toán sẽ khác với marketing…
Hướng nghiệp là một quá trình từ hiểu bản thân, đến hiểu ngành nghề, hiểu về trường đào tạo, khi có cơ hội đi trải nghiệm ngành nghề, lập kế hoạch để trải nghiệm, tất cả tạo thành một vòng tròn để từ đó các em có lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất.
PV: Trong việc định hướng tương lai, không ít học sinh gặp khó khi sở thích, nguyện vọng của bản thân và cha mẹ khác nhau, bà có lời khuyên nào cho cả học sinh và phụ huynh nếu rơi vào tình huống này?
TS Trương Thị Hoa: Sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái trong lựa chọn ngành nghề khá nhiều, bởi sở thích, khả năng của con và mong muốn của bố mẹ đôi khi lệch nhau. Vậy làm thế nào để bố mẹ và con cái có sự thống nhất, đưa ra quyết định đúng đắn nhất cho tương lai của con. Trước tiên, cả các con và cha mẹ hãy cùng ngồi lại và chia sẻ nghiêm túc với nhau về vấn đề này. Các con có thể hỏi bố mẹ lý do vì sao mong muốn con vào ngành này, khi biết được lý do của bố mẹ, con cũng hãy nói về những mong muốn, sở thích và năng lực của bản thân để biết rằng có thể đáp ứng với ngành nghề đó ra sao.
Đặc biệt, các con muốn thuyết phục được bố mẹ thì cần có kế hoạch rõ ràng, với những sở thích và khả năng của bản thân, con đã tìm hiểu được những trường nào, ngành nghề nào và có kế hoạch gì trong tương lai.
Về phía bố mẹ, khi lắng nghe những chia sẻ của con, nếu thấy phù hợp, thì nên đồng hành, ủng hộ để con có sự tự tin hơn nữa, vững chắc hơn nữa trong hành trình nghề nghiệp của mình sau này.
PV: Nhiều sinh viên sau khi học đại học mới nhận ra rằng bản thân không phù hợp với ngành nghề đó, băn khoăn trước việc nên dừng lại hay cố gắng học để lấy tấm bằng đại học, bà nghĩ sao về điều này?
TS Trương Thị Hoa: Việc các em vào trường đại học rồi mới nhận ra không phù hợp với ngành học, môi trường là điều rất đáng tiếc. Điều này bắt nguồn từ việc ở bậc phổ thông chưa có sự định hướng ngành nghề rõ ràng, các em cũng chưa tìm hiểu kỹ để hiểu đúng về năng lực, sở thích của bản thân khi lựa chọn ngành nghề. Chính vì thiếu đi sự định hướng nghề nghiệp mà các em lựa chọn theo cảm tính hoặc theo ý kiến gia đình, đến khi vào học mới nhận ra không phù hợp. Nhiều người vẫn khuyên rằng nên cố học, nhưng nếu tiếp tục, các em sẽ cảm thấy rất áp lực, khi đó kết quả học tập cũng sẽ giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tự tin. Những kỹ năng khác như giao tiếp cũng dần bị hạn chế, lâu dần sinh viên có thể rơi vào trình trạng stress nghiêm trọng và rất khó để học tập tiếp.
Bên cạnh đó, cũng có những sinh viên khi nhận ra sự nhầm lẫn trong chọn ngành học đã quyết định dừng một học kỳ để ôn tập và thi lại, cũng có những bạn tìm kiếm cơ hội học văn bằng 2 với những ngành nghề khác. Lúc này, các em cần nhìn nhận lại bản thân, với những sở thích, tính cách và năng lực như vậy có thể lựa chọn những ngành nghề nào. Việc tìm được niềm vui, sự yêu thích đam mê ở một ngành học khác sẽ giúp các em có hứng thú học tập hơn, sau khi ra trường cũng sẽ không lãng phí 4-5 năm học đại học và có công việc như mong muốn.
Tuy nhiên, để học cùng lúc 2 ngành, các em cần có nghị lực và thực sự cố gắng, đặt ra mục tiêu rõ ràng.
Trường hợp các em muốn bỏ hẳn ngành đang theo học để lựa chọn một con đường khác, khi đó các em nên chia sẻ với gia đình để nhận được sự ủng hộ và hậu thuẫn, bản thân các em cũng cần nỗ lực để ôn thi lại và lựa chọn ngành nghề phù hợp. Việc lựa chọn nghề nghiệp tương lai là một hành trình, có thể sự lựa chọn ban đầu chưa đúng, nhưng vẫn còn nhiều cơ hội khác, nếu thực sự dũng cảm, hiểu về bản thân và công việc mình sẽ theo đuổi, nhất định các em sẽ có sự lựa chọn phù hợp.
PV: Như bà vừa chia sẻ, điều quan trọng khi chọn ngành nghề là cần hiểu đúng về bản thân và ngành nghề đó, vậy làm thế nào để những học sinh lớp 12 có thể tự khám phá hết những năng lực, tính cách của chính mình để đưa ra những quyết định phù hợp?
TS Trương Thị Hoa: Điều quan trọng là các em cần có cơ hội trải nghiệm các ngành nghề khác nhau thông qua các hoạt động để hiểu rõ sở thích, sở trường của bản thân mình.
Ví dụ, khi tham gia vào khâu tổ chức sự kiện, có em cảm thấy hứng thú với việc viết bài, em khác lại thích những công việc hậu trường. Như vậy cùng một lĩnh vực lớn nhưng mỗi học sinh lại có một thế mạnh và sở thích khác nhau.
Các giờ ngoại khóa, hướng nghiệp sẽ giúp ích cho các em có thêm các thông tin trước khi quyết định. Tuy nhiên, gia đình không thể thiếu trong việc đồng hành cùng các em. Cha mẹ là người hiểu các em nhất, biết được năng lực, sở trường của các em là gì, tài chính của gia đình đến đâu... để các em lựa chọn ngành và trường phù hợp. Các thầy cô giáo trong trường có nhiều kinh nghiệm, có phương pháp sư phạm sẽ giúp các em định hướng nghề nghiệp.
Bạn nào còn cảm thấy chưa hiểu mình, thì hãy thử bước ra khỏi vùng an toàn, tham gia vào các hoạt động nhiều hơn, tập viết nhật ký khi làm những công việc đó, khi đó các em sẽ nhận ra mình phù hợp với công việc nào.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Xem nhanh
, 17/12/2024