(NLĐO)- Tuổi thanh xuân, họ dũng cảm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Nay chiến tranh đã lùi xa nhiều chục năm nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể của những người lính. Vượt qua nỗi đau bệnh tật, các thương, bệnh binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành vẫn sống lạc quan, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành nằm tại xã Ninh Xá, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh), được thành lập từ ngày 3-4-1965, là một trong những đơn vị có số lượng thương binh đông nhất và thương tật nặng nhất trực thuộc Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Nơi đây được biết đến như là ngôi nhà thứ hai của những người lính là thương, bệnh binh nặng.
Sau gần 60 năm, trung tâm đã tiếp nhận, quản lý, nuôi dưỡng, điều trị và phục hồi chức năng lao động cho hơn 1.000 thương binh, bệnh binh nặng bị thương ở các chiến trường, đến từ khắp các nơi trên toàn quốc về đây an dưỡng, điều trị, phục hồi chức năng.
Có tới 90% trường hợp thương, bệnh binh ở đây bị thương vùng cột sống, gây liệt 1/2 cơ thể người; có 10% là những trường hợp bị vết thương tổng hợp như: Cụt 2 tay, cụt 2 chân, hỏng mắt… gần như tất cả phải ngồi xe lăn.
Có tới 90% trường hợp thương, bệnh binh bị thương vùng cột sống, gây liệt 1/2 cơ thể người; có 10% là những trường hợp bị vết thương tổng hợp như: Cụt 2 tay, cụt chân, hỏng mắt…
Sau thời gian an dưỡng, điều trị và được các bác sĩ, y tá, nhân viên phục vụ, chăm sóc, đại đa số thương binh đã ổn định vết thương, phục hồi một phần sức khỏe và chức năng lao động. Những thương binh này đã được đơn vị làm công tác bàn giao, chuyển về an dưỡng ở gia đình để hòa nhập với cộng đồng dân cư, tiện cho việc chăm sóc của người thân, gia đình, quê hương.
Những thương binh do vết thương quá nặng, di chứng của vết thương cũ tái phát, không qua khỏi thì đã được đơn vị hoàn tất các thủ tục hồ sơ trình Chính phủ suy tôn là liệt sĩ. Sau đó, đơn vị chuyển hồ sơ liệt sĩ bàn giao về địa phương để thân nhân được hưởng chế độ theo quy định.
Bác sĩ Ngô Huy Phô, Trưởng phòng y tế phục hồi chức năng, Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động
Là người trực tiếp thăm khám cho các bác thương binh, bệnh binh tại trung tâm, bác sĩ Ngô Huy Phô, Trưởng phòng y tế phục hồi chức năng, cho biết hiện đơn vị đang nuôi dưỡng, điều trị và thực hiện chế độ chính sách đối với 97 thương binh, bệnh binh bị nặng hạng 1/4. Người cao tuổi nhất đã 92 tuổi, người ít nhất cũng đã gần 40 tuổi.
Trong số 97 cô, chú ở đây có 42 thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc da cam, nhiều người mắc thêm các chứng bệnh: Tiểu đường, huyết áp cao, suy thận, viêm gan, viêm đường tiết niệu, loét lưng, cá biệt có thương binh nặng nhiễm chất độc da cam, sinh con ra bị khuyết tật, lấy vợ mấy chục năm không có khả năng sinh con.
"Một số người còn mảnh đạn, viên bi nằm trong cột sống, trong đầu. Mỗi khi trái gió trở trời, thời tiết thay đổi thì các vết thương cũ lại gây ra những cơn đau nhức nhối ở hốc mắt, mỏm cụt, bỏng buốt dây thần kinh, tê buốt tận xương tủy, tạo những cơn co giật, gây đau đớn, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ"- bác sĩ Ngô Huy Phô cho biết.
Theo bác sĩ Ngô Huy Phô, các bác thương binh, bệnh binh tại trung tâm do tuổi cao, sức yếu, lại mang trên mình những vết thương chiến tranh nên quá trình chăm sóc gặp không ít khó khăn. Những hôm trái gió trở trời, vết thương cũ lại tái phát khiến các bác đau đớn dẫn đến việc không làm chủ được cảm xúc, nổi nóng với đội ngũ nhân viên.
"Chúng tôi luôn coi các chú, các cô như cha mẹ mình. Chúng tôi thấu hiểu và đồng cảm với những mất mát và nỗi đau do vét thương hành hạ mà các bác đang trải qua. Vì vậy việc chăm sóc các bác không chỉ là bổn phận, trách nhiệm mà còn là sẻ chia, sự thấu hiểu và yêu thương từ tận đáy lòng"- bác sĩ Phô nói.
Thương binh Nguyễn Văn Tứu
Bác Nguyễn Văn Tứu, sinh năm 1949, quê ở huyện Mê Linh (Hà Nội). Đi bộ đội năm 1969 và bị thương cột sống ở mặt trận Tây Nam năm 1978, sau đó dẫn đến liệt hai chân. Hiện một chân của bác Tứu đã phải tháo bỏ do tái phát chấn thương ở khớp háng. Thương binh Nguyễn Văn Tứu có tỉ lệ thương tật 100%.
Bác Tứu cho biết ở trung tâm, các bác luôn nhận được sự quan tâm về vật chất lẫn tinh thần. Những đêm trái gió, trở trời, bệnh tình tái phát, các y, bác sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả, trực 24/24, chăm sóc tận tình.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất của các thương, bệnh binh càng được nâng cao. Trước đây, nhà ở của các thương, bệnh binh chỉ là nhà cấp 4 tạm bợ, còn giờ đây, hệ thống phòng ốc đã được xây dựng khang trang, thoáng mát và trang bị hệ thống điều hòa. 97 thương, bệnh binh là 97 căn phòng rộng khoảng 40 m2 (mỗi thương binh 1 phòng).
Dù chiến tranh đã lùi xa nhiều chục năm nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn hiện hữu trên cơ thể của những người lính. Nhưng vượt qua nỗi đau bệnh tật, sống lạc quan, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, "tàn nhưng không phế". Các bác là tấm gương sáng về ý chí, nghị lực kiên cường, về lý tưởng sống cao đẹp cả trong thời chiến và trong thời bình để thế hệ trẻ noi theo.
Rảnh rỗi, những người lính tâm sự, trò chuyện với nhau
Các thương, bệnh binh nương tựa lẫn nhau, sống với nhau như người thân trong gia đình
Dịp 27-7 hàng năm, rất nhiều cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp từ trung ương, địa phương đến thăm hỏi, tặng quà các thương, bệnh binh
Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, cho biết chiến tranh đã qua đi nhưng đến tận hôm nay những hậu quả mà nó để lại vẫn rất nặng nề. Giờ đây, những thương, bệnh binh nặng đã trở về hòa nhập với cuộc sống đời thường nhưng những vết thương của chiến tranh vẫn còn đó, vẫn ngày đêm gặm nhấm thể xác và tinh thần.
Thấu hiểu và mong muốn bù đắp phần nào những mất mát cho các thương, bệnh binh, đội ngũ cán bộ, nhân viên tại trung tâm luôn quan tâm và tận tình chăm sóc các bác như những người thân trong gia đình.
"Công tác chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng không chỉ là một nhiệm vụ chính trị mà còn có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện sự tri ân với các thế hệ đi trước - những người đã không quản ngại nguy hiểm, hy sinh bản thân vì độc lập, tự do của dân tộc"- sác sĩ Nguyễn Văn Hương bày tỏ.
Những lúc rảnh rỗi, các thương, bệnh binh thường đẩy xe lăn ra chỗ cây rợp bóng mát giữa sân để hàn huyên, tâm sự cũng như vươn vai hoặc vặn người tập thể dục cho khỏe mạnh
Tỉ lệ thương tật 93%, dù vết thương luôn hành hạ khi trái gió trở trời, nhưng thương binh Vũ Văn Ý (quê huyện Lương Tài, Bắc Ninh) vẫn luôn lạc quan và nở những nụ cười rạng rỡ
Những cơn đau ở vết thương khiến thương binh Trần Văn Hùng đau đớn mỗi khi trái gió trở trời
Thương binh Trần văn Hùng, quê ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Đi bộ đội năm 1971 và phục vụ ở chiến trường miền Nam. Ông bị thương ở mặt trận Tây Nguyên năm 1974 với tỉ lệ mất sức 91%. Đến năm 1976 ông được chuyển ra đây điều trị, an dưỡng. Suốt 46 năm qua ông luôn sống ở đây và được các y, bác sĩ chăm sóc chu đáo.
Các y, bác sĩ luôn tận tình chăm sóc sức khỏe cho các thương, bệnh binh
Trong số 97 thương, bệnh binh ở đây có 5 người là nữ. Có cô bị thương cụt cả hai tay
Một phần máu xương của các thương, bệnh binh đã nằm lại chiến trường
Những thương, bệnh binh nặng sinh sống ở đây dù "tàn nhưng không phế". Họ vẫn nấu cơm, tự sinh hoạt theo sở thích của mỗi người, dù đơn vị có nhà bếp phục vụ cho các bác. Trong ảnh: thương binh Đỗ Đăng Khuê, quê Thái Bình, nhập ngũ năm 1967, bị thương ở mặt trận Nam Lào năm 1972. Ông điều trị ở đây từ tháng 7-1975. Dù cụt hai tay nhưng ông vẫn tự nấu ăn và sinh hoạt; "Cuộc sống của chúng tớ ở đây rất thoải mái bởi được sự quan tâm chu đáo của Đảng, Nhà nước và cả xã hội".
Thương binh Vũ Văn Ngậu sinh năm 1949, quê ở Hưng Yên, đi bộ đội năm 1967. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông bị thương năm 1973, mất sức 90%. Từ năm 1976 ông ra điều dưỡng, điều trị tại đây. Không thích ăn cơm nhà bếp, ông Ngậu tự nấu ăn theo sở thích tại phòng ở rộng rãi, thoáng mát.
Ngồi trên xe lăn, nhưng các thương, bệnh binh tự vo gạo nấu cơm, nhặt rau nấu canh và nấu những món ăn mình thích. Các thương, bệnh binh dù "tàn nhưng không phế"
Cháu lên thăm ông vào những ngày cuối tuần
Họ hàn huyên tâm sự những lúc rảnh rỗi, hay khâu vá, sửa chữa những đồ dùng cần thiết
Văn Duẩn - Hữu Hưng
Xem nhanh
, 15/01/2025